VNF cuối tuần: Thương hiệu không phải bao giờ cũng đảm bảo về chất lượng
Thị trường xe hơi hiện nay ngày càng nhộn nhịp với nhiều sản phẩm và giá thành khác nhau, điều này mang đến nhiều lựa chọn cho người người tiêu dùng, nhưng mặt khác nó cũng mang tới không ít băn khoăn và đau đầu khi cần ra quyết định mua sắm.
Vậy tại sao Giá Thành một chiếc ô tô lại cao? Các quy định an toàn của Nhà nước đối với các Hãng Xe là gì? Khi hết Thời Hạn Bảo Hành có phải nghiễm nhiên người tiêu dùng phải chi trả mọi chi phí sửa chữa?
Giá thành của một chiếc xe phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật, mẫu mã và thương hiệu. Khi những chiếc xe có các thông số kỹ thuật và công nghệ tương đương thì chính thương hiệu sẽ là yếu tố quyết định giá thành. Không phải tự nhiên, những chiếc xe nhập ngoại đặc biệt từ các nước Châu Âu có giá cao hơn hẳn những xe được sản xuất tại Châu Á hay thị trường trong nước. Đơn giản vì thương hiệu là một lời hứa về chất lượng. Người tiêu dùng bỏ tiền mua niềm tin và kỳ vọng rằng sản phẩm của các hãng xe lớn, uy tín sẽ ít Hỏng Hóc và nếu có sự cố hỏng hóc thì các hãng này có trách nhiệm và không để người tiêu dùng thiệt thòi.
Thực tế không hẳn như vậy. Vụ kiện tập thể của ông Võ Quốc Bình kiện Ford Việt Nam vào năm 2018 và bà N.H.N khiếu nại Volkswagen Việt Nam vào năm 2019 đều liên quan đến vi phạm an toàn nghiêm trọng của hãng liên quan đến lỗi hộp số, cho thấy sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng không phải lúc nào cũng được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, vụ việc của ông Võ Quốc Bình diễn ra vào khoảng tháng 2/2018, thời điểm đó ông có mua một chiếc Ford Focus đã qua sử dụng của một người dân tại quận Thủ Đức. Mặc dù chiếc xe còn khá mới và được trì, bảo dưỡng cẩn thận nhưng khi ông Bình mua về thì chiếc xe bị một số lỗi như hộp số bị rung giật khi chuyển số, vòng tua máy luôn cao bất thường lên đến 6.000 vòng khi di chuyển với tốc độ 30 km/h.
Chiếc xe cũng thường xuyên Báo Lỗi: “Trasmission hot, wait 5 minutes” và báo lỗi nguy hiểm “Transmission overheating stop safely”… kèm theo đó là hiện tượng bị tuột số, không bắt côn số.
Tuy nhiên, khi ông Bình đưa xe đến đại lý kiểm tra thì chỉ nhận được một thái độ phục vụ hờ hững và đùn đẩy trách nhiệm cho khách hàng. Chính vì vậy, ông Bình đã quyết định Khởi Kiện ra tòa.
Cụ thể, ông Bình đã khởi kiện Ford Việt Nam ra tòa án TP Hải Dương và Tand Quận Thủ Đức (TP. HCM), ngoài ra ông còn gửi đơn khiếu nại đến Bộ Công Thương và Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP. HCM. Trong khi tòa án đã tiếp nhận đơn khởi kiện, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu xử lý thì Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP. HCM lại từ chối can thiệp.
Hay vụ việc gần đây nhất là khách hàng tên N. đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Đăng Kiểm Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương vào cuộc khi chiếc xe Volkswagen Scirocco 1.4 TSI chị N. đang sử dụng bị hỏng bộ điều khiển hộp số DSG nhưng phía Volksawgen Việt Nam từ chối bảo hành.
Các nhà sản xuất xe hơi hay đơn vi nhập khẩu đều phải nghiêm túc tuân thủ quy định nhà nước về an toàn kỹ thuật. Cụ thể tại Khoản 12, Điều 3, Thông tư 25/2019/TT-BGTVT quy định “Sản phẩm có Khuyết Tật là sản phẩm có lỗi trong quá trình thiết kế, chế tạo, lắp ráp có khả năng gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của người sử dụng cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an toàn và môi trường của cộng đồng”. Khi phát hiện ra lỗi hãng có trách nhiệm khắc phục bằng việc triệu hồi xe căn cứ theo Khoản 4, Điều 3 Thông tư 116/2017/NĐ-CP – “Triệu hồi ô tô là hành động của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện đối với ô tô có khuyết tật trong quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp đã được cung cấp ra thị trường nhằm ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra”.
Như vậy việc triệu hồi được thực hiện với mục đích trước tiên là ngăn ngừa sau đó mới tới khắc phục các Lỗi Kỹ Thuật gây ra nguy hiểm về tính mạng và tài sản của người tiêu dùng và cộng đồng.
Biểu hiện của sản phẩm có khuyết tật hay còn gọi là lỗi kỹ thuật là tại một thời điểm, một dòng xe (hoặc nhiều dòng xe) cùng năm sản xuất, bị hỏng hàng loạt với hiện tượng giống nhau. Trong trường hợp này, hãng phải có trách nhiệm khắc phục miễn phí Vô Thời Hạn. Nếu sau một thời gian khắc phục, lỗi kỹ thuật này tái phát lần 2 thì coi như việc khắc phục lần 1 chưa được thực hiện triệt để.
Chắc chắc rằng không một quốc gia nào cho phép một chiếc xe bị mắc lỗi kỹ thuật lưu hành trên đường. Công tác triệu hồi của hãng phải được thực hiện vào thời điểm phát hiện ra lỗi, chứ không phụ thuộc vào thời hạn bảo hành, nên không có giợi hạn thời gian áp dụng cho việc khắc phục lỗi kỹ thuật.
Chỉ có lỗi kỹ thuật xuất phát từ khâu thiết kế, sản xuất hay lắp ráp của hãng mới dẫn đến hỏng hóc hàng loạt, ảnh hưởng đến hàng trăm, nghìn chiếc xe. Các hỏng hóc đơn lẻ, thông thường xuất phát trong quá trình vận hành xe của chủ phương tiện thì hãng không có trách nhiệm sửa chữa miễn phí nếu không còn thời hạn bảo hành. Những khấu hao tự nhiên dẫn đến một thiết bị nào đó bị lão hóa theo thời gian cũng không được coi là lỗi kỹ thuật.
Các đợt triệu hồi thường tốn rất nhiều chi phí vì vậy các hãng xe ở trong nước cũng như nước ngoài rất thích sử dụng khái niệm “bảo hành thiện chí” khi xử lý các lỗi kỹ thuật. Khái niệm này chỉ nói lên một hành động đẹp của nhà sản xuất khi gia hạn thời gian bảo hành miễn phí. “Bảo hành thiện chí” đúng như tên gọi của nó không ràng buộc được trách nhiệm của nhà sản xuất, khác hẳn với quy định của triệu hồi là nghĩa vụ pháp lý của hãng phải khắc phục vô thời hạn lỗi kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và cộng đồng.
Một hãng xe hay thực hiện triệu hồi không hẳn sản phẩm của họ không tốt. Những chiếc xe càng hiện đại, sử dụng những công nghệ tân tiến, có nhiều chi tiết phức tạp thì khả năng bị lỗi càng cao. Như vậy lỗi kỹ thuật sẽ xảy ra nhiều hơn ở những dòng xe cao cấp, đắt tiền.
Thực tế cho thấy, các đợt triệu hồi của các hãng xe lớn xảy ra không ít ở các nước phát triển. Điều này một phần là vì người tiêu dùng các nước này ý thức rất rõ quyền lợi của mình và không ngại lên tiếng khi cần thiết.
Tại Việt Nam, các vấn đề an toàn trên giao thông được đặc biệt coi trọng và thuộc trách nhiệm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực đồng thời là Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia. Quyền lợi của người tiêu dùng đối với các sự cố xe ô tô được bảo vệ bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đồng thời là đơn vị có thẩm quyền quyết định đối với việc tạm dừng hiệu lực, thu hồi giấy phép sản xuất, kinh doanh nhập khẩu xe ô tô.