Volkswagen, đế chế ôtô Đức cúi đầu trước Trung Quốc để cứu mình
Khơi mào cho scandal lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới, VW bị phạt hơn 33 tỷ USD, doanh thu và danh tiếng thiệt hại nặng nề, hàng loạt lãnh đạo cấp cao phải vào tù.
Giữa muôn vàn khó khăn, Hãng Xe Đức buộc phải chiều lòng thị trường Trung Quốc, nơi mang lại nguồn thu lớn cho hãng.
Bê Bối dieselgate làm sụp đổ đế chế
Ngày 18/9/2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ra thông báo Volkswagen đã lắp đặt trái phép thiết bị gian lận Khí Thải trên hàng trăm nghìn xe sử dụng động cơ 2.0L tại Mỹ từ năm 2009.
Thiết bị trên xe Volkswagen, Porsche, Audi, Seat và Skoda được điều chỉnh cho kết quả sai với thực tế nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải khi kiểm nghiệm.
Thiết bị này có hai chế độ. Khi được kiểm nghiệm, nó sẽ cho ra kết quả đẹp, phù hợp với tiêu chuẩn.
Còn khi sử dụng bình thường, máy tính trên xe sẽ chuyển sang chế độ thứ hai, thay đổi áp suất nhiên liệu, thời gian bơm, tuần hoàn khí thải, tăng sức mạnh động cơ nhưng cũng đồng thời xả thải nhiều hơn.
Các nhà điều tra cho biết xe Volkswagen phát thải lượng nitrogen oxide (NO) độc hại cao gấp 40 lần tiêu chuẩn cho phép. NO là nguyên nhân gây ra các căn bệnh hô hấp và tim mạch.
Bốn ngày sau thông báo trên, Volkswagen phải thú nhận xe dùng động cơ diesel, gồm 11 triệu chiếc trên toàn thế giới, riêng châu Âu có 8,5 triệu chiếc và Mỹ có 600.000 chiếc, đã cài đặt phần mềm gian lận khí thải.
Bê bối nổ ra khiến hàng loạt lãnh đạo Volkswagen phải từ chức và bị truy tố. Cựu giám đốc điều hành Martin Winterkorn từ chức ngay sau khi có thông tin hãng gian lận khí thải. Tuy nhiên, ông này một mực nói rằng bản thân không hề biết gì.
Tháng giêng năm 2017, Bộ Tư Pháp Mỹ ra án phạt 4,3 tỷ USD và bắt giữ 6 lãnh đạo Volkswagen. Tổng cộng có 8 lãnh đạo hiện tại và trước đây của Volkswagen bị buộc tội tại Mỹ.
Tháng 9/2017, cựu kỹ sư Volkswagen James Liang bị kết án 40 tháng tù giam và nộp phạt 200.000 USD vì liên quan tới bê bối gian lận khí thải.
Tháng 12/2018, Oliver Schmidt, cựu tổng giám đốc phụ trách văn phòng môi trường của Volkswagen tại Michigan (Mỹ), bị kết án 7 năm tù giam và phải bồi thường 400.000 USD.
Tại Đức, bốn năm sau bê bối, cơ quan luật pháp nước này đã buộc tội 4 cựu lãnh đạo Volkswagen, trong đó có giám đốc điều hành Audi Rupert Stadler và cựu CEO Martin Winterkorn.
Volkswagen cũng hứng chịu hàng loạt kiện tụng. Tháng giêng 2016, Bộ Tư Pháp Mỹ lấy danh nghĩa EPA đã kiện đòi hãng này bồi thường 14,7 tỷ USD.
Chính phủ Canada cũng kiện Volkswagen, đòi bồi thường 1,6 tỷ USD. Riêng số tiền Volkswagen bồi thường cho khách hàng mua xe ở Canada vào khoảng 11,2 triệu USD.
Các vụ kiện dân sự và ở cấp độ chính phủ đã tiêu tốn hàng tỷ USD của Volkswagen. Riêng chi phí triệu hồi xe đã ngốn của hãng xe Đức hơn 7 tỷ USD.
Kể từ khi bê bối Dieselgate nổ ra năm 2015, Volkswagen đã mất hơn 1/4 vốn hóa thị trường, công ty buộc phải từ bỏ tham vọng trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới vào năm 2018.
CEO Volkswagen hiện tại Herbert Diess cho biết hậu quả sẽ kéo dài nhiều năm nữa. Hồi tháng 5, Volkswagen đã dự phòng khoản chi 6,1 tỷ USD cho những phát sinh liên quan tới Dieselgate.
Bê bối khí thải khiến cho các thị trường quan trọng của Volkswagen như Đức hay Mỹ giảm mạnh. Cộng với việc các thị trường này cũng đã bão hòa và khó có thể tăng trưởng mạnh, Volkswagen đành dồn toàn lực vào thị trường quan trọng nhất: Trung Quốc.
Trung Quốc – thị trường sống còn của Volkswagen
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của hãng xe Đức. Doanh thu năm 2019 tính hết tháng 10 tại thị trường này là trên 74 tỷ USD, theo dữ liệu của Statista.
Con số này thậm chí lớn gấp đôi các thị trường Đức, Mỹ, Anh và Italy cộng lại, lần lượt ở mức 14,7 tỷ USD, 13,1 tỷ USD, 4,3 tỷ USD và 3,6 tỷ USD.
Volkswagen đặt mục tiêu duy trì mức doanh thu kỷ lục này trong 4 năm tới. Tính đến hết tháng 10, hãng xe Đức bán được 3,1 triệu xe tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2018, Volkswagen bán được 4,21 triệu xe tại thị trường đông dân nhất thế giới, tăng 0,5% so với năm trước đó. Volkswagen cùng đối tác bản địa chiếm 18% thị phần ôtô nước này, thông tin từ hãng cho biết.
Các mẫu xe hiệu Volkswagen bán chạy nhất tại Trung Quốc, tiếp sau là Audi và Porsche. Năm 2018, tập đoàn này bán được 3,1 triệu xe Volkswagen, 663.000 xe Audi và 80.000 xe Porsche, theo số liệu của Volkswagen.
Năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm tới 36% Doanh Số bán hàng trên toàn thế giới của Audi, Porsche khoảng 31%, riêng Volkswagen trên 50% dù doanh số kém hơn năm trước đó.
Volkswagen đã nắm giữ vị thế thương hiệu ôtô bán chạy nhất Trung Quốc trong 1/4 thế kỷ nhờ vào kế hoạch phát triển dài hạn với sự đóng góp chính của 3 công ty khác nhau. Mỗi cái tên có một thị trường và nhóm khách hàng riêng để giúp tập đoàn mẹ tối đa hóa được hiệu quả kinh doanh.
Năm 1984, liên doanh Shanghai Volkswagen Automotive ra đời và nay đổi tên thành Saic Volkswagen. Công ty này đóng vai trò chuyên sản xuất xe phổ thông mang thương hiệu Volkswagen và Skoda. SAIC Volkswagen đã khởi công một nhà máy ở gần Thượng Hải vào năm 2018, đây dự kiến là nơi cho ra lò 300.000 chiếc xe điện của Volkswagen mỗi năm khi đi vào hoạt động từ 2020.
Tiếp đến, một liên doanh khác có quy mô lớn hơn tên FAW-Volkswagen được thành lập năm 1991. Công ty có vai trò chính là sản xuất xe Volkswagen cùng Audi, và đến nay họ đang chuẩn bị vận hành nhà máy thứ 4 tại Quảng Đông. Năm 2018, một giám đốc điều hành bộ phận Audi của FAW-Volkswagen nói rằng dự kiến tính đến 2020 sẽ có tổng cộng 2 triệu xe Audi do họ sản xuất được bán ra tại Trung Quốc.
Trong khi đó, những hãng xe còn lại thuộc tập đoàn Volkswagen xuất hiện tại Trung Quốc thông qua công ty Volkswagen Import theo diện nhập khẩu. Có thể kể đến như SEAT, Porsche, Bentley, Bugatti, Lamborghini hay cả xe môtô Ducati. Ngoài 3 công ty vừa kể, cơ ngơi của Volkswagen Ag tại Trung Quốc tính đến hiện đại vô cùng đồ sộ. Volkswagen Group China nắm trong tay tổng cộng hơn 20 doanh nghiệp lớn nhỏ, cùng 23 nhà máy đảm trách sản xuất từ động cơ, hộp số, linh kiện cho đến lắp ráp cả xe du lịch lẫn xe thương mại.
Với tiềm năng khổng lồ, Trung Quốc tiếp tục được nhìn nhận là thị trường quan trọng nhất của Volkswagen. Hãng xe Đức đang làm tất cả để giữ thị trường này.
Chiều lòng "Bầu Sữa" Trung Quốc
Volkswagen cần tiền để khôi phục lại đế chế, và "bầu sữa" Trung Quốc được cho là lớn nhất, thậm chí là duy nhất. Dân số Trung Quốc đông nhất thế giới, người nước này cũng chuộng thương hiệu Đức nói chung và Volkswagen nói riêng. Việc Volkswagen cần làm là chiều chuộng thị trường này hết sức, từ các mẫu xe mới nhất, những công nghệ tốt nhất, cho tới cả những điều kiện "phi lý" nhất.
Chuyện khách hàng Trung Quốc thường xuyên có được những đặc quyền khi mua ôtô đã không còn lạ lẫm. Họ có riêng cho mình những dòng xe, những model hấp dẫn mà ở các khu vực khác không được thương mại. Đơn cử như Volkswagen dự kiến sang năm 2020 sẽ trình làng 12 mẫu SUV mới dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Con số này vốn nằm trong kế hoạch ra mắt gần 40 sản phẩm mới tại quốc gia đông nhất thế giới trong năm 2020.
Chính CEO của Volkswagen AG - ông Herbert Diess năm 2018 từng phát biểu rằng: “Trung Quốc có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công trong tương lai của chúng tôi. Tập đoàn sẽ có những định hướng phát triển sản phẩm sát sao với nhu cầu và sự mong đợi của khách hàng Trung Quốc”.
Chính vì sức ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc quá lớn, nên Volkswagen khó lòng từ chối những yêu cầu từ chính phủ nước này, bao gồm cả việc cài cắm những yếu tố chính trị như "đường lưỡi bò" mà cả thế giới không công nhận, vào sản phẩm Volkswagen.
Chiến lược tập trung hoàn toàn vào Trung Quốc của Volkswagen cho thấy tầm quan trọng của thị trường lớn nhất thế giới, cũng như những khó khăn của Volkwagen ở thời điểm hiện tại. Nếu không chăm sóc tốt "bầu sữa" Trung Quốc, Volkswagen đơn giản là tự cắt đi nguồn sống của chính mình.