Chiêm ngưỡng Aérolithe, mẫu xe sang tuyệt đẹp nhưng lại thất bại thảm hại của Bugatti
Thử nghiệm làm xe khung bằng hợp kim ma-giê của Bugatti đã không thành công như những gì họ mong đợi.
Bắt đầu từ năm 1934, Bugatti đã chế tạo khoảng 800 chiếc Type 57 với nhiều tùy chọn khác nhau cả về thiết kế lẫn cấu hình. Với thiết kế cao cấp theo tiêu chuẩn thời bấy giờ, bộ khung Type 57 đã gặt hái được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, nguyên mẫu Aérolithe cao cấp nhất và phiên bản thương mại hóa của nó là Atlantic Coupé lại không thể tìm thấy khách hàng.
Chiếc Aérolithe 1935 do chính tay Jean Bugatti, con trai của nhà sáng lập Ettore Bugatti, thiết kế và được làm bằng hợp kim ma-giê và nhôm hàng không có tên Elektron. Do rất khó để hàn ma-giê, các tấm của thân xe được gắn vào nhau bằng đinh tán. Sau chuyến trưng bày tại Anh, nguyên mẫu của chiếc Aérolithe đã biến mất và Bugatti không sản xuất nó. Thay vào đó, hãng xe Pháp đã xuất xưởng 4 chiếc Type 57 Atlantic Coupé được làm theo thiết kế của Aérolithe nhưng thay hợp kim ma-giê/nhôm bằng nhôm.
Ba trong số 4 chiếc coupe sang trọng này đã đến tay khách hàng trong khi chiếc đầu tiên, Atlantic “La Voiture Noire” màu đen, được sản xuất cho bản thân Jean Bugatti. Dẫu vậy, từ năm 1938 đến nay chiếc xe này đã mất tích không dấu vết.
Chiếc Atlantic thứ 2, mẫu khung #57374, được sản xuất năm 1936, đã tới tay nhân viên ngân hàng người Anh Victor Rothschild. Ngày nay, chiếc xe màu xanh nhạt này là một phần trong bộ sưu tập tuyệt vời của Bảo tàng Ô tô Mullin. Chiếc Atlantic thứ 3, cũng màu đen với mẫu khung #57473, đã bị phá hủy trong một vụ tai nạn với tàu hỏa vào năm 1955 trong khi chiếc Atlantic sản xuất năm 1938 màu xanh lam nguyên thủy, mẫu khung #57591, hiện đang là một phần trong bộ sưu tập của Ralph Lauren.
Concept của Atlantic, mẫu xe trưng bày Aérolithe với đường đinh tán “lộng lẫy” của Jean Bugatti mang mẫu khung #57104. Dù không một ai biết số phận của nó nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng nó bị tháo rời ra để lấy linh kiện vì không hấp dẫn khách hàng.
Nhưng câu chuyện của Aérolithe không kết thúc ở đó. Bảy thập kỷ sau, Chritopher Ohrstrom, chủ tịch Quỹ Di tích Thế giới đã mua lại mẫu khung #57104 và động cơ 8 xi-lanh, DOHC, dung tích 3,3 lít còn mới nguyên của Aérolithe. Sau đó, ông ủy thác cho Hiệp hội Phục chế Ô tô của David Grainger hồi sinh mẫu xe này.
Trong 5 năm, nhóm của David Grainger đã làm một công việc vô cùng tuyệt vời. Năm 2008, họ tìm được chín bức ảnh có thể tham khảo của Aérolithe và chỉ có 2 nhà cung cấp tại Mỹ có thể bán cho họ những tấm hợp kim ma-giê 4x8 với giá 3.000 USD/tấm.
Tốn hơn 15 tấm hợp kim ma-giê đã được dùng cho việc hồi sinh chiếc Aérolithe. Chiếc xe cũng được trang bị lốp bằng cao su lưu hóa thửa riêng, lưới tản nhiệt mở rộng được chế tạo lại đúng theo nguyên mẫu với cửa chớp bằng nikel. Nội thất của xe cũng được hoàn thiện dựa trên thiết kế của Atlantic. Và cuối cùng, khoang động cơ được “đẽo gọt” thủ công bởi một nghệ nhân tới từ Estonia.
Lái thử chiếc Bugatti Aérolithe được David Grainger hồi sinh
Sau khi hoàn thiện, mẫu Aérolithe này đã được đưa đi trưng bày khắp thế giới để khoe thành tựu nghệ thuật ấn tượng của ngành công nghiệp ô tô những năm '30. Thậm chí nó còn được tham gia rất nhiều show trình diễn ô tô, đỉnh điểm là lần KLM thả rơi nó từ độ cao 2 mét khiến khung xe bị cong và thân xe nứt nhiều chỗ. Chắc hẳn khi nghe cuộc gọi sau show diễn của KLM, David Grainger rất buồn nhưng ông sẽ không ngại việc tân trang lại đứa con tinh thần của mình.
Thanh Mai