Về tay Chủ tịch Trung Nguyên, Bugatti Veyron vẫn được giữ lại biển số đẹp
Chiếc biển số 51A-289.88 được Minh "Nhựa" đăng ký lần đầu tiên cho "độc phẩm" Bugatti Veyron vào tháng 2/2012 vẫn được Chủ tịch Trung Nguyên giữ lại.
Vào trưa hôm qua, ngày 23/5/2018, chiếc Bugatti Veyron độc nhất Việt Nam bất ngờ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ công ty nhập khẩu tư nhân quận 5, Tp.HCM đến một trạm đăng kiểm nằm ở quận Thủ Đức đã thu hút khá nhiều sự chú ý của giới mê xe trong nước.
Những hình ảnh tại trạm đăng kiểm tại quận Thủ Đức cho thấy, "ông hoàng tốc độ" Bugatti Veyron mặc dù được thay đổi màu sơn ở ngoại thất sang trắng và "độ" đèn pha của phiên bản Super Sport, tuy nhiên, vẫn được chủ nhân mới là Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ của hãng cà phê Trung Nguyên giữ lại chiếc biển số 51A-289.88 đã được Minh "Nhựa" đăng ký lần đầu tiên vào tháng 2/2012.
Trước đó, Chủ Tịch Trung Nguyên cũng tậu một Siêu Xe khác từng nằm "chung nhà" với Bugatti Veyron là Lamborghini Murcielago LP670-4 SV. Tuy nhiên, "siêu bò" này được khoác áo màu bạc và biển số cặp 46 đình đám một thời không được giữ lại.
Bugatti Veyron xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2012, trong đó, đoạn video quay lại "siêu phẩm" này luồn lách trên con đường Nơ Trang Long có khá nhiều xe máy lưu thông đã gây ấn tượng cho giới truyền thông quốc tế.
Sau 4 năm thuộc sở hữu của Minh "Nhựa" và có số lần lăn bánh trên đường phố chỉ đếm trên đầu ngón tay, Bugatti Veyron độc nhất Việt Nam được doanh nhân 8X này bán lại cho công ty nhập khẩu tư nhân quận 5 vào tháng 9/2016 cùng với nhiều mẫu siêu xe khác.
Đến đầu năm 2018, giới thạo tin rộ lên tin đồn về việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ chốt mua cặp đôi siêu xe hàng hiếm Bugatti Veyron và Lamborghini Murcielago LP670-4 SV. Tuy nhiên, phải đến trưa 23/5, Bugatti Veyron mới được chính thức bàn giao cho ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên. Giá bán của giao dịch này không được tiết lộ. Nhưng giới thạo tin ước tính để có sự phục vụ của "ông hoàng tốc độ" này, Chủ tịch Trung Nguyên bỏ ra số tiền không dưới 45 tỷ Đồng.
Bugatti Veyron chỉ được sản xuất khiêm tốn với 450 chiếc rời nhà máy Molsheim, Pháp, trong vòng 10 năm. Tính trung bình, 1 năm hãng siêu xe Pháp chỉ sản xuất ra 45 chiếc Veyron. "Ông hoàng tốc độ" này có 4 phiên bản chính là bản tiêu chuẩn Veyron 16.4, mui trần Grand Sport, bản tốc độ Super Sport và ấn tượng nhất phải kể đến phiên bản Grand Sport Vitesse.
Hãng siêu xe đến từ Pháp không đặt nặng tính giải trí cho khoang lái của Bugatti Veyron, chính điều này mà các khách hàng của Toyota Vios đã có dịp chế giễu siêu xe triệu USD này khi nội thất xe có hệ thống giải trí khá nghèo nàn.
Thay vì tập trung vào những bản nhạc phát ra hệ thống giải trí, Bugatti lại mang đến cho các khách hàng của Veyron sức mạnh và cảm giác lái. Siêu xe này được trang bị động cơ 16 xy-lanh xếp hình chữ W, dung tích 8 lít, 64 van, 4 trục cam, 4 bộ tăng áp, sản sinh công suất tối đa 1.001 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm.
"Ông hoàng tốc độ" Bugatti Veyron chỉ mất thời gian 2,5 giây để tăng tốc lên 100 km/h từ vị trí xuất phát trước khi đạt vận tốc tối đa 408.84 km/h. Thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h của Veyron nhanh gấp 3 lần một chiếc Toyota Vios thực hiện.
Giá bán cho Bugatti Veyron không hề rẻ, nhưng điều khiến các chủ nhân "ông hoàng tốc độ" này ngán nhất chính là chi phí sửa chữa của xe. "Siêu phẩm" này mất chi phí bảo dưỡng hàng năm dao động từ 80.000 đến 100.000 USD. Để đưa Bugatti Veyron về nước phải là người có đam mê xe rất lớn. Nhưng để mua lại siêu xe này theo diện đã qua sử dụng tại Việt Nam chỉ có thể là nhà sưu tập.
Bộ sưu tập xe của Chủ tịch Trung Nguyên hiện có không dưới 42 chiếc siêu xe với đủ các thương hiệu như Bugatti, Ferrari, Lamborghini, Aston Martin, Audi R8, Mercedes-Benz SLS AMG. Đó còn chưa kể đến các dòng xe siêu sang như Rolls-Royce và Bentley với khoảng 18 chiếc. Porsche cũng là một thương hiệu xe được Đặng Lê Nguyên Vũ đặc biệt ưa chuộng với không dưới 10 chiếc.