Chạy xe máy xuyên Việt, chuyện tưởng dễ mà lại khó
Chạy xe xuyên Việt là một trong những trải nghiệm thú vị mà bất cứ người trẻ ham mê xê dịch nào cũng muốn một lần thực hiện.
Di chuyển Xuyên Việt bằng xe máy đang là một trào lưu khá nổi tại Việt Nam, đặc biệt là Giới Trẻ. Hầu hết nhiều người trẻ xem việc chạy xe máy xuyên Việt là một trong những cột mốc của cuộc đời mình và không ít người cố gắng chinh phục quãng đường này trong thời gian ngắn nhất.
Nếu như có ý định thực hiện Hành Trình chạy xe máy xuyên Việt, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ từ phương tiện cho đến sức khỏe của bản thân. Dưới đây là những chia sẻ của chị Võ Huyền Thiên Thư, người từng chạy xe máy TP.HCM-Hà Nội trong 40 tiếng, về những chuẩn bị cần có cho một chuyến đi xuyên Việt an toàn.
1. Lên kế hoạch chi tiết về hành trình
Đối với những chặng đường ngắn như TP.HCM-Vũng Tàu hay TP.HCM-Phan Thiết, các bạn trẻ có thể dễ dàng "khoác balo lên và đi" mà không cần phải đắn đo quá nhiều. Thế nhưng đối với những hàng trình xuyên Việt với quãng đường gần 2.000 km đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu thật kỹ về lộ trình, cung đường mình sẽ đi.
Sự cố mà những bạn chạy xe máy thường gặp khi chạy trên xe với quãng đường xa là hết xăng giữa đường. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là khi đi một mình hoặc ở những nơi hoang vắng.
Có những đoạn đường cách vài chục, thậm chí là vài trăm km mới có một trạm xăng. Vì thế việc tính toán địa điểm đổ xăng là điều vô cùng cần thiết, nếu có thể người lái nên mang theo một Bình Xăng dự phòng.
Tính toán khoảng cách giữa các trạm dừng cũng là việc quan trọng không kém, dừng lại nghỉ liên tục có thể khiến cho chuyến đi bị kéo dài quá mức cần thiết và gây khó chịu cho người lái. Ngược lại, khoảng cách các trạm dừng quá xa sẽ làm cho người điều khiển cảm thấy mệt mỏi.
2. Kiểm tra phương tiện kỹ lưỡng
Chiếc xe là phương tiện quan trọng quyết định sự thành công của chuyến đi, vì thế việc kiểm tra phương tiện trước khi đi là vô cùng cần thiết. Những bộ phận của xe máy nên kiểm tra trước khi thực hiện một hành trình dài ngày như chạy xuyên Việt là hệ thống đèn, hệ thống phanh, lốp xe, bugi, hệ truyền động... Nhớt động cơ hay nhớt hộp số nên được thay trước hành trình để đảm bảo động cơ được chăm sóc tốt nhất khi chạy đường dài.
Trong quá trình di chuyển, người lái cũng cần kiểm tra xe thường xuyên. Áp suất lốp là chi tiết nên được kiểm tra sau mỗi chặng dừng để phát hiện kịp thời các hư hỏng như dính phải dị vật, lốp bị phù...
3. Chuẩn bị các vật dụng cần thiết
Để có thể đảm bảo sức khỏe và tinh thần luôn ở mức thoải mái, người lái nên mang theo những loại đồ ăn nhẹ có chứa đường và nước uống để có thể tiếp thêm năng lượng cho cơ thể. Để tránh mệt mỏi, người lái cần lựa chọn trang phục thoải mái nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Áo mưa cũng là vật dụng không thể thiếu, nên là loại áo mưa gọn gàng với chất liệu tốt.
Người lái cũng nên mang theo các vật dụng sửa xe đơn giản như tuốc nơ vít, cờ lê, kềm... Những vật dụng này sẽ trở nên vô cùng quan trọng nếu chẳng may xe gặp sự cố ở những nơi vắng vẻ.
Đồ mang theo nên được chằng buộc gọn gàng, chắc chắn, đảm bảo không vướng Tay Lái và tầm nhìn của người điều khiển.
4. Đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu
Hầu hết mọi người thường có tâm lý hào hứng khi vừa xuất phát và trở nên mệt mỏi sau vài tiếng di chuyển. Sự mệt mỏi khiến người lái không còn tập trung lái xe và dễ bị phân tâm, tăng khả năng gặp tai nạn. Để giảm thiểu tình trạng mất tập trung, cần dừng lại Nghỉ Ngơi 15-30 phút sau mỗi 200 km di chuyển.
Khi di chuyển trên những đoạn đường có nhiều xe lớn và mật độ Giao Thông cao, người điều khiển xe nên chạy chậm để quan sát và kịp thời xử lý những tình huống phát sinh. Nếu muốn Vượt xe khác, cần quan sát kỹ và chỉ vượt khi chắc chắn xung quanh an toàn.
Nếu có nhiều xe cùng chạy với nhau, cần đảm bảo được khoảng cách an toàn giữa các xe. Một mẹo nhỏ để đảm bảo luôn giữ khoảng cách an toàn với xe trước là cần chạy cách xe trước tối thiểu 3 giây. Bên cạnh đó, các xe trong đoàn nên chạy một hàng theo hình dạng so le để người phía sau vẫn có đủ không gian để quan sát giao thông phía trước.
Vài năm gần đây có những trường hợp chạy xe máy xuyên Việt với tốc độ rất cao. Có trường hợp tổng thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Hà Nội chỉ chưa đầy 20 tiếng, điều này đồng nghĩa với tốc độ Trung Bình ở mức trên 80 km/h. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, không chỉ vi phạm Luật Giao Thông mà còn có thể Gây Nguy Hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Để đảm bảo có một chuyến đi vui vẻ và an toàn, hãy chạy đúng tốc độ, nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt và ngủ đủ giấc để giữ được phong độ tốt nhất cho chặng đường tiếp theo. Chúc bạn lái xe an toàn.