Xe mini Nhật, huyền thoại 1 thời, trôi nổi nơi đâu
Có lẽ với những người ở độ tuổi 8x trở về trước, không ai là không biết tới chiếc xe đạp mini Nhật trứ danh. Chiếc xe đạp huyền thoại từng gắn bó với tuổi thơ của thế hệ 8X tại Việt Nam giờ ra sao?
Cùng với Honda Cub và Honda Dream, xe mini Nhật trở thành một phương tiện giao thông mang tính biểu tượng vào những năm 80-90 thế kỷ trước.
Xe đạp mini Nhật thực chất là một mẫu xe nữ do công ty Maruishi sản xuất. Đây là công ty sản xuất xe đạp nổi tiếng trên thế giới với lịch sử phát triển hơn 130 năm. Xuất hiện trên thị trường từ những năm 1950 rồi sau phổ biến ra khắp châu Á, xe mini Nhật còn được gọi với cái tên “xe đạp mama” (xe đạp mẹ chở con).
Tại Việt Nam, xe mini Nhật có mặt khá sớm, nhưng phải đến cuối những năm 80, đầu 90 mới là thời kỳ huy hoàng của dòng xe này.
Trước mini Nhật, trong nước chỉ phổ biến hai dòng xe đạp đó là xe Thống Nhất do Việt Nam sản xuất và xe đạp Phượng Hoàng nhập từ Trung Quốc. Cả hai dòng xe này đều rất bền, tuy nhiên trọng lượng khá nặng, kiểu dáng lại chưa phù hợp với chị em phụ nữ. Nhất là xe Phượng Hoàng, nhiều lúc đạp xe mà mệt muốn bở hơi tai.
Khi đó, sự xuất hiện của xe mini Nhật là cả một cuộc cách mạng. Yên xe và ghi đông thấp giúp cho mini Nhật rất ổn định, không Chòng Chành dễ đổ như các loại xe đạp khác. Khung xe uốn cong, không có gióng ngang khiến cho người sử dụng lên xuống xe dễ dàng, đặc biệt hữu dụng với các chị em mặc váy. Phía trước có gắn thêm giỏ để đựng vật dụng cá nhân như túi xách, hoặc rau củ, thịt cá khi đi chợ về.
Bằng những ưu điểm ấy, mini Nhật nhanh chóng trở thành chiếc xe được yêu thích nhất. Hình ảnh những cô gái Việt mặc áo dài thướt tha đạp xe trên đường đã làm say mê biết bao người. Cũng vì sự tiện dụng, không ít đấng mày râu sử dụng xe mini làm phương tiện đi lại chính mặc dù là xe nữ.
Tuy nhiên, thứ ngăn cản mini Nhật trở nên phổ biến chính là giá thành đắt đỏ. Vào những năm 90, để mua được một chiếc mini Nhật mới keng đập hộp, khách hàng phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 triệu đồng, tương đương với nửa cây vàng thời bấy giờ.
Chính vì giá đắt, ai cũng yêu thích nên mini Nhật trở thành mục tiêu thường xuyên của các nhóm đạo chích. Khóa nguyên bản đi kèm theo xe lại có cấu tạo khá sơ sài, không chắc chắn nên người dùng thường phải mua thêm một chiếc khóa dây Việt Tiệp Phòng Bị.
Còn gia đình nào không có điều kiện mua xe mới đập hộp thì tìm đến những cửa hàng bán xe Nhật Bãi. Dù vậy, việc này khá may rủi. Nhiều xe mini Nhật bãi lưu hành trên thị trường được thợ xe dựng lên chắp vá từ phụ tùng Trung Quốc.
Vài năm sau, mini Tàu ra đời với kiểu dáng sao chép y hệt đã làm thỏa cơn khát của người dân Việt Nam. Với giá chỉ 400-500 nghìn đồng/chiếc, mini Tàu nhanh chóng chiếm lĩnh các vùng quê. Tuy nhiên, với những người có điều kiện, mini Nhật vẫn là lựa chọn số một. Xe mini Tàu tuy rẻ nhưng đi chỉ vài năm là xập xệ, hay hỏng vặt. Trong khi đó mini Nhật có chất lượng cơ khí đỉnh cao, đạp nhẹ như không, đi cả chục năm chỉ phải thay lốp.
Tới những năm 2000, giá xe máy bắt đầu giảm. Nhiều người bỏ xe đạp để sử dụng xe máy đi làm. Xe mini Nhật cũng bị cạnh tranh bởi các dòng xe đạp địa hình, xe đạp cào cào nên thị phần giảm đi nhanh chóng.
Hiện tại, các nữ sinh cấp 3 cũng ít sử dụng xe mini Nhật mà đa phần dùng xe đạp điện đi học. Hãng Maruishi vẫn tiếp tục duy trì sản xuất dòng xe truyền thống với giá khoảng 4 triệu đồng/chiếc nhưng lượng khách thưa dần. Đa phần xe đạp mini Nhật còn lưu hành trên đường đều là loại cũ, dành để các cô, các bà tầm tuổi trung niên sử dụng.
Mặc dù giảm sút ở Việt Nam và khu vực châu Á, thế nhưng theo Maruishi công bố, dòng xe mini Nhật lại đang thành công rực rỡ ở thị trường châu Phi.