Ít ai biết quốc gia châu Phi này sản xuất xe bọc thép cho quân đội toàn thế giới, đây là những “cỗ máy chiến tranh” đáng chú ý nhất của họ
Có thể nói sản xuất xe bọc thép đã trở thành một trong những nguồn thu nhập của quốc gia này.
Nam Phi là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và cung cấp xe bọc thép cho toàn thế giới. Những loại xe bọc thép nào đã được Nam Phi sản xuất và chúng đang được sử dụng ở đâu? Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Ít ai biết Nam Phi là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và cung cấp xe bọc thép cho toàn thế giới
Theo Global Firepower Index, Nam Phi xếp hạng 31 trên 137 quốc gia về sức mạnh quân sự. Thứ hạng cao nhất của quốc gia này nằm ở hạng mục xe chiến đấu bọc thép, xếp thứ 29 với 2.500 chiếc xe các loại.
Xe bọc thép của Nam Phi thực hiện một trong hai vai trò chính trên chiến trường: Chúng có thể được sử dụng trực tiếp trên chiến trường nhờ khả năng kết hợp nhiều vũ khí khác nhau hoặc chúng sẽ được dùng cho các mục đích vận chuyển như bảo vệ lính và đưa họ đến và rời khỏi chiến trường.
Dưới đây là một số mẫu xe bọc thép phổ biến nhất của Nam Phi và nơi chúng được sử dụng.
Rooikat
Rooikat 76 nguyên có khẩu súng chống tăng và hỗ trợ hỏa lực Denel GT4 76mm ở trên nóc
Rooikat được chế tạo bởi Denel, hãng quốc phòng của Nam Phi. Đây là phương tiện trinh sát bọc thép với khả năng chiến đấu trong các đội quân tiên phong và hỗ trợ hỏa lực. Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau nhưng Rooikat 76 nguyên bản là mẫu xe dễ nhận ra nhất nhờ khẩu súng chống tăng và hỗ trợ hỏa lực Denel GT4 76mm ở trên nóc.
Ngoài ra, nó còn có thể được trang bị hai súng máy MG4 và tám súng phóng lựu đạn khói phòng khi cần chạy trốn. Để đảm bảo có thể vượt qua những địa hình gồ ghề, Rooikat được trang bị động cơ diesel 10 xi-lanh, 563 mã lực.
Hiện tại Rooikat chỉ được sử dụng bởi Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) nhưng trước đó nó đã phục vụ các chiến dịch can thiệp quân sự vào Lesotho trong năm 1998 – 1999 và Chiến tranh giành độc lập của Namibia từ năm 1989.
Ratel
Ratel có thể trang bị cả tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không
Ratel – được đặt theo tên gọi khác của con Lửng mật – là phương tiện chiến đấu bộ binh có bánh xe đầu tiên tham gia vào hoạt động quân sự trên thế giới. Hiện tại nó vẫn được quân đội 13 quốc gia tại Châu Phi và Trung Đông sử dụng. SANDF hiện có 500 chiếc Ratel trong kho vũ khí của mình trong khi Lực lượng Vũ trang Jordan sở hữu khoảng 300 chiếc.
Tùy thuộc vào phiên bản mà Ratel sẽ được trang bị các vũ khí khác nhau như tháp pháo, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không, hệ thống súng cối và súng máy. Vũ khí phụ của Ratel là súng máy M1919 đặt ở phía trước và phía sau.
Nó được trang bị động cơ diesel tăng áp sau xi lanh và có thể di chuyển quãng đường 1.000 km với tốc độ tối đa 105 km/h.
RG-34
RG-34 cung cấp khả năng bảo vệ rất tốt cho binh lính bên trong
RG-34 là xe bọc thép hạng nhẹ của Nam Phi có trang bị hệ thống chống mìn (MRAP) và là một phần của dòng RG, được sản xuất bởi hãng BAE Systems chi nhánh Nam Phi.
Vỏ thép dày của nó bảo vệ binh lính bên trong một cách toàn diện trước đạn xuyên giáp được bắn từ khoảng cách 30 mét, lựu đạn và mìn chống tăng.
Trong khi nhiều biến thể của RG-34 có thể được trang bị các loại vũ khí như tháp pháo hoặc súng máy, vũ khí của chiếc RG-34 nguyên bản đã được thay thế bằng tháp pháo chiến thuật điều khiển từ xa hoặc vũ khí chống tăng Gun Model 90 mm.
Quân đội Malaysia đang sử dụng khoảng 200 chiếc RG-34 trong khi Nigeria và UAE sở hữu một số chiếc RG-34 trong lực lượng bộ binh của họ.
Casspir
Phiên bản mới nhất Casspir NG2000 có khả năng trang bị hệ thống súng cối, vũ khí chống tăng và phòng không
Được phát triển bởi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Nam Phi (CSIR), Casspir có khả năng chống mìn và đã phục vụ cho Quân đội Nam Phi trong hơn 30 năm. Hiện vẫn còn khoảng 370 chiếc còn đang được sử dụng. Nó cũng là mẫu xe chiến đấu phổ biến của Quân đội Ấn Độ và Quân đội Mỹ.
Casspir cũng có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau nhưng có thể mang theo 3 súng máy Rheinmettal hoặc súng tự động 20 mm. Nó lớn hơn so với RG-34 và có khả năng chở 14 người bao gồm 2 lái xe.
Năm 2016, Denel đã nâng cấp Casspir lên phiên bản NG2000 với khả năng trang bị hệ thống súng cối, vũ khí chống tăng và phòng không.
Mbombe
Mbombe có thể chịu được ép từ khối chất nổ 10 kg ngay cả khi nó được đặt bên dưới gầm hoặc vòng cung bánh xe
Năm 2010, hãng quốc phòng Nam Phi Paramount Group đã trình làng mẫu xe chiến đấu bọc thép Mbombe với độ cơ động cao và có khả năng chống mìn.
Thân của Mbombe có thể chịu được ép từ khối chất nổ 10 kg ngay cả khi nó được đặt bên dưới gầm hoặc vòng cung bánh xe. Nó cũng có thể chịu được súng phóng lựu và các mô-đun bổ sung có thể chịu được sức ép từ khối chất nổ 50 kg từ khoảng cách 5 m.
Mbombe có thể được trang bị súng máy hoặc súng tự động và có cả thiết bị quan sát ban ngày lẫn ban đêm nhằm cải thiện khả năng nhận định tình hình. Mbombe hiện đang phục vụ trong Lực lượng vũ trang Jordan và Kazakhstan.
Tại triển lãm IDEX 2019 vừa diễn ra ở Abu Dhabi, UAE, Paramount Group đã trình làng thế hệ mới nhất, Mbombe 4.
Badger
Badger được thiết kế để thay thế cho các mẫu xe Ratel
Xe chiến đấu bộ binh Badger của Denel là một phần trong thế hệ xe bọc thép mới của Nam Phi. Nó được thiết kế để thay thế cho các mẫu xe Ratel cũ đang phục vụ cho SANDF. Theo hợp đồng Project Hoefyster, Denel sẽ hoàn thành việc bàn giao 264 xe Badger cho SANDF vào năm 2022.
Badger là một biến thể do Nam Phi phát triển dựa trên Xe Bọc thép Mô-đun Patria của Phần Lan. Điều độc đáo ở đây là Badger được trang bị thêm lớp giáp dưới sàn do Land Mobility Technologies phát triển và tháp pháo chiến đấu mô-đun của Denel.
Các biến thể phụ của Badger có thể hỗ trợ hỏa lực, trang bị súng cối và hỗ trợ chỉ huy hoặc chỉ đường cho tên lửa.
Husky 2G
Husky 2G có vai trò chính là dò mìn
Husky 2G của DCD Group là phương tiện chiến đấu cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong bộ sưu tập xe bọc thép của Nam Phi. Biến thể 2 chỗ ngồi của Husky 2G được trang bị hệ thống dò mìn tiên tiến.
Với vai trò chính là một phương tiện dò mìn, Husky 2G có các cảm biến tăng cường bao gồm radar xuyên mặt đất, bộ thiết bị quang học video và vũ khí có thể điều khiển từ xa.
Hiện có 8 lực lượng quân đội đang sử dụng Husky 2G, bao gồm bộ binh Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Trong khi đó, phiên bản cũ của nó là Husky Mk III từng phục vụ cho Quân đội Mỹ, Thủy quân Lục chiến Mỹ, Quân đội Canada và SANDF.
Nguồn: Tổng hợp