Chuyên gia nước ngoài: VinFast nên xuất khẩu ô tô song song với sản xuất xe cho nội địa
Bên cạnh những mẫu xe được mong đợi trong triển lãm ô tô Paris 2018, thông tin về cặp đôi VinFast Sedan và SUV hiện đang là tâm điểm trên các trang tin và báo chí nước ngoài.
Theo trang báo nổi tiếng CNBC của Mỹ, thế giới đang chìm trong bất ngờ với tốc độ phát triển nhanh chóng của thương hiệu ô tô Việt VinFast bởi thông thường, các hãng xe cần từ 4 đến 6 năm để biến concept thành ô tô thương mại hoàn toàn mới. Thế nhưng, câu chuyện lại hoàn toàn khác biệt với VinFast, chỉ khoảng một năm sau khi hé lộ thông tin về việc sản xuất ô tô của người Việt đầu tiên, thương hiệu này đã chuẩn bị xong xuôi 2 mẫu Sedan và SUV mới để ra mắt vào triển lãm ô tô Paris 2018 sắp tới và bán ra thị trường nội địa Việt Nam vào quý 2 năm sau.
Trong bài viết của mình, CNBC cũng chỉ ra tiềm lực tài chính của tập đoàn mẹ Vingroup khai sáng ra thương hiệu ô tô Việt VinFast cùng quy mô sản xuất của nhà máy tại Hải Phòng hoàn toàn có thể đạt được công suất gấp đôi thị trường nội địa. Đồng thời, trong một đoạn hội thoại với CNBC, ông Jim DeLuca, cựu Phó Chủ tịch của General Motors và hiện nay là CEO của VinFast, tuy không khẳng định chắc chắn nhưng cũng ám chỉ tham vọng mang ô tô thương hiệu Việt đến với thị trường nước ngoài trong tương lai với khu vực Đông Nam Á là bước đầu tiên đến với thế giới.
Tiếp đến, CNBC cũng nêu lên những cái tên thành công trên thế giới xuất phát từ châu Á như Toyota, Nissan và Hyundai cùng hàng loạt các thương hiệu “nhái” đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, CNBC cũng chỉ ra những bất lợi khi bắt đầu từ con số 0 như Proton của Malaysia.
Chính vì vậy, chính sách tuyển dụng những tên tuổi có tiếng trong ngành, mua lại thành công bản quyền khung gầm và động cơ 2.0L của BMW hay hợp tác với các đối tác quốc tế như ABB, Bosch, Magna Steyr, Siemens... được CNBC đánh giá là nước cờ khôn ngoan của ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup. Ông Dave Lyon, cựu lãnh đạo GM giờ đây cũng gia nhập vào chiến hạm mang tên VinFast, khẳng định: “Sản phẩm của chúng tôi sẽ không hề ‘nhái’ theo sedan BMW 5-Series và SUV X5” bởi đảm nhận cho việc lên ý tưởng thiết kế xe "made in Vietnam" chính là thương hiệu Ý nổi tiếng Pininfarina.
Thậm chí, đội ngũ của VinFast đang nghiên cứu phát triển cho 2 mẫu xe thương mại nữa lên lịch ra mắt vào mùa thu năm sau: một chiếc xe cỡ nhỏ microcar và xe điện. Theo lý giải của ông DeLuca, việc ra mắt 2 mẫu xe đắt tiền hơn là Sedan và SUV tại triển lãm ô tô Paris 2018 sắp tới sẽ giúp VinFast tạo ra được một “vầng hào quanh” đánh bóng sự phát triển cho thương hiệu mới.
Quay trở lại về vấn đề sản xuất của VinFast, trong một cuộc trao đổi cùng phóng viên CNBC, ông Mike Dunne – một chuyên gia phân tích thị trường các ngành công nghiệp có kinh nghiệm hơn 30 năm tại Châu Á - chỉ ra rằng dù Việt Nam có dân số khá đông lên tới gần 93 triệu người xong thị trường ô tô vẫn khá là nhỏ chỉ với lượng tiêu thụ 300.000 xe/năm. Trong khi đó, theo bà Lê Thủy, Chủ tịch của VinFast, công suất nhà máy tại Hải Phòng có thể đạt tới 250.000 xe/năm.
Nhà máy tại Hải Phòng có khả năng đạt công suất 250.000 xe/năm
“Nếu tôi là người nắm quyền VinFast, tôi sẽ nhắm tới việc xuất khẩu xe song song với cả phát triển ở thị trường nội địa”, ông Dunne chia sẻ cùng trang CNBC. Nếu VinFast chứng tỏ được vị thế của mình ở triển lãm ô tô Paris 2018 sắp tới, thương hiệu xe Việt này hoàn toàn có thể nhìn nhận những thách thức và cơ hội ở các thị trường nước ngoài như châu Âu và thậm chí là cả ở Mỹ. “Hiển nhiên VinFast có tham vọng mở rộng”, ông Dunne khẳng định.