Chỉ riêng động cơ của siêu xe Bugatti Chiron đã nặng ngót nghét nửa tấn
Động cơ của Bugatti Chiron nặng tương đương một con cá vược, 1 siêu xe Ferrari LaFerrari cắt làm đôi hoặc 1 máy bay Piper Cub với trọng lượng cất cánh tối đa.
Không có gì quá lời khi nói Bugatti Chiron là một "kỳ quan" trong ngành công nghiệp ô tô, tương tự khối động cơ W16 với 4 bộ tăng áp, tạo ra công suất tối đa lên đến 1.500 mã lực của Siêu Xe này. Điều ấn tượng nằm ở chỗ, tuy tạo ra công suất tối đa cao hơn 300 mã lực so với loại trên Veyron, khối động cơ của Bugatti Chiron lại không hề nặng hơn.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thắc mắc về trọng lượng của khối động cơ hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô này chưa? Nếu có, hãy cùng tìm hiểu điều đó qua bài viết dưới đây.
Cần phải nhắc lại rằng, động cơ của Bugatti Chiron được trang bị bộ tăng áp lớn hơn và những bộ phận khác đồ sộ hơn để chịu được mức công suất 1.500 mã lực kể trên. Thế nhưng, động cơ của Bugatti Chiron vẫn có trọng lượng 436 kg như người tiền nhiệm Veyron. Trong khi đó, hộp số của Bugatti Chiron có trọng lượng 124 kg. Tổng cộng, riêng 2 bộ phận chính của hệ dẫn động trên Bugatti Chiron đã nặng 560 kg, tương đương một chiếc xe Caterham tầm trung.
Ngoài ra, "trái tim" mạnh mẽ của Bugatti Chiron còn nặng hơn nhiều loại động cơ khác. Ví dụ như động cơ Chevrolet LS9 với 8 xi-lanh, đi kèm hệ thống siêu nạp và cho công suất tối đa 638 mã lực. Cộng cả ly hợp, bánh đà và bơm nước, động cơ Chevrolet LS9 cũng chỉ nặng 241 kg.
Để dễ hình dung hơn, có thể nói động cơ của Bugatti Chiron nặng tương đương một con cá vược, 1 chiếc siêu xe Ferrari LaFerrari cắt làm đôi hoặc 1 máy bay Piper Cub với trọng lượng cất cánh tối đa.
Sở dĩ hãng Bugatti phải thiết kế động cơ của Chiron nặng như vậy là để đảm bảo độ đáng tin cậy và bền bỉ khi liên tục phải tạo ra công suất lớn. Thậm chí, hãng Bugatti còn phải dùng đến một loại máy giả lập lực G tương tự như khi chạy trên đường đua Nurburgring để thử nghiệm khối động cơ này. Hãng Bugatti muốn đảm bảo động cơ của Chiron không bị nổ hay cạn dầu trong quá trình vận hành mà chẳng cần phải đến đường đua Nurburgring.
Động Cơ Của Bugatti Chiron được thử nghiệm trên máy giả lập lực G
Ngoài ra, để thử nghiệm động cơ của Chiron, hãng Bugatti còn lắp đặt máy dyno mạnh nhất thế giới. Khi Chiron được thử nghiệm, máy dyno sẽ tạo ra dòng điện có cường độ 1.200 ampe, truyền ngược trở lại lưới điện.
Việc thay thế động cơ của Bugatti Chiron đương nhiên không hề đơn giản. Các kỹ sư của hãng Bugatti cần phải tách đôi xe trước khi lôi động cơ ra ngoài. Do đó, hãng Bugatti phải tiến hành thử nghiệm khối động cơ mạnh mẽ này thật cẩn thận.
Cách đây không lâu, hãng Bugatti đã xuất xưởng chiếc Chiron thứ 100, sở hữu cấu hình đặc biệt với ngoại thất bọc bằng sợi carbon màu xanh thẫm nhám. Theo hãng Bugatti, đây là chiếc xe đầu tiên của họ được khoác bộ cánh ngoại thất tương tự. Nổi bật trên nền xanh dương thẫm là những điểm nhấn màu đỏ. Bên trong chiếc Bugatti Chiron này, tông màu đỏ tiếp tục được sử dụng cho chất liệu da Ý cao cấp.
Vì là một siêu xe đặc biệt nên chiếc Bugatti Chiron thứ 100 xuất xưởng có giá không hề rẻ, lên đến khoảng 2,85 triệu Euro, tương đương 3,36 triệu USD, chưa thuế. Chủ nhân của chiếc Bugatti Chiron này là một đại gia đến từ Ả-Rập.
Như vậy, hãng Bugatti vẫn còn 400 chiếc Chiron nữa cần lắp ráp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 300 mua siêu xe kế nhiệm Bugatti Veyron. Ước tính, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 70 chiếc Bugatti Chiron rời nhà máy. Do đó, dây chuyền sản xuất Bugatti Chiron sẽ kéo dài từ nay đến năm 2023.