Trải nghiệm tiện ích từ dịch vụ thu phí không dừng VETC
Công nghệ thu phí không dừng tại các trạm thu phí giúp chủ xe tiết kiệm thời gian qua trạm, dễ dàng kiểm soát chi phí đi lại, đồng thời góp phần làm tăng tính minh bạch trong hoạt động ở các trạm BOT.
Đoàn chúng tôi có dịp trải nghiệm công nghệ Thu Phí Không Dừng của VETC lần đầu tiên trong dịp caravan mừng sinh nhật Otofun.net vào tháng 6/2018. Khi ấy, chỉ có 22 Trạm Thu Phí BOT trên cả nước vận hành thu phí không dừng trên tổng số 27 trạm thuộc dự án. Con số này chỉ chiếm một phần tư trên tổng số khoảng 90 trạm trên các tuyến quốc lộ trên cả nước (thống kê đến cuối 2016).
Mặc dù được áp dụng từ cuối năm 2015, tuy nhiên cho đến giữa năm 2018, thu phí không dừng vẫn là công nghệ còn xa lạ với phần đông lái xe ở Việt Nam. Công nghệ này đã được triển khai cho gần 500 nghìn trên tổng số gần 3 triệu xe, nhưng hầu hết là xe chạy dịch vụ. Có rất ít lái xe cá nhân biết đến và sử dụng dịch vụ thu phí này, bất chấp những lợi ích do nó mang lại.
Công nghệ tiên tiến
Từ khoảng 2012, Vietinbank đã triển khai dịch vụ tương tự với thiết bị OBU trên một số trạm thu phí. Tuy nhiên, một phần do nhu cầu người dùng, một phần do hoàn cảnh thực tế, đồng thời việc lắp đặt và triển khai thiết bị có chi phí cao kèm thêm công nghệ không tiện dụng, quy mô dự án rất hạn chế.
OBU của Viettinbank chưa thực sự tiện dụng |
So với OBU hay các công nghệ khác như smart card, DSRC, dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để tự động nhận diện các phương tiện. Các xe dán thẻ định danh VETC (gọi là thẻ E-tag) khi đi qua các trạm áp dụng công nghệ này không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định. Công nghệ này cũng cho phép dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch của phương tiện. Công nghệ RFID được chứng minh có độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử và đã khẳng định vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động.
Mức độ gọn nhẹ của thẻ VETC vượt trội so với OBU của Vietinbank |
Nhân viên VETC dán thẻ lên kính xe |
Việc lắp đặt cho các xe cũng rất đơn giản. Để đăng ký một tài khoản, chủ xe chỉ cần có chứng minh nhân dân và số điện thoại. Một nhân viên của VETC trong vòng 15 phút sẽ hoàn tất việc đăng ký và dán một tấm thẻ cỡ một chiếc thẻ ATM lên kính lái của xe. Ở hành trình lần này, để thử nghiệm, chúng tôi cho dán cùng lúc 5 xe và quản lý chung bằng một tài khoản. Nhờ cách thức này, bất cứ xe nào trong số 5 xe trên đi qua làn thu phí tự động của VETC (làn ngoài cùng, có biển báo và vạch chỉ dẫn màu xanh tại các trạm thu phí áp dụng hình thức này), trên điện thoại của tôi lập tức nhận được tin nhắn thông báo xe vừa đi qua trạm với ngày giờ cụ thể, kèm theo số tiền đã thanh toán.
Thẻ sau khi đã được dán bên kính lái ghế phụ |
Đăng ký số thẻ |
Nạp tiền vào tài khoản tương tự như cách nạp thẻ điện thoại. Có nhiều cách để nạp tiền. Có thể nạp trực tiếp ở các trung tâm đăng kiểm, các trạm thu phí hoặc các điểm triển khai đăng ký dịch vụ của VETC. Việc đăng ký dịch vụ này hoàn toàn miễn phí. Cách thứ hai là nạp qua các ngân hàng. Cách thứ ba là đăng nhập tài khoản qua địa chỉ web vetc.com.vn hoặc sử dụng ứng dụng VETC trên điện thoại di động. Hiện có nhiều ứng dụng của bên thứ ba như Viettel hay ví điện tử Momo cũng đã liên kết và cho phép người dùng nạp tiền vào tài khoản VETC để sử dụng.
Lưu ý là từ tháng 7/2018, VETC bắt đầu thu phí đối với hình thức SMS thông báo cho người dùng. Tuy nhiên, người dùng có thể huỷ bỏ việc nhận tin nhắn và kiểm soát miễn phí các hoạt động đi lại qua các trạm thu phí không dừng bằng ứng dụng VETC dành cho điện thoại đã nói ở trên.
Trạm thu phí đầu tiên mà chúng tôi được thử nghiệm việc thu phí không dừng là trạm Hoàng Mai, Nghệ An. Khi xe tôi chạy với tốc độ khoảng 30km/h vào điểm đầu của đảo giao thông, ba-ri-e tự động nhấc lên và lại hạ xuống sau khi xe đi qua. Các xe khác lần lượt giảm tốc theo biển báo hướng dẫn, giữ khoảng cách và cứ lần lượt theo sau xe tôi qua trạm. Gần như ngay lập tức, trên điện thoại của tôi lần lượt hiện thông báo SMS về việc đã thanh toán phí khi mỗi xe trong đoàn qua trạm. Đơn giản tới mức sẽ khó mà thấy được sự tiện lợi của việc thu phí không dừng nếu chưa từng chuẩn bị tiền lẻ cho một chuyến đi dài dọc theo quốc lộ 1 hay chưa từng xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt qua trạm thu phí vào các ngày lễ.
Trạm Hoàng Mai, Nghệ An |
Lợi ích của công nghệ thu phí không dừng còn lớn hơn nữa. Theo anh Vũ Văn Nhất, Trưởng phòng kinh doanh của VETC, về lý thuyết, thiết bị đọc tín hiệu từ thẻ gắn trên các xe có thể hoạt động tốt bất chấp thời tiết xấu và cả khi tốc độ xe lên tới hơn 200km/h. Tuy nhiên, do hiện tại hầu hết trạm áp dụng công nghệ này mới chỉ có một làn dành cho xe thu phí không dừng nên tốc độ xe qua trạm được giới hạn ở mức 30km/h. Theo kế hoạch, tới hết năm 2019, các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ đều có làn dành riêng cho xe lắp thẻ VETC. Tiếp theo đó, toàn bộ các làn qua trạm thu phí đều chuyển từ thu phí một dừng hiện nay sang thu phí không dừng. Giai đoạn cuối cùng là khi các trạm thu phí được phá bỏ, chỉ có giá long môn gắn ăng-ten thu phát sóng đọc tín hiệu từ thẻ gắn trên xe. Khi đó, các xe có thể qua trạm với tốc độ tối đa cho phép.
Minh bạch
Lợi ích dành cho chủ xe của công nghệ thu phí không dừng là rất rõ ràng. Chủ xe, nhất là những người làm kinh doanh vận tải, có thể dễ dàng kiểm soát chi phí và cả hoạt động đi lại của các phương tiện do mình quản lý. Theo VETC, các chuyên gia tính toán mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc.
Các trạm thu phí cũng hưởng nhiều lợi ích từ công nghệ này. Trước tiên là loại bỏ gần như hoàn toàn cảnh tắc đường dẫn đến xả trạm. Chị Trang Vi, phụ trách truyền thông của VETC, cho biết nếu áp dụng thi phí không dừng ở tất cả các trạm hiện nay sẽ giúp cho các trạm tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm…
Các trạm thu tự động rất thông thoáng |
Thu phí tự động không dừng còn cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước. Một trong những điểm hữu dụng nhất mà thu phí không dừng mang lại là tính minh bạch trong quản lý. VETC và các trạm thu phí là các đơn vị độc lập, trong đó công nghệ thu phí không dừng là công cụ rất mạnh để cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư trạm thu phí cùng kiểm soát việc thu phí và lưu lượng xe qua trạm.
Theo yêu cầu mới nhất từ Bộ Giao thông vận tải, đến hết năm 2019 toàn bộ các trạm thu phí phải có làn dành cho thu phí không dừng, đồng thời phải triển khai dán thẻ E-tag cho toàn bộ gần 3 triệu ô tô đang lưu thông trên cả nước. VETC cho biết, đơn vị này hiện đã dán thẻ cho hơn 600 nghìn xe các loại và đang khẩn trương tiến hành để dán thẻ cho hơn 2 triệu xe còn lại.
Việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng giúp hạn chế nhân lực ở mỗi trạm |
Trong hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo công nghệ tự động không dừng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Văn Toàn khẳng định: “Hình thức thu phí không dừng có nhiều lợi ích khi cơ quan quản lý Nhà nước dễ quản lý hơn, nhất là vấn đề minh bạch phí qua trạm BOT. Mỗi khi xe qua trạm, chủ xe sẽ nhận được tin nhắn trừ phí, giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm. Nhà đầu tư BOT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng có thể truy nhập hệ thống bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát vấn đề thu phí”.
Ông Toàn cũng cho biết với mỗi xe dán thẻ E-tag, khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào biển kiểm soát giả hay hết hạn đăng kiểm,... Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phát triển hệ thống để kết nối với Bộ Công an, nhằm phát hiện vi phạm an toàn giao thông của xe đi qua trạm.
Rò ràng, việc sử dụng công nghệ thu phí không dừng mang lại rất nhiều hiệu quả khi giúp chủ xe tiết kiệm thời gian qua trạm, dễ dàng kiểm soát chi phí đi lại, đồng thời góp phần làm tăng tính minh bạch trong hoạt động ở các trạm BOT.