Dù là một công ty mới toanh trong làng xe nhưng với chiếc Model S, Tesla đã thực sự trở thành người tiên phong đưa xe điện trở thành tương lai của ngành công nghiệp ô tô. Dẫu rằng trong quá khứ và ngay cả hiện tại nhiều hãng ôtô nổi tiếng cũng đã có các dòng xe điện, nhưng chúng vẫn chưa thể hài hòa giữa các yếu tố như hiệu năng, tầm hoạt động, độ tiện dụng... như Tesla Model S. Chính vì vậy mẫu xe điện Porsche Taycan ra đời.
Khác với những chiếc Porsche bình thường, Taycan đã được giới thiệu đầu tiên với 2 phiên bản cao cấp nhất. Dù không sử dụng động cơ đốt trong với tăng áp, nhưng 2 model này vẫn có tên gọi là Turbo và Turbo S. Trong cách đặt tên của Porsche, "Turbo" thường dành cho những dòng xe mạnh mẽ nhất, thể thao nhất mà không tới từ bộ phận GT. Và hãng hoàn toàn có cơ sở để dành tên gọi này cho 2 phiên bản "hàng đợt đầu" của Taycan.
Cả Taycan Turbo và Taycan Turbo S đều được trang bị một cặp mô-tơ điện với tổng công suất 625PS (460kW). Tuy nhiên đây không phải là công suất cực đại của chúng. Với tính năng Overboost, ngay cả chiếc Taycan Turbo cũng đã đạt sức mạnh lên tới 680 PS (500kW) và mô-men xoắn 850Nm, giúp nó chỉ mất 3,2 giây để tăng tốc từ 0-100km/h và đạt 0-200km/h chỉ trong 10,6 giây khi kích hoạt hệ thống hỗ trợ "đề pa" Launch Control.
Tuy nhiên bản Porsche Taycan Turbo S mới còn làm được nhiều hơn thế, khi mạnh tới 761PS (560kW) và mô-men xoắn cực đại 1.050Nm với Overboost. Nhờ đó, chiếc xe đạt các thành tích này chỉ trong lần lượt 2,8 và 9,8 giây - cũng với Launch Control. Tuy nhiên nhược điểm không duy trì được tốc độ cao trong thời gian dài của động cơ điện vẫn còn trên Taycan, khiến cả 2 phiên bản của chiếc xe chỉ đạt tốc độ tối đa 260km/h.
Giống như những mẫu xe điện khác, Porsche đặt mỗi mô-tơ điện ở một cầu của Taycan. Tuy nhiên loại động cơ điện mà hãng sử dụng là các mô-tơ với nam châm vĩnh cửu đồng bộ nằm giữa rotor và stator. Động cơ điện ở cầu trước của Taycan Turbo chỉ nặng 71kg nhưng mạnh tới 235 mã lực/300Nm, trong khi bản Turbo S nặng 76kg nhưng đạt 255 mã lực/400Nm.
Ở chế độ tiết kiệm điện (Range), hộp số sau sẽ gài ở cấp 2 với tỷ số truyền cao, trong khi ngắt hoàn toàn động cơ cầu trước. Chế độ Normal sẽ chỉ kích hoạt cầu trước và số 1 ở cầu sau khi người lái đạp mạnh ga, Các chế độ Sport và Sport Plus sẽ sử dụng kết hợp cả 2 động cơ và hộp số Chế độ Individual cho phép người lái có thể tự cấu hình chiếc xe theo sở thích.
Đương nhiên, động cơ sẽ không thể hoạt động được nếu không có nguồn điện, và điều này được cung cấp bởi khối pin Li-ion công suất 93,4kWh nằm dưới sàn xe. Hệ thống sạc 800V đã khiến Taycan trở nên khác biệt - nó là chiếc xe điện thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ này. Đây là bài toán mà Porsche đã tính trước cho tương lai, khi hiện tại ngay cả những hệ thống sạc nhanh nhất cũng chỉ đạt 270kW.
Với hệ thống sạc này, trên lý thuyết Taycan có thể sạc đầy từ 5-80% pin chỉ trong khoảng 22,5 phút, và có tầm hoạt động 96km với 5 phút sạc. Chuyển xuống hệ thống sạc nhanh DC 150kW, thời gian sạc từ 5-80% sẽ tăng lên 36 phút và lên tới 11 tiếng nếu dùng ổ điện 240V - 9,6kW.
Hệ thống phanh của Taycan cũng không giống bất kỳ một chiếc Porsche nào trong lịch sử. Độ bền của hệ thống phanh có được do hộp số mới là thứ đóng vai trò giảm tốc trong 90% thời gian xe chạy chậm lại. Hộp số phía trước có thể tạo ra mô-men xoắn hồi lên tới 300Nm, trong khi hộp số phía sau là 550Nm. Và khi giảm tốc, động năng sẽ được chuyển hóa thành điện năng sạc lại pin.
Tại Mỹ, giá xe Porsche Turbo S từ 187.610 USD (tương đương 4,35 tỷ đồng) - đắt hơn một chút so với chiếc Panamera Turbo S E-Hybrid trục cơ sở ngắn hiện tại (185.450 USD). Trong khi đó bản Taycan Turbo có giá rẻ hơn là 153.310 USD (tương đương 3,55 tỷ đồng). Và trong tương lai gần, Porsche sẽ còn tung ra nhiều bản Taycan giá rẻ hơn, cũng như biến thể "SUV hóa" Taycan Cross Turismo.
Theo Nguyễn Chung/Kiến thức
loading...