Tổng thầu Trung Quốc xin lỗi vì dự án Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ
Thừa nhận dù đã nỗ lực, nhưng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chậm tiến độ, đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc tại Việt Nam cho biết nguyên nhân chính là thiếu tiền.
Người dân yêu cầu phải Việt hóa các chỉ báo tiếng Trung đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông
[VIDEO] Cận cảnh từng chi tiết tàu điện mẫu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Đường 12 làn của Dubai mất 4 triệu USD/km, dùng 50 năm còn đường Việt Nam mất 20 triệu USD/km, dùng 2 năm
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ là do thiếu tiền
Tại cuộc họp tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đôngchiều 2/3, ông Dư Giang (đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc tại Việt Nam) thừa nhận tiến độ thi công chậm so với yêu cầu đặt ra. Các ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thanh Xuân 3, bến xe Hà Đông đã chậm từ 9 đến 22 ngày so với tiến độ đề ra. Công tác lao dầm cũng đang chậm so với kế hoạch. Công tác đúc dầm sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm nay... Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là Tổng thầu đang thiếu tiền để triển khai.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường liên tục đặt câu hỏi: "Các ông cam kết đảm bảo năng lực thi công, năng lực tài chính cho dự án. Bây giờ nói thiếu tiền nên dự án bị chậm, vậy các ông định giải quyết như thế nào?".
Ông Dư Giang đã xin lỗi vì sự chậm trễ và cho biết, hiện nay việc xin tăng 19 triệu USD tổng mức đầu tư chưa được phía Trung Quốc chấp thuận nên không có tiền để giải ngân, gây khó khăn cho công tác triển khai dự án. Ông cũng khẳng định phía Tổng thầu Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết phần tạm ứng 19 triệu USD.
Cũng theo ông Dư Giang, ngày 6/3, ông Chu Hằng Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 sang Việt Nam làm việc với Bộ Giao thông Vận tải thì sẽ có những trao đổi rõ ràng hơn về việc chuyển tiền cho dự án. Cùng đó, Tổng thầu sẽ làm việc thêm với các bộ ngành Trung Quốc để có biện pháp hỗ trợ giải ngân.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đến ngày 29/2, Tổng thầu nợ các nhà thầu phụ Việt Nam khoảng 554 tỷ đồng. Việc nợ đọng này đã gây khó khăn cho các thầu phụ thi công và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ.
Quá trình lắp dầm đang dần được hoàn thiện trên một số trục đường
Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là Tổng thầu thiếu tiền, Trung Quốc đang siết dòng tiền ra nước ngoài trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đối với các nhà thầu vụ, hiện máy móc, nhân lực đã bố trí đầy đủ trên công trường, nhưng chỉ thiếu tiền để triển khai thi công.
Vị phó cục trưởng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, ngân hàng Trung Quốc để tìm hướng giải quyết dòng tiền đảm bảo thi công, tránh dự án bị vỡ tiến độ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh cuối năm 2016 dự án phải kết thúc và đưa tuyến đường sắt đi vào vận hành. Ông yêu cầu Tổng thầu, nhà thầu phụ phải chốt tiến độ, hoàn thành cơ bản 10 nhà ga vào cuối tháng 4; ga Cát Linh, Văn Khê hoàn thiện vào cuối tháng 7. Các khu Depot hoàn thành vào tháng 9; từ tháng 6 trở đi tiến hành làm ray và tà vẹt để hoàn thiện đường chạy tàu, hệ thống điện; song song với đó là kế hoạch đưa đoàn tàu về Việt Nam.
Sau cuộc họp Bộ Giao thông sẽ có văn bản gửi Cục 6 Đường sắt Trung Quốcyêu cầu lãnh đạo sang Việt Nam điều hành dự án và họp giao ban để giải quyết tình hình tài chính của Tổng thầu đang gây khó khăn cho dự án.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.
Dự án bao gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.
Dự án khởi công tháng 10/2011, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Do thi công gặp tai nạn phải dừng mấy tháng, cùng với thiếu vốn nên dự án chậm trễ, buộc Bộ Giao thông Vận tải phải gia hạn hoàn thành cuối năm 2016.
Hải Anh (Theo VnExpress)