Tập đoàn Daimler không biết những chiếc limousine bọc thép Mercedes-Benz được đưa vào Triều Tiên bằng cách nào
Hình ảnh những chiếc Mercedes-Benz của ông Kim đã khiến không ít người cảm thấy thắc mắc vì Liên Hợp Quốc đã đưa ra lệnh cấm bán hàng hóa xa xỉ, bao gồm cả xe limousine, cho Triều Tiên nhằm tạo sức ép để quốc gia này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong thời gian vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thường xuyên đến các sự kiện quốc tế bằng nhiều chiếc xe sang khác nhau, phần lớn đều là Limousine Bọc Thép chống đạn mang thương hiệu Mercedes-Benz. Khi đến Nga để tham gia cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin vừa qua, ông Kim đã mang theo 2 chiếc limousine bọc thép khác nhau, bao gồm Mercedes-Maybach S600 Pullman Guard và Maybach 62S. Trước đó, ông Kim cũng sử dụng chiếc Mercedes-Maybach S600 Pullman Guard trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái và tại Việt Nam vào tháng 2 năm nay.
Đoàn xe hộ tống ông Kim được đưa đến Nga trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin
Hình ảnh những chiếc Mercedes-Benz của ông Kim đã khiến không ít người cảm thấy thắc mắc vì Liên Hợp Quốc (U.N.) đã đưa ra lệnh cấm bán hàng hóa xa xỉ, bao gồm cả xe limousine, cho Triều Tiên nhằm tạo sức ép để quốc gia này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Để giải đáp thắc mắc này, phóng viên đã nhanh chóng liên hệ với Daimler - tập đoàn mẹ của thương hiệu xe sang Mercedes-Benz.
"Chúng tôi không hề biết những chiếc xe này được chuyển vào Triều Tiên bằng cách nào", bà Silke Mockert, phát ngôn viên của tập đoàn Daimler, khẳng định với phóng viên tờ AP vào hôm thứ tư, ngày 24/4/2019, vừa qua. "Với tập đoàn Daimler, tuân thủ luật pháp khi xuất khẩu ô tô là phương châm cơ bản cho hoạt động kinh doanh có trách nhiệm".
Đặt trụ sở tại thành phố Stuttgart, Đức, Daimler là một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất và danh giá nhất thế giới. Đây là một trong những nguồn cung cấp xe du lịch cao cấp lớn nhất thế giới. Đồng thời, Daimler cũng là nhà sản xuất xe tải trên 6 tấn lớn nhất thế giới.
Trên trang chủ của mình, tập đoàn đa quốc gia này khẳng định đang phân phối ô tô và dịch vụ ở gần như mọi nước trên thế giới. Ngoài ra, Daimler còn có nhà máy sản xuất đặt ở nhiều nơi như châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là khách hàng chính thức của Daimler.
"Công ty chúng tôi không có mối quan hệ làm ăn với Triều Tiên trong hơn 15 năm qua và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm vận của châu Âu cũng như Mỹ", bà Mockert cho biết thêm. "Để ngăn việc bán xe cho Triều Tiên và mọi đại sứ quán của nước này trên toàn thế giới, Daimler đã thực hiện quy trình kiểm soát xuất khẩu toàn diện. Tuy nhiên, việc các bên thứ ba bán xe, đặc biệt là ô tô đã qua sử dụng, lại nằm ngoài tầm kiểm soát và trách nhiệm của chúng tôi".
Hiện chưa rõ chính phủ Triều Tiên đang sử dụng bao nhiêu chiếc xe Mercedes-Benz. Chỉ biết rằng, vào thời điểm năm 2009, có ít nhất một cặp xe Mercedes-Benz S600 đã đặt chân đến đất nước này. Đến năm 2010, cặp đôi xe sang này đã được đưa vào sử dụng để phục vụ chính phủ Triều Tiên. 2 năm sau, một vài chiếc Mercedes-Benz S600 với cấu hình khác lại xuất hiện trong đoàn diễu hành của quân đội Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Đến khoảng giữa năm 2013-2014, một lô xe Mercedes-Benz S600 với cấu hình khác nữa tiếp tục được đưa về Triều Tiên.
Dàn vệ sỹ của ông Kim chạy bên cạnh chiếc Mercedes-Maybach S600 Pullman Guard
Theo báo cáo của Ủy ban trừng phạt 1718 của Liên Hợp Quốc, 3 chiếc Mercedes-Benz S600 kể trên không phải là bản Pullman Guard chống đạn tiêu chuẩn. Thay vào đó, xe đã được một công ty ở Bắc Mỹ bọc thép trước khi về Triều Tiên. Ngay cả cặp đôi Mercedes-Benz S600 thứ 3 được đưa về Triều Tiên cũng không phải là xe tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Ủy ban trừng phạt 1718 cho biết, sau khi được độ lại ở Mỹ, những chiếc xe được đưa đến Trung Quốc rồi vận chuyển vào Triều Tiên. Một công ty có tên Seajet International do doanh nhân người Trung Quốc Yunong Ma hay còn gọi là George Ma đã đứng sau dàn xếp.