Việt Nam “chống tiếp cận” Biển Đông với vũ khí Nga

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Các nguồn thông tin nước ngoài mới đây cho biết, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục sắm thêm các loại vũ khí tối tân từ Nga như chiến đấu cơ Su-35, tên lửa S-400, xe tăng T-90SV, các loại tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối đất tối tân...  

Việt Nam “chống tiếp cận” Biển Đông với vũ khí Nga

Tàu ngầm Kilo của hải quân

Gần đây, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với hàng loạt quốc gia Đông Nam Á gia tăng căng thẳng. Những diễn biến nóng xung quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, đặc biệt là thực trạng Trung Quốc ồ ạt bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép và ráo riết quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Nguy cơ khiến tranh chấp quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông có thể leo thang thành cuộc xung đột khu vực nghiêm trọng đang hiện hữu. Tình hình an ninh xấu đi đã thúc ép tất cả các quốc gia liên quan đang nỗ lực mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại, hình thành một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi lẽ đi qua vùng biển này là các tuyến đường vận tải biển, kể cả vận chuyển dầu mỏ từ vịnh Persique cho các quốc gia Đông Á. Tình hình ở khu vực này khiến Washington đặc biệt lo ngại và họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Mỹ coi Biển Đông là vùng biển quốc tế và sẽ bác bỏ yêu sách chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đối với vùng biển này.

Việt Nam “chống tiếp cận” Biển Đông với vũ khí Nga

Klub-S của hải quân Việt Nam

Việt Nam “chống tiếp cận” Biển Đông với vũ khí Nga

Chiến hạm Molniya "Tia chớp" Việt Nam bắn thử tên lửa trên biển.

Tình thế khu vực về khách quan đang thúc bách Hà Nội gia tăng chi phí quân sự. Theo hãng tin quốc phòng Jane’s, mức tăng GDP hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 sẽ là 6,5% và sẽ cho phép bảo đảm chi phí quốc phòng ở mức cần thiết. Nếu như những năm gần đây, Hà Nội đã chi cho quốc phòng gần 3% GDP thì trong tương lai gần, mức chi sẽ tăng lên đến 5%. Theo dự báo, ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2013-2017 sẽ tăng 30% và sẽ tăng từ 3,8 tỷ USD lên đến 4,9 tỷ USD.

Để thực hiện chiến lược tái trang bị vũ khí cho quân đội, Việt Nam dự định tiếp tục đường lối củng cố hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nhờ đó, Việt Nam đang nằm trong số 5 nước nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất. Theo kết quả 4 năm gần đây, quốc gia nhập khẩu vũ khí trang bị Nga nhiều nhất là Ấn Độ (35%), tiếp đó là Trung Quốc (15%), Algeria (14%), Việt Nam và Venezuela.

Theo số liệu của SIPRI, khối lượng hàng quân sự bán cho các nước Đông Nam Á giai đoạn 2008-2012 đã tăng 169% so với giai đoạn 2003-2007. Điều đó có liên quan đến quan hệ căng thẳng trên biển trong khu vực, chủ yếu giữa Trung Quốc và Việt Nam hoặc Philippines ở Biển Đông. Số liệu gần đây của SIPRI cho biết, Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trong danh sách nhập khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2011-2015, chiếm 2,9% tổng khối lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu, tăng 699% so với 5 năm trước đó. Trong giai đoạn từ năm 2006-2010, Việt Nam chỉ xếp vị trí 43 với 0,4%.

Nhà cung cấp vũ  khí chính của Việt Nam trong 5 năm 2011 - 2015 là Nga (93%) với hàng chục máy bay chiến đấu,các tàu tên lửa tấn công nhanh và 6 tàu ngầm trang bị tên lửa tấn công mặt đất. Số tàu chiến và tàu ngầm chiếm 44% tổng số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu, máy bay chiếm 37%. Báo Đức DW ngày 21/2/206 nhận xét rằng Việt Nam tăng chi tiêu quốc phòng để bảo vệ chủ quyền biển đảo và đối phó mối đe doạ từ Trung Quốc trên Biển Đông.

Việt Nam trước nay vẫn là khách hàng lớn mua sắm vũ khí vũ khí của Nga, cũng như hai nước rất có tiềm năng trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp quốc phòng. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tháng 3/2013 ở Hà Nội, phía Việt Nam đã nhấn mạnh ý định tiếp tục phối hợp với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và mua sắm vũ khí trang bị của Nga.

Có thể thấy rõ là không phải tình cờ mà Việt Nam lọt vào nhóm 5 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất vũ khí trang bị của Nga. Trong thời gian qua, Việt Nam đã mở rộng mạnh mẽ phi đội tiêm kích Sukhoi hiện gồm 12 Su-27SK/UBK và 24 Su-30MK2V.

Hợp đồng đầu tiên mua 4 chiếc Su-27SK  và 1 Su-27UBK được ký năm 1994 và thực hiện vào năm 1995-1996.

Hợp đồng thứ hai mua 2 Su-27SK và 4 Su-27UBK được ký năm 1996 và thực hiện vào năm 1997-1998.

Năm 2003, Việt Nam đã mua 4 Su-30MK2V và tiếp nhận các máy bay này vào năm 2004.

Năm 2009, đã ký hợp đồng mua 8 Su-30MK2V và chuyển giao vào năm 2010-2011.

Năm 2010, đã ký hợp đồng lớn nhất mua 12 Su-30MK2V và hoàn thành vào năm 2011-2012.

Hiện nay, Việt Nam được xem là khách hàng tiềm tàng của các tiêm kích mới Su-35 mà khách hàng đầu tiên là Trung Quốc. Khi hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc được thực hiện, Không quân Việt Nam sẽ cần tăng cường về số lượng và chất lượng đội máy bay chiến đấu của mình. Không loại trừ là để hóa giải tiềm lực tăng lên của không quân Trung Quốc, Hà Nội sẽ cần mua ít nhất 24 Su-35.

Đặc biệt tích cực tăng cường sức mạnh là Hải quân Việt Nam. Hiện nay, đang ở giai đoạn thực hiện có hợp đồng mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Projekt 636 của Nga đến năm 2016. Hợp đồng này được ký trong chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2009. Ngoài việc đóng các tàu ngầm, hợp đồng còn có nội dung huấn luyện cho các kíp tàu ngầm Việt Nam, cung cấp trang thiết bị kỹ thuật cần thiết.

Tàu ngầm lớp Kilo 636 là tàu ngầm thế hệ 3. Tiềm năng hiện đại hóa của các tàu ngầm này cho phép tích hợp cho chúng các vũ khí mới, trong đó có hệ thống tên lửa chống hạm Club, cho phép mở rộng phạm vi tiêu diệt mục tiêu. Trên các tàu ngầm Việt Nam sẽ lần đầu tiên lắp đặt các hệ thống bảo đảm sinh hoạt mới cho thủy thủ đoàn như hệ thống giảm áp suất trong các khoang và hệ thống dập lửa nitơ, cũng như các hệ thống máy tính hóa mới.

Hiện nay, hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 5 tàu ngầm Kilo và dự kiến chiếc thứ 6 sẽ được phía Nga bàn giao cho Việt Nam vào cuối năm 2016. Tàu ngầm Kilo Việt Nam hiện đã đi vào trực chiến, góp phần tạo thế răn đe trên Biển Đông trong chiến lược phòng thủ biển của đất nước.

Hai chiếc tàu hộ vệ tàng hình lớp Gepard-3.9 tiếp theo đang được đóng cho Hải quân Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk. Cả 2 chiến hạm này sẽ được bàn giao cho Việt Nam lần lượt vào năm 2016 và 2017. Hợp đồng đóng 2 tàu này được ký vào tháng 12/2011. Trước đó, Việt Nam đã mua của Nga 2 chiến hạm cùng lớp vào năm 2006. Chúng đã được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2011. Được biết các chiến hạm Gepard tiếp theo sẽ tăng mạnh năng lực chống ngầm.

Cuối năm 2013, chiếc đầu tiên trong 6 tàu tên lửa lớp Projekt 12418 Molnya đang đóng theo giấy phép của Nga tại Việt Nam sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. 

Nhà máy đóng tàu Vympel ở Rybinsk đang hỗ trợ Việt Nam đóng hàng loạt các tàu tên lửa này. Họ đang sản xuất và chuyển sang Việt Nam theo lịch trình đã định các linh kiện và tổng thành để lắp ráp 6-10 tàu tên lửa lớp Projekt 12418 Molnya đầu tiên. Việc đóng các tàu tên lửa này có sự giám sát kỹ thuật từ phía công ty thiết kế là Viện thiết kế TsMKB Almaz ở St. Petersburg, cũng như nhà máy sản xuất là Công ty “Nhà máy đóng tàu Vympel”.

Việt Nam dự định có tổng cộng 10 tàu Projekt 12418 và hiện đã có hợp đồng đóng 6 tàu trong số đó. Việc cung cấp linh kiện từ Rybinsk sang Việt Nam cho 6 tàu đầu tiên bắt đầu vào năm 2010 theo hợp đồng trị giá 30 triệu USD và sẽ tiếp tục đến năm 2016.

Trong hợp đồng đóng tàu tên lửa Projekt 12418 Molnya cho Việt Nam có điều khoản  phụ đóng thêm 4 tàu nữa. Dự kiến, điều khoản phụ sẽ được chuyển thành hợp đồng cứng sau khi bàn giao cho Hải quân Việt Nam những tàu tên lửa đầu tiên do Việt Nam đóng. Mới đây, nhà máy đóng tàu Ba Son vừa hạ thủy cặp tàu tên lửa tấn công nhanh thứ hai cho hải quân Việt Nam và đang tiếp tục đóng thêm những cặp tàu "Tia chớp" khác.

Cùng với việc cung cấp vũ khí trang bị hải quân, phía Nga còn cung cấp các phương tiện huấn luyện cho hải quân Việt Nam. Cụ thể, Công ty “Tập đoàn NPO Avrora” đã cung cấp một hệ thống huấn luyện tổng hợp cho các kíp tàu ngầm Việt Nam. 

Tổng giám đốc Công ty OSK-Tranzas Vyacheslav Komrakov cho biết, nhà thầu chính trong hợp đồng này là Avrora, còn OSK-Tranzas bảo đảm việc sản xuất toàn bộ phần dẫn đường (kính tiềm vọng, cầu tàu, tháp tàu). Sắp tới, hệ thống huấn luyện sẽ bắt đầu được lắp đặt và đưa vào sử dụng.

Việt Nam cũng đã đặt mua các hệ thống huấn luyện cho kíp tàu hộ vệ Gepard (36 vị trí chiến đấu) và tàu tên lửa Molnya (56 vị trí chiến đấu)

Việt Nam cũng đang hoàn tất công việc xây dựng tại Cam Ranh trung tâm huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và vào tháng 11/2013, nó sẽ tiếp nhận các học viên đầu tiên. Theo Tổng giám đốc Công ty Avrora, ông Konstantin Shilov, hai tòa nhà diện tích hơn 10.000 m2 đã được xây dựng ở Việt Nam. Công việc chuẩn bị trên lãnh thổ Nga đã hoàn thành đầy đủ, toàn bộ trang thiết bị cho trung tâm hiện đang ở giai đoạn lắp đặt.

Các ví dụ chuyển giao công nghệ quân sự Nga cho Việt Nam không chỉ là việc đóng các tàu tên lửa Molnya. Tổng công ty Tên lửa chiến thuật (TRV) chẳng hạn đang hợp tác với phía Việt Nam trong việc triển khai sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35 tại Việt Nam, còn Tổng công ty Irkut thì đang chuyển giao cho Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam công nghệ sản xuất máy bay không người lái (UAV) trên cơ sở hệ thống UAV Irkut-200.

Loại tên lửa hành trình Kh-35UE được Nga chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam sẽ có một số phiên bản khác nhau, có tầm bắn gấp đôi so với phiên bản cũ (260km). Tên lửa tự chế tạo này đã được Việt Nam trưng bày trong một cuộc triển lãm gần đây. Kh-35UE sẽ là một sự phối hợp tốt với các hệ thống tên lửa bờ tối tân Bastion-P mà Việt Nam đã trang bị.

Việt Nam “chống tiếp cận” Biển Đông với vũ khí Nga

Tên lửa chống hạm Kh-35UE do Việt Nam chế tạo theo chuyển giao công nghệ của Nga

Các nguồn tin nước ngoài mới đây đã thông tin về việc Việt Nam có thể chi tới 1 tỷ USD để mua ít nhất 12 chiến đấu cơ thế hệ 4++ là Su-35 của Nga. Việt Nam cũng được cho là mua 130 xe tăng T-90SV của Nga trị giá 650 triệu USD và mua một số tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Theo một số nguồn tin khác, Việt Nam cũng rất quan tâm tới loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga nhằm thay thế cho tên lửa Scud đã cũ. Hoặc Hà Nội có thể muốn trang bị loại chiến đấu cơ Mig-29 đánh biển của Nga... 

Trong lộ trình hiện đại hóa quốc phòng đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, duy trì hòa bình để phát triển, Việt Nam hợp tác không chỉ với Nga mà đang trong quá trình mở rộng, đa dạng hóa nguồn vũ khí, trang bị từ Cộng hòa Czech, Ba Lan, Rumani, Ukraine, Belarus. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vũ khí khác ngoài Nga như Ấn Độ, Israel, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển...

PV/Theo Viettimes (TTTĐ)

SourceXeHay