Myanmar và Mỹ La-tinh muốn mua máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga
Giám đốc phòng hợp tác quốc tế tập đoàn công nghệ Rostec của Nga, ông Viktor Kladov cho biết, Myanmar, cũng như một số quốc gia Mỹ La-tinh và bắc Phi đang quan tâm đến việc mua loại máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 Mitten của Nga.
“Yak-130 đang nhận được sự quan tâm lớn tại nhiều thị trường, một loạt các quốc gia Mỹ La-tinh đang để mắt đến nó, máy bay này đã được cung cấp cho Bangladesh. Myanmar, cũng như một số quốc gia tại bắc Phi đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dòng máy bay này”, ông Kladov nói với hãng thông tấn RIA Novosti hôm 21-4.
Ông giải thích rằng, một trong những lợi thế lớn của dòng Máy Bay Huấn Luyện chiến đấu 2 ghế ngồi hiện đại này là khả năng mô phỏng theo các máy bay chiến đấu của bất kỳ quốc gia và bất kỳ lớp nào, giúp các phi công dễ dàng hơn trong việc chuẩn bị cho các chuyến bay trên cả máy bay Nga và máy bay nước ngoài.
Máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga
“Phụ thuộc vào thuật toán trong máy tính trang bị trên khoang máy bay mà Yak-130 có thể bay như một chiếc máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ, cũng như các máy bay chiến đấu Su-30 và MiG-29 của Nga, nó cũng có thể bắt chước dòng máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon," ông Kladov cho biết thêm.
Theo hãng thông tấn Sputnik, giá xuất khẩu của mỗi chiếc máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 khoảng 15 triệu USD.
Yak-130 là dòng máy bay huấn luyện duy nhất trên thế giới có cấu trúc khí động lực và có khả năng bay ở tốc độ cận âm như những máy bay chiến đấu hiện đại. Yak-130 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Progress AI-222-25 cho tốc độ tối đa 1.060km/giờ, tầm bay 2.546km, trần bay 12.500m.
Loại máy bay hạng nhẹ này có thể mang được một cơ số vũ khí và trang bị chiến đấu lên đến 3 tấn để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công, nhưng nhiệm vụ chính của nó là huấn luyện phi công điều khiển máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5.
Máy bay huấn luyện Yak-130 Mitten đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử từ vào năm 1996 và chiếc đầu tiên được bàn giao cho không quân Nga vào năm 2009. Đến năm 2013, chúng mới được sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện.
Theo Đức Huy (ANTĐ)