Nghĩ gì khi có 300 triệu đồng/tháng từ gian lận giữ xe?
Vụ việc các nhân viên giữ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất gian lận tiền của khách mới đây đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.
5 trường hợp được phép bắt dừng xe kể từ năm 2016
[VIDEO] Chủ phương tiện vi phạm sẽ bị CSGT truy "phạt nguội" đến cùng
[VIDEO] CSGT tung cú cước thô bạo trừng trị người vi phạm
Việc bãi giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất thu tiền tùy tiện đã từng bị báo Tuổi Trẻ phản ảnh từ năm 2014, tuy vậy sự việc này vẫn chưa có chiều hướng chấm dứt.
Không chỉ có bãi giữ xe ở sân bay Tân Sơn Nhất mà rất nhiều nơi khác cũng xảy ra tình trạng này, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết.
Cá biệt như giá giữ xe ô tô ở chợ Viềng (Nam Định) - chợ cầu may được tổ chức vào tối mùng 7 Tết vừa qua - bị “hét” lên tới 200.000 đồng/giờ.
“Nói chung tôi thấy tình trạng này ở khắp nơi. Số tiền không phải lúc nào cũng lớn nhưng cứ bị lừa đảo như thế hoài thì chẳng thích thú gì”, bạn đọc Thanh Nguyên nói.
Một bài toán được nhiều người đặt ra: giả sử Nhân Viên thu gian 1.000 đồng/xe, mỗi ngày có 10.000 lượt xe thì tính ra là đã Gian Lận 10 triệu đồng/ngày hay nói cách khác là 300 triệu đồng/tháng.
Gian lận “như cơm bữa”
Các bạn đọc cho rằng những vụ việc gian lận như thế này ở sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra từ rất lâu nhưng đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết.
Không những thu tiền gửi xe không đúng giá niêm yết, các nhân viên còn tính ăn gian số ngày giữ xe khi khách gửi xe qua đêm hoặc gửi nhiều ngày.
Bạn đọc Nhi bức xúc kể: “Tôi bị lỗ đến 80.000 đồng do gửi lâu tận vài ba tuần. Lần sau cẩn thận gọi cho số điện thoại đăng ở bãi xe hỏi tiền gửi bao nhiêu thì gặp thái độ theo kiểu, xuống dưới bãi mà hỏi chứ hỏi tôi làm gì”.
Nhiều bạn đọc cũng phản ánh tình trạng bị nhân viên ở các bãi giữ xe của cơ quan nhà nước gian lận theo nhiều kiểu khác nhau chứ không chỉ riêng gì ở sân bay Tân Sơn Nhất, từ những địa điểm du lịch như Thảo Cầm Viên đến các bệnh viện như bệnh viện Thống Nhất, 115 và các trung tâm thương mại như Nowzone, Lucky Plaza...
Khi bị thắc mắc về số tiền giữ xe, đa số các nhân viên đều có chung những câu trả lời như: “Thu ai cũng vậy hết”, “Hồi đó giờ thu vậy mà!”, “Giá đó cũ rồi!”...
Nhiều bạn đọc cho rằng chỉ vì 1.200 đồng mà lại phải mất công đi kiện, đi khiếu nại thì thôi thà “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua chuyện. Tuy vậy cũng có nhiều người cho rằng nếu người dân không kiên quyết thì kẻ xấu sẽ được đà lấn tới, “vô hình chung sẽ hình thành thói quen xấu và có thể kéo tuột cả một nền tư duy”, bạn đọc Trần Thanh Nghĩa nói.
Trách Nhiệm thuộc về nhà Quản Lý
Số tiền gian lận mà bạn đọc giả sử (một cách có cơ sở) là 300 triệu đồng đủ để truy tố hình sự. Bạn đọc đặt câu hỏi: nếu chỉ đình chỉ công tác các nhân viên như cách xử lý của ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất thì liệu đã thỏa đáng?
Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng hiện tượng này ngày thường cũng vẫn xảy ra chứ không chỉ có ngày Tết.
"Người dân có thói quen cho rằng chỉ vài ba nghìn chẳng đáng bao nhiêu, kẻ vụ lợi lại không bị ai nhắc nhở, cảnh báo hay xử phạt thì cứ thế mà vi phạm, cho nên hiện tượng này cứ tiếp diễn hoài không chấm dứt được" - ông Thụ nói.
Theo thạc sĩ (ThS) xã hội học Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM), ở một cơ quan Nhà nước được quản lý đàng hoàng như sân bay Tân Sơn Nhất thì vấn đề này rất nghiêm trọng.
“Bãi giữ xe này nằm dưới quyền kiểm soát của sân bay chứ không phải là một bãi giữ xe tự phát, trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về người quản lý. Người quản lý phải là người sớm phát hiện ra sai phạm và kịp thời xử lý chứ không thể để nó xảy ra trong một thời gian dài, đợi bị phản ánh rồi mới giải quyết” - ThS Lê Minh Tiến nói.
Ông Nguyễn Văn Thụ cũng cho rằng các cấp quản lý không thể không biết đến những vụ việc như thế này. Có chăng là liên kết với nhau để trục lợi, bao che lẫn nhau hoặc đã xử lý nhưng chưa triệt để nên mới làm vụ việc kéo dài.
Đạo đức kinh doanh xuống cấp
Quan điểm kinh doanh mùa vụ, không tính đến lợi ích lâu dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này theo ý kiến của phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng khoa vận tải - kinh tế, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng tính bền vững trong kinh doanh của nhiều người còn hạn chế khi không nghĩ đến chuyện giữ uy tín, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá kể cả vi phạm pháp luật.
“Văn hóa kinh doanh là cả một vấn đề lớn. Muốn có văn hóa chuẩn thì trước hết mọi người cần có ý thức làm chuẩn, có đạo đức và thái độ kinh doanh đúng mực, từ đó mới tạo được làn sóng, nếu chỗ nào không chuẩn thì sẽ bị tẩy chay. Bên cạnh luật pháp thì sự tẩy chay của người dân cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh trong sạch” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm.
ThS Lê Minh Tiến cũng cho rằng điều này còn xuất phát từ tâm lý độc quyền của bộ phận kinh doanh. Vì sân bay chỉ có một đơn vị giữ xe duy nhất nên họ nghĩ là muốn làm gì cũng được, từ tâm lý độc quyền đó mới sinh ra những hành vi sai lệch. Người dân phải cắn răng mà chịu chứ không giữ xe ở đó thì giữ ở đâu?
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, hành vi gian lận này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức mà còn đến cả bộ mặt của đất nước khi Tân Sơn Nhất là một cảng hàng không quốc tế.
“Đó là cái mất rất lớn nhưng cá nhân người vi phạm không nghĩ đến được. Người ta chỉ nghĩ đến cái lợi của cá nhân mà quên mất cái lợi của tổng thể. Khi ý thức chưa cao như vậy thì xử lý phải thật nghiêm” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.
Ngọc Diệp (Theo Tuổi Trẻ)