Ôtô nhập khẩu về nhiều, đại lý phân phối than khó
Theo lãnh đạo Savico, nguồn cung xe nhập khẩu tăng mạnh dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn khiến các đại lý gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa lợi nhuận bán hàng.
Báo cáo Doanh Số Bán Hàng tháng 10 của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho biết doanh số bán hàng của xe Lắp Ráp trong nước từ đầu năm đã giảm 12% so với Cùng Kỳ. Tuy nhiên, doanh số bán xe Nhập Khẩu nguyên chiếc ra thị trường lại tăng tới 118%.
Tính từ đầu năm, toàn thị trường đã tiêu thụ khoảng 259.282 ôtô các loại, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh số bán ra Dòng Xe nhập khẩu đạt hơn 106.100 chiếc.
Nguồn cung xe nhập khẩu tăng, đại lý than khó
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết sau 9 tháng, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu tới 107.034 ôtô nguyên chiếc các loại, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm đa số với 79.230 chiếc, gấp 3 lần.
Nguồn cung xe nhập khẩu dồi dào giúp doanh số nhiều Nhà Phân Phối tăng mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của một số đại lý lớn lại sụt giảm với nguyên nhân trực tiếp đến từ nguồn cung xe tăng mạnh này.
Với gần 50 đại lý phân phối nhiều thương hiệu xe như Toyota, Ford, Mitsubishi, Isuzu, Hyundai, Volvo... Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) hiện là doanh nghiệp phân phối xe hơi lớn nhất cả nước. Đến cuối năm 2018, công ty này sở hữu gần 11% Thị Phần phân phối ôtô, theo báo cáo của VAMA.
Hiện các đại lý của Savico chủ yếu phân phối các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, nên doanh số của các đại lý phụ thuộc nhiều vào nguồn xe nhập về.
Tuy nhiên, lãnh đạo công ty thừa nhận chính nguồn cung xe nhập khẩu tăng mạnh trong Quý Iii vừa qua đã khiến Cạnh Tranh khốc liệt hơn dẫn tới thị trường ôtô gặp khó khăn hơn so với cùng kỳ.
3 tháng gần nhất, các đại lý của Savico ghi nhận tổng cộng 4.506 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 1.000 tỷ đồng (tương đương 29%) so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản doanh thu quý cao nhất trong năm 2019 của công ty.
Tuy vậy, hiệu suất kinh doanh của Savico lại đi xuống khi biên lãi gộp đã giảm từ 7,2% kỳ trước xuống còn 5,2% kỳ này. Kết quả là lãi gộp công ty thu về đã giảm 7%, đạt 233 tỷ đồng.
Giảm hiệu quả kinh doanh vì tăng cạnh tranh
Nguồn cung xe nhập khẩu tăng ngoài việc ảnh hưởng tới hiệu quả bán hàng vì tăng cạnh tranh còn khiến chi phí tài chính của Savico tăng do lượng lớn hàng tồn kho phải dự trữ, đẩy dư nợ vay tăng, cùng với sự tăng nhẹ của lãi suất so với cùng kỳ năm 2018.
Chi phí bán hàng trong quý của các đại lý cũng tăng cùng mức với doanh thu.
Ngoài ra, công ty đã thành lập thêm nhiều đơn vị mới khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng và phát sinh chi phí hoạt động chưa hiệu quả.
Vì các yếu tố này, lợi nhuận trước thuế quý III của toàn hệ thống Savico đã giảm gần 43% so với cùng kỳ, đạt 54 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng từ đầu năm, nhà phân phối xe hơi này ghi nhận 13.089 tỷ đồng doanh thu, tăng 36%. Cũng vì những lý do tương tự quý III mà lợi nhuận trước thuế công ty thu về giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 194 tỷ đồng.
Bình quân từ đầu năm, toàn hệ thống đại lý phân phối xe của Savico đạt khoảng 48 tỷ đồng doanh thu và mang về cho các ông chủ khoảng 720 triệu đồng tiền lãi mỗi ngày.
Thực tế, Savico cũng không phải doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu duy nhất bị giảm hiệu quả kinh doanh vì nguồn cung xe tăng mạnh.
Công ty CP Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh (Haxaco) – nhà phân phối lớn nhất của Mercedes Benz Việt Nam cũng bị giảm hiệu suất kinh doanh dù doanh số bán hàng tăng thời gian qua.
Trong khi doanh thu quý III của Haxaco tăng 15%, đạt 1.325 tỷ đồng thì lợi nhuận gộp về bán hàng lại giảm 19%, đạt gần 57 tỷ đồng. Mức giảm này tương đương biên lãi gộp trong quý của nhà phân phối Mercedes Benz Việt Nam vào khoảng 4,3%, giảm so với mức 6,1% cùng kỳ.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế riêng quý III và lũy kế 9 tháng năm nay của Haxaco giảm lần lượt 53% và 31% so với cùng kỳ.