Động cơ tăng áp - xu thế ô tô trong thời gian tới tại Việt Nam
Với những ưu điểm như dung tích nhỏ tiết kiệm nhiên liệu nhưng có thêm tăng áp để tăng thêm công suất và mức thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý cho động cơ dung tích dưới 2.0L mà trong thời gian tới đây, các mẫu xe được trang bị động cơ tăng áp sẽ được các hãng xe cũng như khách hàng quan tâm nhiều hơn.
Nhắc tới động cơ turbo hay còn gọi là động cơ tăng áp, nhiều khách hàng Việt sẽ cảm thấy quen thuộc bởi trong thời gian gần đây, hàng loạt mẫu xe với động cơ dung tích nhỏ nhưng lại được tích hợp công nghệ turbo tăng áp đang xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều hơn và được quảng cáo như một công nghệ vừa giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu nhưng lại tăng sức mạnh của động cơ.
Cách đây vài năm, công nghệ động cơ tăng áp thường chỉ thấy trên những mẫu xe hạng sang như Mercedes-Benz, BMW hay Audi. Thế nhưng trong 1-2 năm trở lại đây thì công nghệ này đang dần dần được bình dân hoá khi đang xuất hiện trên những mẫu xe phổ thông.
Động cơ dung tích nhỏ tích hợp tăng áp đang là định hướng của một số hãng xe.
Điển hình nhất có lẽ phải nhắc đến Honda với hàng loạt mẫu xe được trang bị động cơ tăng áp được giới thiệu trong suốt thời gian gần đây như Honda Civic Turbo và Honda Cr-V Turbo 7 chỗ ngồi. Cả hai mẫu xe này của Honda Việt Nam đều trang bị động cơ dung tích 1.5L tích hợp tăng áp cho công suất hơn 180 mã lực - tương đương một mẫu xe sử dụng động cơ 2.0L khí nạp thông thường.
Gần đây nhất, hãng xe Hàn Quốc là Hyundai cũng đã đưa về phiên bản thể thao của dòng sedan hạng C Hyundai Elantra với động cơ tăng áp dung tích 1.6L có công suất lên tới 204 mã lưc. Ngay cả hãng xe cơ bắp GM đến từ Mỹ cũng đã tham gia vào thị trường động cơ dung tích nhỏ tích hợp tăng áp với Chevrolet Trax sử dụng động cơ 1.4L tăng áp nhưng có công suất tới 165 mã lực và mô-men xoắn 200Nm.
Thế nhưng, hãng xe đi tiên phong trong việc đưa công nghệ turbo tăng áp vào động cơ tại Việt Nam lại chính là Ford với động cơ Ecoboost (sử dụng công nghệ tăng áp trên động cơ dung tích nhỏ từ 1.0L) xuất hiện trên hàng loạt các mẫu xe như Ford Fiesta, Ford Focus và cả Ford Ecosport. Và gần đây là trên cả những mẫu xe SUV cỡ lớn như Ford Explorer, Ford Everest,...
Ford là hãng xe tiên phong khi đã sớm đưa động cơ tăng áp Ecoboost vào các mẫu xe của mình từ rất sớm.
Có thể nói, với việc đưa động cơ turbo vào trong các mẫu xe nhỏ sử dụng động cơ dung tích nhỏ có thể khiến các nhà sản xuất bắn một mũi tên nhưng trúng nhiều đích. Đầu tiên sẽ phải nói đến việc giảm dung tích động cơ sẽ giúp các kỹ sư có thêm không gian để mở rộng khoang lái. Ngoài ra, động cơ dung tích nhỏ cũng sẽ giúp hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu được tốt hơn khi vận hành trong điều kiện thông thường mà vẫn đảm bảo được công suất, mô-men xoắn mạnh mẽ tương đương những động cơ dung tích lớn. Cụ thể với một động cơ dung tích 1.5L có tích hợp turbo tăng áp có thể sản sinh công suất tương đương một động cơ hút khí nạp tự nhiên dung tích lên tới 2.4L.
Xe cơ bắp Mỹ cũng không đừng ngoài cuộc đua sử dụng động cơ cỡ nhỏ tích hợp tăng áp.
Thêm vào đó, với mức thuế tiêu thụ đặc biệt luỹ tiến đang đánh mạnh vào những mẫu xe có dung tích động cơ trên 2.0L thì việc trang bị động cơ dung tích nhỏ với hệ thống tăng áp sẽ giúp các hãng xe giải quyết được bài toàn vừa đảm bảo cảm giác lái mạnh mẽ cho khách hàng nhưng vẫn có thể giảm giá thành. Và đây chính là yếu tố khiến nhiều hãng xe bình dân như Honda, Hyundai, Ford, Chevrolet.... bước vào cuộc chạy đua về động cơ tăng áp dung tích nhỏ.
Giờ đây, động cơ tăng áp không còn là một công nghệ xa xỉ chỉ dành cho những mẫu xe hạng sang nữa mà ngay cả những mẫu xe bình dân có mức giá dưới 1 tỷ VNĐ cũng dần được trang bị công nghệ này để có thể mang lại hiệu quả vận hành tối đa cùng lợi ích nhiều hơn cho cả khách hàng và nhà sản xuất.
>>> SUV 7 chỗ Chevrolet Trailblazer 2018 sắp ra mắt tại Việt Nam có gì đặc biệt
>>> Ô tô Honda nhập bất ngờ tăng giá bán