Lái Toyota Land Cruiser dạo một vòng Bát Xát ngắm mùa lúa chín
Cùng chiếc Toyota Land Cruiser GX và những người bạn thành viên Erav diễn đàn Otofun.net đã có một chuyến đi vòng quanh Bát Xát để ngắm mùa lúa chín.
Ngày 1 men theo sông HồngDo vụ lật và cháy xe bồn hôm 5/9 dưới chân cầu Ngòi Thủ (Yên Bái) nên Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn từ IC 12 đến IC 14, giờ tất cả các xe phải đi vòng qua đường tỉnh 163, ước chừng lâu hơn 1 giờ đến 1 giờ 30 phút so với cao tốc. Đường đông, cả đoàn phải mất hơn một tiếng mới ra đến nút giao Mậu A để nhập lại vào cao tốc. Buổi sáng đầu tiên, khi đoàn tới Thành phố Lào Cai có mưa lất phất. Nhóm bạn ngồi ăn sáng ven sông Hồng lòng ngao ngán, trong khi đó ở Y Tý trời cũng đang đổ mưa. Tuy nhiên vì đã lặn lội lên tới Lào Cai nên đoàn vẫn quyết định khởi hành, men theo dòng sông Hồng chạy lên phía Bắc.
Đoạn sông Hồng từ ngã ba Lũng Pô về thành phố Lào Cai được lấy làm biên giới Việt - Trung dài khoảng hơn 50km với cả thảy 11 cột mốc cắm dọc hai bên bờ sông, từ cột số 92 tại ngã ba Lũng Pô đến cột số 102 nằm ngay cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu. Ngoài cột số 102 là dễ tiếp cận nhất thì các cột mốc còn lại phần lớn nằm trên đường tuần biên, sát mép sông Hồng. Duy chỉ có cột mốc số 93 là nằm ngay bên lề đường TL 156, đúng chỗ có khúc cua rất dễ tiếp cận.
Tới ngã ba Lũng Pô, nếu tiếp tục đi thẳng là đường về A Mú Sung, rẽ phải là đường lên Cột cờ Lũng Pô. Từ đây chỉ còn cách cột cờ khoảng 5km nhưng đường hẹp và khá xấu.
Ngã ba Lũng PôNgã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, luôn mang màu nước đặc trưng bởi nguồn phù sa. Suối Lũng Pô, cũng là đường phân thủy biên giới nhưng nước lại có màu xanh do là con suối chảy từ trong núi qua khe và đổ vào sông Hồng tại ngã ba Lũng Pô. Do lưu lượng nhỏ, dòng chảy yếu nên màu xanh của suối Lũng Pô chỉ tồn tại bằng một dải hẹp bên bờ sông có độ dài vài trăm mét rồi hòa lẫn và biến mất trong màu đỏ phù sa.
Ghé thăm cột cờ Lũng Pô Cột cờ Lũng Pô là công trình thanh niên do Tỉnh đoàn Lào Cai làm Chủ đầu tư, đứng ra kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng từ 3/2016 và vừa hoàn thành tháng 12/2017. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100 m2, trong đó cột cờ chính có chiều cao 31,43 m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143 m. Lá cờ có diện tích 25 m2 tượng trưng cho 25 dân tộc ở tỉnh Lào Cai.
|
Gặp lúa ở A Mú SungChia tay với Cột cờ Lũng Pô, cả đoàn quay lại TL 156 theo hướng A Mú Sung về Y Tý.
Ở A Mú Sung, người dân tận dụng bất cứ khoảng đất nào có thể canh tác, cải tạo và đắp bờ thành ruộng bậc thang. Vì thế ruộng ở đây cứ nằm xen kẽ với những khoảnh đất đủ thứ hình dạng và là nơi sinh trưởng của các loại cây cối khác. |
Bà con bản A Lù thu hoạch lúa sớmTrời đang nắng lại dọa đổ cơn mưa, cả đoàn lại hối hả "trèo đèo lội suối" dời A Mú Sung hướng về phía A Lù.
|
Mưa ướt ở Ngải ThầuDời A Lù, đường về Ngải Thầu hạ dần độ cao. Bắt đầu xuất hiện một số khu vực có người dân sinh sống và đường xá đông đúc. Tuy nhiên những con đường vẫn khá nhỏ và hiểm trở, cả đoàn thường phải nín thở khi phải chia sẻ mặt đường với các xe tải chở vật liệu xây dựng của người dân địa phương. Thế rồi điều gì phải đến cũng đã đến, mưa tới rất nhanh. Cả đoàn cuống cuồng thu dọn đồ nghề về Y Tý. Ngồi trong xe ai nấy nhìn ra ngoài và tự hỏi: "Không biết mình đã bỏ lỡ những gì trên đường từ Ngải Thầu về Y Tý?". |
Đặt chân đến Y Tý lúc mặt trời ngả bóngY Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, nằm ở độ cao trên 2.000 m, lưng tựa vào dãy núi Nhù Cù San (hoặc Nhìu Cồ San) có đỉnh cao tới 2.660 m. Nơi đây, gần như quanh năm mây mù bao phủ, rất hiếm khi thấy được ánh nắng mặt trời soi đủ cả ngày.
Cả đoàn về đến Y Tý lúc gần 2 giờ chiều, sau khi ăn uống và ổn định chỗ nghỉ đêm đoàn tiếp tục đi một vòng ngắm lúa Y Tý và đến thăm cây cầu biên giới ngắn nhất hành tinh - cầu Thiên Sinh. Nói đến du lịch Lào Cai có 3 địa điểm chính là Sa Pa, Bắc Hà và Y Tý. Nhưng so với 2 địa điểm còn lại, hạ tầng du lịch của Y Tý vẫn còn một khoảng cách rất xa. Một phần do vị trí xa xôi, một phần vì Y Tý thường xuyên phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết nên việc khắc phục sạt lở đường xá hàng năm khá tốn kém. Mặt khác với đặc thù là ruộng bậc thang, săn mây đa số hấp dẫn dân phượt chứ ít lôi cuốn du lịch đại chúng. Chỉ tới thời gian gần đây, dịch vụ homestay và ăn nghỉ ở Y Tý mới bắt đầu phát triển và nhiều gia đình đã đi theo hướng chuyên nghiệp hóa.
|
Cầu Thiên SinhTừ trung tâm Y Tý ra đến đường biên giới chỉ có 3,5 km đường chim bay nhưng đi bằng ô tô thì con đường rơi vào khoảng 10 km. Nơi cuối cùng của con đường là một địa điểm đặc biệt trên biên giới Việt - Trung, nơi có cây cầu biên giới ngắn nhất hành tinh - cầu Thiên Sinh. Bởi đây là vùng biên giới với tính chất lãnh thổ quốc gia nên cả đoàn phải tiến hành một số bước xin phép để khẳng định việc đi đến cầu Thiên Sinh hiện tại là "được đi" và "đi được".
Về cầu Thiên Sinh, ban đầu để dễ bề đi lại qua khe nứt thiên tạo người dân hai bên khe ấy bắc vài thanh gỗ để đi qua, cho nên nó mới được coi là cây cầu biên giới ngắn nhất. Thời gian trôi đi, cây cầu cũng được gia cố, xây dựng to hơn, chắc chắn hơn. Cầu Thiên Sinh ngày nay đã có chiều dài 5m (bao gồm cả chiều dài "đường dẫn" hai đầu) tĩnh không khoảng 10-15m. Để "được đi" xuống cầu Thiên Sinh đoàn cũng cần báo cáo và xin phép. |
Ngày 2 hành trình xuyên rừngTạm biệt Y TýCũng như các vùng núi hẻo lánh khác, ở Y Tý, mọi con đường từ các thôn, xóm đều dẫn về đến chợ. Chợ Y Tý là một khu đất rộng khoảng 2-3ha nằm ngay trung tâm. Đoàn chỉ ghé chợ một lúc buổi sáng sớm nên chợ còn vắng và chưa có nhiều trải nghiệm. Tuy chợ Y Tý mới được xây dựng khang trang nhưng vẫn còn lưu lại một số dấu ấn cũ. Ở chợ, ngoài các hàng quán còn là bến xe, là cửa hàng thương nghiệp, là UBND...
Ngắm nhìn kiến trúc nhà trình tường ở Choản ThènNhà trình tường là một kiểu nhà đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Dao, Hà Nhì sinh sống ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai... Nét độc đáo nằm ở các bức tường được làm hoàn toàn bằng đất núi có độ kết dính cao. Đất được chế tạo đủ độ ẩm rồi đổ vào giữa các lớp ván khuôn bằng gỗ, sau đó dùng chày đầm kỹ cho đến khi kết dính chặt với nhau, dỡ ván khuôn ra không bị lở. Hết lượt tầng thứ nhất tiếp lượt tầng thứ hai, thứ ba, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm. Biện pháp thi công này không gọi là “xây” hay “đầm”, “nện” mà là “trình”, nên kiểu nhà này mang cái tên là nhà trình tường là vì thế.
Nhà trình tường phù hợp với những điều kiện cơ bản của cuộc sống vùng núi như vật liệu tại chỗ, việc xây dựng dùng sức người là chính, nhờ có tường đất dày nên trong nhà luôn đông ấm hè mát. Do đặc tính thổ nhưỡng khác nhau mà màu tường mỗi nơi mỗi khác. Nhà trình tường ở Choản Thèn (Y Tý) thường có màu vàng càng về sau càng sậm lại ngả sang màu đỏ. Trước đây, khi đời sống khó khăn thì mái nhà trình tường được lợp bằng rơm rạ. Từ khi có chương trình Xóa đói giảm nghèo 135, chính quyền hỗ trợ người dân thay thế dần bằng tấm lợp fibro xi măng cho chắc chắn hơn. Khi có thêm điều kiện kinh tế, họ lại thay bằng mái tôn. Nhưng phần tường thì kể cả các nhà xây mới vẫn giữ nguyên "công nghệ" từ hàng chục, hàng trăm năm trước. Tuy nhiên thời gian gần đây, huyện Bát Xát đã có chủ trương hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà trình tường bằng rơm rạ, có lớp cốt phía dưới đủ chắc chắn, không bị dột nhằm khôi phục lại hình ảnh, chất liệu độc đáo vốn có của nhà trình tường. |
Xuyên qua rừng già Y TýCả đoàn khép lại một vòng Bát Xát bằng cung đường Y Tý - Mường Hum theo TL 158. Cung này có hơn 10 km đi xuyên qua rừng già Y Tý. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, rộng 8.000 ha, xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực - động vật đặc hữu. Rừng trải dài trên ba xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo nhưng dân du lịch quen gọi một cách ngắn gọn là rừng già Y Tý.
Chuyến đi vòng quang Bát Xát của cả đoàn Erav đã thành công khép lại với hành trình ngược cao tốc trở về Thủ đô. Hẹn mùa vàng năm sau sẽ còn gặp lại! * Bài viết có sử dụng hình ảnh và tư liệu của thành viên Erav, diễn đàn Otofun.net (https://www.facebook.com/groups/otofun.global/ ) |