Khách hàng e dè với ôtô Trung Quốc
Trong bối cảnh ôtô nhập khẩu tràn vào Việt Nam với số lượng lớn, có phần lấn át xe lắp ráp trong nước, các hãng xe Trung Quốc cũng âm thầm trở lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng
Những thương hiệu xe Trung Quốc phổ biến tại Việt Nam thời gian qua là Zotye với Mẫu Xe Z8 và BAIC với mẫu Q7, X65, BJ40.... Những mẫu này có kiểu dáng thiết kế gần giống với những Hãng Xe sang nổi tiếng thế giới như: Porsche, Range Rover hay Mercedes-Benz. Tuy nhiên, trong khi những mẫu xe của các thương hiệu nổi tiếng có giá bán lên tới vài tỉ đồng thì xe Trung Quốc với mức giá lăn bánh chỉ trên dưới 700 triệu đồng.
Dù vậy, ôtô Trung Quốc vẫn được trang bị đầy đủ tiện ích thời thượng như mở cốp tự động bằng cảm ứng, cửa sổ trời toàn cảnh, bậc lên xuống gập/mở điện, sạc không dây, camera 360, màn hình cảm ứng, hệ thống giải trí 6 loa tự động điều chỉnh âm lượng theo tốc độ, hệ thống kiểm soát lực kéo, cân bằng điện tử, phân bổ lực phanh điện tử, cảm biến áp suất lốp cùng 6 túi khí…
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những nhà kinh doanh nhỏ lẻ, nhập xe theo đơn đặt hàng của khách thì gần đây, một vài nhà sản xuất Trung Quốc đã chính thức mở showroom ở Việt Nam và đang tìm kiếm đối tác làm đại lý ở các tỉnh, thành. Cụ thể, Công ty Dong Feng Feng Xing của Trung Quốc mới đây đã mở một showroom khá lớn ở mặt tiền Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM. Ngoài khu trưng bày, kinh doanh xe, showroom Dong Feng còn có khu vực dịch vụ bảo hành, sửa chữa với đầy đủ trang thiết bị.
Ông Lý Phi, quản lý thị trường Dong Feng Feng Xing, cho biết hiện nay, công ty đang trong quá trình làm thương hiệu để người tiêu dùng Việt Nam biết đến sự hiện diện của xe hơi Dong Feng. Công ty đang hợp tác với một số đơn vị khác để mở thêm vài showroom trưng bày xe Dong Feng tại TP HCM, miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Một số showroom đã trang trí xong và chờ ngày khai trương vì lô xe của hãng đã được nhập về vài chục chiếc nhưng còn vướng thủ tục, chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận khí thải. Theo kế hoạch, trong tháng 10, công ty sẽ nhập tiếp một lô xe khoảng chục chiếc nữa.
"Khách hàng Việt Nam còn e dè với xe Trung Quốc nên thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 1-2 năm tới, hy vọng nhiều khách hàng sẽ chọn mua xe Dong Feng vì đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp cũng như hậu mãi chu đáo" - đại diện hãng xe này kỳ vọng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hãng Dong Feng tham gia thị trường Việt Nam với 5 mẫu xe. Trong đó, mẫu sedan Joyear S50 có giá bán 439 triệu đồng, trang bị động cơ Mitsubishi, trợ lái điện tử, màn hình 7 inch, 6 loa, chống trộm điện tử, camera lùi… Mẫu SUV 5 chỗ X5 cũng sử dụng động cơ Mitsubishi, với nhiều công nghệ như radar lùi, camera lùi, camera 360 độ, hệ thống giám sát áp suất lốp, gương chiếu hậu tản nhiệt, chống lóa…; giá bán 609 triệu đồng. Mẫu xe 7 chỗ CM7 với 2 hàng ghế sau được thiết kế xoay 360 độ, trang bị nhiều công nghệ, giá bán hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, mẫu xe này còn có thêm hệ thống nhắc nhở mở đèn, tự động khóa sau khi di chuyển 10 km hay tự động mở khóa sau va chạm, phanh khẩn cấp và tự động ngắt động cơ…
Ngoài Dong Feng, cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) và Tập đoàn Ôtô Thượng Hải (SAIC) đã ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác trong việc phân phối, kinh doanh, nhập khẩu xe hơi cũng như xây dựng nhà máy tại Việt Nam trong thời gian tới.
SAIC là một trong 4 thương hiệu ôtô lớn tại Trung Quốc. Hãng xe này hiện sở hữu các thương hiệu như MG, Roewe, Maxus. Ngoài 6 nhà máy ở đại lục, SAIC hiện có các nhà máy sản xuất ở Anh, Thái Lan, Ấn Độ. Hãng xe này còn liên doanh với các tập đoàn General Motors (Mỹ), Volkswagen Ag (Đức) tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Tan Chong là tập đoàn đa quốc gia có Trụ Sở Chính tại Malaysia, hoạt động trong ngành sản xuất, phân phối, kinh doanh ôtô. Công ty này có nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam, Myanmar cũng như quyền phân phối xe con, xe thương mại tại Lào, Campuchia.