Sự ra đời của Bugatti Chiron: 20 nhân công, 1.800 con ốc, 4.000 giờ làm việc và một chiếc xe hoàn hảo
Bugatti cho biết sự ra đời của mỗi chiếc Bugatti Chiron có sự đóng góp của 20 kỹ thuật viên và 6 tháng làm việc và 12 công đoạn khác nhau.
Bugatti Chiron là một trong những Siêu Xe mạnh mẽ và đắt giá nhất thế giới hiện nay với công suất lên đến 1.479 mã lực, đạt vận tốc tối đa 463 km/h và giá xuất xưởng 2,5 triệu USD, tương đương 56,9 tỷ Đồng. Theo Bugatti, hãng sẽ chỉ sản xuất tổng cộng 500 chiếc Chiron, như vậy chỉ có những khách hàng có tiền và đủ may mắn mới có thể sở hữu siêu xe có lượng xuất xưởng giới hạn này.
Theo Bugatti, sẽ cần đến 20 kỹ thuật viên và 6 tháng làm việc để hoàn thiện một chiếc Chiron. Vậy quá trình sản xuất một siêu xe như Chiron sẽ được tiến hành ra sao? Hãy cùng Tinxe.vntìm câu trả lời.
Cá nhân hóa: Đau đầu vì lựa chọn màu sắc nội, ngoại thất và trang bị
Bước đầu tiên trước khi bắt đầu sản xuất Chiron chính là việc chọn lựa màu sắc cho ngoại thất, nội thất và các chi tiết trang bị cho xe. Bugatti hiện cung cấp cho khách hàng 23 màu ngoại thất, trong đó có 8 màu vân carbon, 31 màu cho nội thất, 30 màu chỉ thêu, 18 màu thảm và 11 màu cho dây an toàn.
Suy nghĩ có vẻ dễ lựa chọn nhưng hãy tưởng tượng khi bạn cầm trong tay quyển catalog của xe với hàng chục màu sắc trước mắt, thực sự rất khó để đưa ra quyết định lựa chọn mà mình thích.
Khi khách hàng đã đưa ra được lựa chọn cho riêng mình thì việc sản xuất mới chính thức bắt đầu. Các trang bị và chi tiết theo yêu cầu của khách được đặt hàng.
Việc sơn màu xe theo yêu cầu của khéo kéo dài 3 tuần
Một tháng trước khi việc lắp ráp chính thức bắt đầu, Bugatti tiến hành tập kết các bộ phận như vỏ, khung gầm để kiểm tra độ tương thích và liền lạc giữa các bộ phận này.
Khi các yêu cầu kỹ thuật đã được đáp ứng, việc phun sơn bắt đầu. Kỹ thuật viên của Bugatti sẽ tiến hành sơn các bộ phận nói trên trong vòng 3 tuần. Sở dĩ công đoạn sơn mất nhiều thời gian như vậy là do yêu cầu kỹ thuật của hãng, ví dụ như phần vỏ xe phải có 8 lớp sơn. Sau khi 1 lớp sơn hoàn thành, kỹ thuật viên của hãng được yêu cầu mài và đánh bóng lớp sơn đó thật kỹ càng, sau đó mới tiến hành sơn lớp tiếp theo.
Động cơ W16 của Chiron phải trải qua bài thử nghiệm vận hành 8 tiếng liên tục trước khi đưa về điểm lắp ráp
Động cơ của Chiron là phiên bản cải tiến của động cơ W16 8.0L, 4 bộ tăng áp turbo từng trang bị trên dòng Veyron. Trước khi được tập kết về xưởng lắp ráp, mỗi khối động cơ nặng 628 kg này đều phải trải qua chạy thử nghiệm liên tục 8 tiếng tại nhà máy động cơ của tập đoàn Volkswagen.
Việc lắp ráp các bộ phận khung gầm của xe do 3 kỹ thuật viên phụ trách trong một tuần
Tại nhà máy lắp ráp của Bugatti, có hai khu vực dành cho việc lắp ráp khung gầm. Ở mỗi khu vực này sẽ có ba kỹ thuật viên làm việc, mỗi người sẽ phụ trách việc lắp ráp sát xi, khung xe, khung phụ.
Ống tản nhiệt động cơ Chiron có đường kính bằng ống nước cứu hỏa
Phần đuôi của chiếc Chiron được thiết kế làm sao tương thích nhất với khối động cơ khủng của xe. Toàn bộ hệ thống điện và ống nước tản nhiệt đều được bố trí hợp lý. Khác với các siêu xe thường, Chiron sở hữu đến 3 bơm nước tản nhiệt, ống tản nhiệt cũng có kích thước lớn, tương đương ống phun nước cứu hỏa.
Hơn 1.800 con ốc trên xe chỉ được siết bằng một chiếc máy siết ốc duy nhất
Trên chiếc Chiron có hơn 1.800 con ốc cần siết, công việc siết ốc được nhiều kỹ thuật viên thực hiện chỉ với một chiếc máy siết ốc đặc biệt. Theo Bugatti, máy siết ốc mà hãng sử dụng có khả năng ghi nhớ dữ liệu liên quan đến ốc ở các vị trí khác nhau để đưa ra lực siết chính xác và vừa đủ. Tính năng này không những giúp công việc của kỹ thuật viên dễ dàng và hiệu quả hơn mà còn đảm bảo được độ chính xác khi lắp ráp các chi tiết trên xe.
Phần khung chính và khung phụ phía sau xe được kết nối với nhau và cố định bằng 14 con ốc bằng titan.
Sau khi hai bộ phận trên được cố định bằng 14 con ốc titan (mỗi con nặng 34g), bánh xe sẽ được lắp vào để đưa đến khu vực tiếp nhiên liệu và phụ gia. Cụ thể hơn, xe sẽ được đổ đầy đủ dầu máy, dầu hộp số, dầu phanh, dầu thủy lực và nước mát. Công đoạn này được thực hiện sể soát xét xem các dung dịch trên có bị rò rỉ từ các bộ phận liên quan hay không. Sau đó động cơ sẽ được khởi động và vận hành lần đầu tiên sau bài chạy thử 8 tiếng trước đó.
Năng lượng sinh ra khi chạy thử xe trên bàn dyno sẽ được tận dụng để đưa vào hệ thống điện lưới của nhà máy
Công đoạn tiếp theo là chạy thử xe trên bàn dyno trong khoảng từ hai đến ba tiếng đồng hồ. Theo Bugatti tiết lộ, để thực hiện chạy thử chiếc Chiron, hãng đã lắp đặt hệ thống cáp điện mới với sức chịu tải lớn hơn, do động năng sinh ra từ việc chạy thử Chiron khi chuyển hóa thành điện năng là rất lớn, đạt mức 1.200 amp. Nếu sử dụng hệ thống cáp điện cũ thì hệ thống sẽ bị quá tải, gây cháy nổ. Lượng điện năng sinh ra trong quá trình test sẽ được hòa vào điện lưới của nhà máy để phục vụ sản xuất.
Bốn ngày là thời gian để lắp đặt các bộ phận khác trên xe.
Sau khi động cơ xe đã được lắp đặt và vượt qua bài kiểm tra, công đoạn cuối trong việc lắp ráp là hoàn thiện phần vỏ xe cũng như các bộ phận khác. Công đoạn này được thực hiện sau cùng do các chi tiết nói trên rất nhẹ và dễ vỡ, nếu lắp vào trước khi chạy test sẽ rất dễ hỏng hóc và biến dạng.
Kiểm tra khả năng chịu nước trong 30 phút
Sau khí việc lắp đặt các linh kiện, tấm ốp và khớp nối được hoàn thiện, chiếc xe sẽ phải trải qua bài kiểm tra chịu mưa, nhằm phát hiện sớm các điểm điểm và bộ phận chưa được lắp ráp kín, để nước lọt vào trong xe.
Chỉ khi thân vỏ đáp ứng được yêu cầu chịu nước thì các kỹ thuật viên mới tiến hành lắp ráp nội thất của xe. Thông thường công đoạn này diễn ra khoảng 3 ngày. Ngày cuối cùng trong 3 ngày đó, các kỹ thuật viên sẽ phải bọc vỏ xe bằng nhựa trong suốt để chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối cùng trước khi xe xuất xưởng.
Công đoạn cuối cùng: Kiểm tra vận hành trên đường thử
Bugatti sẽ trang bị cho chiếc Chiron bộ lốp dùng để chạy thử, lái xe đến sân bay Colmar cách nhà máy của Bugatti 300km để thực hiện chạy thử ở đường băng sân bay. Sau bài kiểm tra, chiếc Chiron sẽ chạy ngược lại về nhà máy với bản đánh giá của chuyên gia thử nghiệm xe. Nếu bản đánh giá có kết quả đạt thì chiếc Chiron sẽ được lắp bộ lốp mới và đưa thẳng đến bộ phận sơn.
Hai ngày là thời gian để các kỹ thuật viên chuẩn bị chiếc xe trước khi giao đến tay khách hàng
Sau khi tháo bỏ lớp nhựa bọc xe, các kỹ thuật viên của Bugatti tiến hành vệ sinh, đánh bóng toàn bộ xe, sau đó tiếp tục kiểm tra kỹ lưỡng thêm 6 tiếng nữa để đánh dấu những chi tiết trên thân vỏ cần sơn lại. Những vị trí sơn lỗi, bị xước sẽ được sơn lại tại bộ phận phụ trách sơn thân vỏ. Đôi khi phải mất đến 3 tuần mới có thể hoàn thành công đoạn này. Sau mỗi lần khắc phục các vị trí sơn lỗi hoặc xước, chiếc xe tiếp tục được kiểm tra dưới vòm ánh sáng cho đến khi không còn một lỗi nào trên vỏ xe.
Chi khi các trưởng bộ phận phê duyệt về chất lượng của chiếc Chiron thì xe mới được phép xuất xưởng và đến tay khách hàng.
>>> Bugatti bán được 70 chiếc Bugatti Chiron trong năm 2017, thu về 175 triệu USD