So với người tiền nhiệm là R 1200, R 1250 không có quá nhiều điểm khác biệt để phân biệt ở phần ngoại hình. Chiều dài xe vẫn giữ nguyên ở mức 2.207 mm nhưng chiều dài cơ sở đã được Bmw Motorrad tăng lên mức 1.514 mm. Việc tăng chiều dài cơ sở và giữ nguyên chiều dài thân xe sẽ giúp R 1250 Gs ổn định hơn khi chạy ở tốc độ cao, bù lại xe sẽ mất đi sự linh hoạt khi di chuyển trong cua.
Ở đầu xe, phiên bản GS có phần mũi được làm nhọn và thon dài. Trong khi đó, phần mũi của GSA lại được làm bè ra và ngắn hơn phiên bản GS. Đây là chi tiết để phân biệt 2 phiên bản khi nhìn từ mũi xe.
Tương tự thế hệ cũ, BMW R 1250 được trang bị Giảm Xóc trước dạng tay đòn xa Telever. Ưu điểm của loại giảm xóc này là triệt tiêu được đáng kể dao động từ mặt đường phản hồi lên tay lái, giúp người điều khiển cảm thấy êm ái hơn khi di chuyển trên các cung đường gồ ghề.
Vì là mẫu xe thuộc dòng adventure nên cả 2 phiên bản R 1200 đều sử dụng bánh căm cùng với lốp không ruột. Lốp trước của xe có đường kính 19 inch với kích thước 120/70, lốp sau vẫn sử dụng loại có đường kính 17 inch thông thường với kích thước 170/60. Phía trước được trang bị phanh đĩa đôi đường kính 305 mm cùng với 2 má phanh 4 piston.
Phiên bản R 1200 Gs trang bị Bình Xăng có dung tích 20 lít, trong khi đó phiên bản GSA được BMW Motorrad trang bị bình xăng với thể tích lên đến 30 lít. Với mức tiêu thụ nhiên liệu là 5,2 lít/100 km thì R 1200 GS có thể di chuyển được quãng đường gần 380 km chỉ với một lần đổ đầy bình xăng, con số này trên R 1200 Gsa là gần 570 km.
Màn hình trên xe là loại màn mình TFT kích thước 6,5 inch hiển thị các thông tin về xe như tốc độ, áp suất lốp, nhiệt độ động cơ... Màn hình này có khả năng kết nối với điện thoại người lái thông qua hệ thống kết nối thông minh mang tên BMW Motorrad Connectivity. Xe có khả năng nâng hạ giảm xóc để phù hợp với nhiều người hơn, tuy nhiên xe vẫn rất to và nặng, cần có chiều cao 175 cm trở lên mới có thể chống chân.
Cụm Công Tắc trên 2 phiên bản GS và GSA được thiết kế giống nhau hoàn toàn, phía bên phải chỉ bao gồm 3 nút nhấn là tắt/mở động cơ, lựa chọn chế độ và sưởi tay lái. Trong khi đó, cụm công tắc phía bên tay phải được trang bị khá nhiều nút nhấn như điều chỉnh chiều cao giảm xóc, hệ thống ga tự động, đèn khẩn cấp...
Trái tim của BMW R 1250 là khối động cơ dung tích 1.254 cc cùng công nghệ cam biến thiên Shiftcam cho phép xe tiết kiệm nhiên liệu hơn nhưng vẫn nhanh chóng đạt công suất cực đại. Động cơ này cho công suất 136 mã lực ở vòng tua 7.750 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 143 Nm ở vòng tua 6.250 vòng/phút. Xe sử dụng hộp số 6 cấp.
Tương tự Bmw R 1200, R 1250 vẫn tiếp tục được trang bị hệ thống truyền động trục các đăng. Ưu điểm của loại truyền động này là hỗ trợ được ổn định của xe nhờ thiết kế chắc chắn, truyền động bằng trục các đăng không yêu cầu người sử dụng kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên như truyền động bằng sên hay dây Cuaroa. Bù lại, truyền động trục các đăng có khối lượng khá nặng nên chỉ phù hợp với các xe có công suất cao, chi phí sửa chữa và thay thế trục các đăng cũng khá tốn kém.
Phiên bản R 1250 Gsa được trang bị sẵn bộ khung gắn thùng sau khá hầm hố với màu kim loại sáng bóng, bộ khung này cho phép người lái có thể gắn được 3 thùng chứa đồ ở phía sau bao gồm 2 thùng hông và 1 thùng phía trên. Trên phiên bản thường R 1250 GS có phần ba-ga sau được sơn màu đen mờ và chỉ có thể lắp được 2 thùng hông.
Toàn bộ hệ thống đèn trên 2 phiên bản đều được sử dụng công nghệ đèn LED. Phần đèn đuôi có thiết kế tương đối đơn giản với cụm đèn hậu hình chữ nhật được chia thành 3 ngăn nhỏ, đèn báo rẽ không được tích hợp chung với đèn hậu.
Giá bán của 2 mẫu xe này vừa được Bmw Motorrad Việt Nam công bố vào ngày 19/9. Phiên bản Bmw R 1250 Gs có giá bán từ 629 triệu đồng, trong khi đó phiên bản cao cấp hơn là BMW R 1250 GSA có giá bán lên đến 699 triệu đồng. Đối thủ của BMW R 1250 là Ducati Multistrada 1260 (835-845 triệu đồng) và Triumph Tiger 1200 (750-770 triệu đồng).
Vĩnh Phúc