Áp lực nào đã khiến Toyota Vios 'đánh mất chính mình'?
Trước những sự cạnh tranh đến từ những đối thủ trong và ngoài phân khúc, Toyota Vios phải có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ để kéo khách hàng trở lại.
Trước đây, Toyota Vios luôn được mệnh danh là "thùng tôn di động", "nồi đồng cối đá",...những danh xưng khiến nhiều người liên tưởng đến một mẫu xe bền bỉ, ít hỏng vặt, rất hạn chế các tính năng an toàn và bán lại được giá cao. Đây cũng là một trong những điều giúp mẫu xe này thành công tại thị trường Việt Nam nhiều năm trước, nhờ khả năng tiết kiệm cho chủ xe trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt từ thế hệ mới ra mắt vào năm 2018, Toyota Vios gần như đã lột xác với hàng tá tính năng mới tích hợp, thậm chí dẫn đầu phân khúc ôtô hạng B về khoản cập nhật công nghệ an toàn. Vậy điều gì đã khiến mẫu xe này thay đổi, "không còn là chính mình" của ngày xưa nữa?
Toyota Vios 2020 được Nâng Cấp mạnh
Thế hệ hiện tại của Toyota Vios ra mắt cách đây hơn một năm mang trong mình hàng loạt trang bị hiện đại. Nếu như trước đây bị chê không có đủ các tính năng an toàn cần thiết, thì mẫu xe này hiện đã có đầy đủ những công nghệ như: Chống bó cứng phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA, hệ thống cân bằng điện tử VSC, kiểm soát lực kéo TRC, khởi hành ngang dốc HAC,...
Ngoài ra, Toyota Vios phiên bản 2020 còn được nâng cấp với hàng loạt các trang bị hiện đại khác: Kiểm soát hành trình Cruise Control, camera lùi, cảm biến góc trước sau, Apple Carplay và Android Auto...Một số trong những tính năng này vẫn còn khá "xa xỉ" đối với các mẫu xe ngang giá hoặc đắt hơn Vios.
Năm nay, Toyota cũng tung thêm hai phiên bản mới dựa trên Vios E Cvt và E MT, cắt giảm một số bộ phận như số lượng Túi Khí xuống 3 chiếc và các trang bị khác nhưng giá rẻ hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, các phiên bản còn lại đều giữ nguyên như trước, điều này giúp Toyota Vios mới dễ tiếp cận hơn, đặc biệt với những người mua cho mục đích chạy dịch vụ, mức giá xe hiện từ 470 đến 570 triệu đồng.
Bên cạnh những nâng cấp trên, mẫu xe phân khúc B này vẫn được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao ở khả năng bền bỉ, ít hỏng vặt, không gian nội thất rộng rãi và khá tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, nhu cầu dành cho Toyota Vios đã không còn cao như trước.
Toyota Vios không còn "bá đạo"?
Có thể nói, Vios hiện vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" cho Toyota với doanh số bán hàng cao nhất trong số các sản phẩm, và hàng năm chiếm thị phần khoảng 40% tổng số lượng xe bán ra của hãng.
Tuy nhiên, những con số từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số 11 tháng đầu năm 2019 dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đang chậm hơn nhiều so với các năm trước.
Theo đó, nếu các năm trước trước, tốc độ tăng trưởng doanh số xe Toyota Vios đều đạt trên 20% thì sang đến năm 2019 vừa qua, tỷ lệ trên chỉ còn 2% (thấp nhất trong 5 năm trở lại đây); trong khi theo VAMA, thị trường ôtô Việt Nam đã tăng trưởng 14% so với cùng kì năm ngoái. Điều này báo hiệu mẫu xe phân khúc B của Toyota đã không còn sức hút như trước đây.
Lý do nằm ở việc Toyota Vios đang có thêm ngày càng nhiều đối thủ, tạo nên những "áp lực vô hình" khiến mẫu xe này ngày càng phải chú ý "xung quanh" hơn.
Áp lực từ mọi phía với Toyota Vios
Trước đây, Toyota Vios luôn vững chãi ở vị trí đâu tiên trong thị trường ôtô, khi gần như chỉ cạnh tranh với một số mẫu xe mạnh mẽ trong phân khúc như Honda City và Hyundai Accent, nhưng mọi thứ đã thay đổi từ cách đây hơn 1 năm.
Phát đại bác đầu tiên đến từ mẫu xe Mitsubishi Xpander trình làng thị trường Việt Nam vào đầu tháng 8/2018. Nằm trong phân khúc MPV giá rẻ, xe sở hữu hàng loạt trang bị an toàn với kết cấu 7 ghế (tiên cho mục đích sử dụng gia đình và dịch vụ), cùng với đó là một mức giá rất mềm, không quá đắt so với Toyota Vios. Nhờ đó, Xpander nhiều tháng gần đây liên tiếp đứng đầu về doanh số bán xe.
Sau đó ít ngày, Hyundai cũng phả hơi nóng thêm với việc giới thiệu mẫu SUV cỡ nhỏ Kona, hợp lực cùng Ford EcoSport, thu hút sự chú ý đến phân khúc này. Theo xu thế toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng quan tâm hơn tới những mẫu xe gầm cao, đó chính là lý do khiến doanh số của các mẫu SUV, crossover và bán tải ở nước ta tăng cao những năm gần đây.
Sang đến giữa năm 2019, một MPV 7 chỗ khác xuất hiện tại Việt Nam khiến nhiều người càng đắn đo khi lựa chọn ôtô ở mức giá 600 triệu đồng, đó chính là Suzuki Ertiga. Không sở hữu quá nhiều trang bị như Xpander, nhưng xe gây ấn tượng với mức giá rẻ hơn cả Toyota Vios, và cũng được nhập khẩu từ Indonesia như MPV của Mitsubishi. Tuy nhiên, do vấn đề nguồn cung, Suzuki Ertiga mới chỉ bán được 1.948 chiếc tính đến hết tháng 11.
Trong khi đó, ngay ở phân khúc B, Toyota Vios cũng chịu thêm sức ép khi Kia Soluto ra mắt vào tháng 9 năm ngoái. Với mức giá rất dễ tiếp cận, từ 399 đến 455 triệu đồng, mẫu xe này được đánh giá có thân hình của phân khúc B nhưng giá bán gần sát phân khúc A. Thậm chí, nhiều mẫu xe đô thị cỡ nhỏ nhất tại thị trường Việt Nam cũng phải "toát mồ hôi" với Soluto.
Còn chưa kể đến Honda City thế hệ mới vừa ra mắt tại Thái Lan và sẽ sớm xuất hiện ở thị trường Việt Nam với những nâng cấp mạnh mẽ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Quan trọng hơn, khi vấn đề nhập khẩu đã trở nên dễ dàng, nhiều hãng xe đã đưa về những sản phẩm ôtô giá rẻ từ khu vực Đông Nam Á về Việt Nam, hưởng thuế suất 0%. Do đó, việc những mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam như Toyota Vios bắt buộc phải giảm giá, tăng trang bị để cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
Tổng kết lại, thị trường Việt Nam ngày càng đón nhận các mẫu ôtô mới với mức giá rẻ và nhiều trang bị hơn, chúng đã gây áp lực lớn đến những "ông kẹ" trước đây, buộc nhiều nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược hoặc chấp nhận việc "con cưng" của mình sụt giảm doanh số. Tuy nhiên, chính điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng khi có thể lựa chọn đa dạng hơn trong khi không tốn kém quá nhiều như trước đây.