Lee Iacocca: Từ con trai của một người Ý nhập cư đến "cha đẻ" Ford Mustang
Dòng xe "cơ bắp" huyền thoại Ford Mustang ra đời là nhờ sự nỗ lực của rất nhiều người. Tuy nhiên, công đầu phải kể đến ông Lee Iacocca, người từng giữ chức chủ tịch của hãng Ford và Chrysler.
Cách đây không lâu, trong sự kiện ra mắt SUV hạng sang Mercedes-Benz G-Class thế hệ mới tại triển lãm Detroit 2018, ông Dieter Zetsche, CEO của tập đoàn Daimler, đã nêu ra 4 mẫu xe mà ông cho là biểu tượng của làng ô tô thế giới, bao gồm Ford Mustang, Porsche 911, Jeep Wrangler và Mercedes-Benz 300 SL. Nếu như Jeep Wrangler và Mercedes-Benz 300 SL khiến nhiều người tranh cãi về việc có xứng đáng được coi là biểu tượng hay không thì chẳng ai nghi ngờ Ford Mustang.
Thực vậy, ra đời từ năm 1964 đến nay, Ford Mustang không chỉ được coi là một biểu tượng của làng ô tô thế giới mà còn gắn liền với văn hóa Mỹ và lan ra cả toàn cầu. Trong năm 2016, Ford Mustang chính là mẫu xe thể thao bán chạy nhất thế giới. Ngay cả ở thị trường khó tính như châu Âu, Ford Mustang cũng đã chinh phục được nhiều khách hàng.
Để làm nên được thành công của Ford Mustang rõ ràng là cần đến sự nỗ lực của rất nhiều con người. Tuy nhiên, nếu nói đến "cha đẻ" thực sự của dòng xe "cơ bắp" huyền thoại này thì phải nhắc tới ông Lee Iacocca.
Chân dung ông Lee Iacocca - cha đẻ của Ford Mustang
Người ta có câu: "Thành công thì có nhiều cha mà thất bại thì là trẻ mồ côi". Quả thực, không ít người đã nhận mình có công trong việc đưa dòng Ford Mustang ra thị trường. Thế nhưng, công đầu tiên phải thuộc về ông Iacocca.
Lee Iacocca là ai?
Sinh ngày 15/10/1924 tại Allentown, bang Pennsylvania, Mỹ, Lee Iacocca là con trai của ông Nicola Iacocca và bà Antonietta Perrotta, những người gốc Ý nhập cư vào Mỹ. Sau khi sang Mỹ sinh sống, bố mẹ ông Iacocca đã mở một nhà hàng có tên Yocco's Hot Dogs ở Allentown.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1942, ông Iacocca được nhận vào khoa kỹ sư công nghiệp thuộc trường Đại học Lehigh ở Bethleham cùng bang. Tốt nghiệp đại học này, ông tiếp tục theo học ở trường Princeton rồi vào Ford làm việc với vai trò kỹ sư.
Khi mới vào làm việc cho hãng Ford ở tuổi 22, Iacocca là một kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó, ông lại chuyển sang mảng bán hàng và marketing để rồi thăng tiến rất nhanh trong nội bộ hãng Ford. Thậm chí, ông còn được biết đến như một trong những nhân viên bán hàng thành công nhất mọi thời đại.
Ông Iacocca thời còn trẻ
Đến năm 1960, ông Iacocca được bổ nhiệm vào vị trí phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc thương hiệu Ford. 5 năm sau, ông tiếp tục giữ chức phó chủ tịch mảng xe du lịch và xe bán tải của Ford. Vào năm 1970, Iacocca đạt đến đỉnh cao sự nghiệp khi được thăng chức lên chủ tịch hãng Ford.
Tuy nhiên, vào năm 1978, ông Iacocca đã bị Henry Ford II sa thải dù năm đó lợi nhuận của Ford đạt 2 tỷ USD. Sau biến cố này, ông chuyển sang làm cho hãng đối thủ là Chrysler. Ông đã trở thành CEO của Chrysler vào năm 1979 rồi nghỉ hưu vào năm 1992.
Trong sự nghiệp 46 năm của mình, ông Iacocca đã tham gia vào quá trình thiết kế nhiều mẫu xe thành công của Ford, điển hình nhất là Mustang. Ngoài ra, còn phải kể đến Lincoln Continental Mark III và Ford Escort.
Sự ra đời của dòng Ford Mustang
Sau những khó khăn vào cuối thập niên '50 vì sự thất bại của dự án Edsel, ông Iacocca tin rằng một mẫu xe "cơ bắp" đầy phong cách sẽ giúp đưa Ford trở lại. Mục tiêu của ông Iacocca là tạo ra một mẫu xe thể thao nhưng giá "mềm" để nâng hãng Ford lên một tầm cao mới. Với sự ra đời của dòng Chevrolet Monza vào đầu thập niên '60, ông Iacocca biết rằng công ty của mình không chỉ cần nhảy vào cuộc đua mà còn phải sản xuất một mẫu xe thể thao có thể tạo sự khác biệt với đám đông.
Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông Iacocca thừa nhận rằng đã phải nhiều lần gõ cửa văn phòng của chủ tịch kiêm CEO Henry Ford II mới được chấp nhận phát triển Ford Mustang. Sau thất bại của Edsel, ông Ford luôn tỏ ra hoài nghi với những chương trình mới đầy mạo hiểm. Sau khi đồng ý phát triển Mustang, ông Ford đã nói với Iacocca lúc đó là giám đốc nhãn hiệu Ford rằng mẫu xe này nhất định phải thành công.
Nhiều bản thiết kế và ý tưởng đã được đưa ra nhưng đều bị gạt bỏ, cuối cùng, ông Iacocca phải phát động một cuộc thi trên toàn thế giới để tìm ra hình mẫu lý tưởng cho Ford Mustang. Khi cuộc thi vẫn đang diễn ra, ông Iacocca bất ngờ nhìn thấy bản phác họa của một nhân viên hãng Ford có tên Gale Halderman và thế là thiết kế của Ford Mustang ra đời.
Ford Mustang I Concept 1962 với nội thất 2 chỗ
Với mục tiêu có sẵn trong đầu là tạo ra một mẫu xe trẻ trung, có thể thu hút thế hệ Baby Boomers được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số từ năm 1946 - 1964, Iacocca và đội ngũ cùng chung chí hướng đã mất vài năm để hoàn thiện thiết kế của Ford Mustang.
Ford Mustang ra mắt
Dù có ngân sách dưới 50 triệu USD, con số thấp chưa từng có tiền lệ, Iacocca vẫn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn và cố gắng thúc đẩy quá trình sản xuất mẫu xe mà ông tin là có thiết kế mang tính cách mạng. Sau khi cân nhắc kỹ, ông Iacocca và đội ngũ của mình đã đi đến kết luận rằng Ford Mustang phải là mẫu xe du lịch với 4 chỗ ngồi thay vì 2 chỗ như thử nghiệm vào năm 1962.
Ngoài nội thất, đội ngũ của ông Iacocca còn quyết định Ford Mustang cần được trang bị nắp capô dài và cốp sau ngắn để ám chỉ một động cơ mạnh mẽ ẩn chứa bên trong, hứa hẹn mang đến tốc độ cao. Bản thân ông Iacocca và đội ngũ của mình rất thích phong cách thiết kế của xe châu Âu với nắp capô dài và cốp sau ngắn. Đó là lý do vì sao Ford Mustang được thiết kế theo phong cách này.
Ford Mustang II là một trong những chiếc xe mẫu thử nghiệm được ra đời vào mùa hè năm 1963 để ra mắt trong giải đua U.S. Grand Prix ở Watkins Glen.
Mang trái tim của một nhân viên bán hàng trong mình, ông Iacocca đã lên kế hoạch ra mắt Ford Mustang vào thời điểm "không đụng độ" với bất kỳ hãng xe nào. Đồng thời, ông còn chọn địa điểm ra mắt Ford Mustang sao cho tối đa hóa được độ phủ trên các phương tiện truyền thông.
Cuối cùng, sau nhiều ngày xuống nhà máy và ngồi trên văn phòng để nghĩ ý tưởng, Iacocca cùng với nhà sáng lập công ty, ông Henry Ford, đã chính thức giới thiệu dòng Mustang tại Hội chợ New York World vào ngày 17/4/1964.
Ford Mustang ra mắt trong Hội chợ New York World 1964
Giấc mơ về một mẫu xe "cơ bắp" giá rẻ của ông Iacocca đã nhanh chóng trở thành sự thật và thậm chí tạo ra hiện tượng lớn hơn bất kỳ ai trong hãng Ford từng tưởng tượng. Mẫu xe Ford Mustang mới ra mắt đã "càn quét" trên các mặt báo cũng như kênh truyền hình trên toàn nước Mỹ.
Ông Iacocca (bên trái) chụp ảnh cùng chiếc Ford Mustang màu đỏ rực
Sau màn ra mắt trong Hội chợ, Mustang đã mang về hơn 415.000 khách hàng cho hãng Ford trong thời gian chưa đến 1 năm. Trong 18 tháng đầu tiên, Mustang đã có doanh số đến 1 triệu chiếc, trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Ford sau Model T trong thập niên '20.
Chiếc Ford Mustang thứ 1 triệu
Ngay cả các đại lý cũng "phải lòng" Ford Mustang ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều khách hàng đã chủ động đến "gõ cửa" đại lý trong ngày mở bán Ford Mustang. Chỉ riêng trong ngày mở bán, hãng Ford đã tiêu thụ được 22.000 chiếc Mustang cho khách Mỹ. Các đại lý còn rơi vào tình trạng "cung không đủ cầu".
Theo ông Iacocca, Ford Mustang bán chạy đến vậy vì mang đến cho khách hãng những thứ mà họ chưa từng có, đó là một mẫu xe thể thao 4 chỗ với phong cách thiết kế châu Âu. Bên cạnh đó, đúng như mục tiêu ban đầu đặt ra, Ford Mustang còn là mẫu xe nặng chưa đến 2.500 pound (1.134 kg) và giá dưới 2.500 USD.
Con đường trở thành ngôi sao của Ford Mustang
Không chỉ xuất hiện "nhan nhản" tại các garage và trên đường phố khắp nước Mỹ, Ford Mustang còn nhanh chóng tìm được đường đến với màn ảnh bạc. Vào tháng 9/1964, chỉ 5 tháng sau sự kiện ra mắt ở Hội chợ, đạo diễn phim Guy Hamilton đã đưa chiếc Ford Mustang mui trần thế hệ đầu tiên vào phim Goldfinger về điệp viên James Bond.
Ford Mustang mui trần trong phần phim "Goldfinger" của series "Điệp viên 007"
Vài năm sau đó, nam diễn viên huyền thoại Steve McQueen đã lái một chiếc Ford Mustang Fastback 1967 với động cơ V8 mạnh mẽ ở tốc độ cao trên đường phố San Francisco trong bộ phim Bullitt. Đây có thể nói là một trong những màn rượt đuổi bằng ô tô nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành điện ảnh thế giới.
Cảnh rượt đuổi của Ford Mustang trong phim "Bullitt"
Dù Iacocca và Ford cuối cùng đã chia tay nhau vào cuối thập niên '70 nhưng di sản Ford Mustang và những thành tựu mà ông để lại vẫn còn sống mãi đến tận ngày nay. Sau 6 thế hệ và hơn 5 thập kỷ với hàng loạt thay đổi về công nghệ cũng như hiệu suất vận hành, Ford Mustang vẫn chưa bao giờ hết phổ biến. Những người yêu thích dòng xe "cơ bắp" này vẫn luôn thầm cảm ơn sự tâm huyết và quyết tâm của ông Iacocca đã làm nên một biểu tượng trong làng ô tô thế giới.
>>> Ford Mustang và câu chuyện của 50 năm