Ông Khuất Việt Hùng đề xuất xử phạt người vi phạm không cần chứng minh
“Bảo vệ pháp luật mà đi ra cãi nhau với ông say rượu thì sao cãi được, với người cố tình cũng không cãi được. Nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện cơ mà, ta có cơ chế để người dân kiện Nhà nước, kiện người xử phạt sai ra toà”, ông Khuất Việt Hùng nêu.
Hai vấn đề về mặt pháp lý được ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia đưa ra tại phiên giải trình vừa được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện.
Trước tiên, ông Hùng khẳng định, việc xử phạt nghiêm các vi phạm sẽ là “động lực để thay đổi hành vi” của người tham gia giao thông, và cũng là cái để người dân “soi” vào.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông Khuất Việt Hùng đã mạnh dạn đề nghị xem xét lại các quy định pháp luật hiện nay, tạo hành lang pháp lý minh bạch cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia
Theo ông, quy định hiện nay của chúng ta về việc yêu cầu người xử phạt Vi Phạm Giao Thông là phải chứng minh vi phạm, điều này đang đi ngược lại với các nước. Bởi thông thường về mặt hành chính thì cứ xử phạt đã, còn nếu thấy việc xử phạt đó không đúng thì người bị xử phạt có thể kiện ra toà.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, nếu giải quyết được chỗ này thì mới tạo được nền tảng pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ. “Cái này rất quan trọng, không đơn giản một chút nào. Tôi chứng kiến rất nhiều chuyện tranh cãi nhau và người vi phạm cứ quay, dí camera vào mặt cảnh sát, cố gắng tạo ra dư luận xã hội”, ông Hùng nói.
Tha thiết đề nghị việc này, bởi theo ông Khuất Việt Hùng bảo vệ pháp luật mà đi ra cãi nhau với ông say rượu thì sao cãi được, với người cố tình cũng không cãi được. Nếu phạt sai thì người dân có quyền kiện, "Ta có cơ chế để người dân kiện người xử phạt sai ra toà cơ mà", ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ hai, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia thấy lạ là, cảnh sát giao thông của chúng ta gần như phải có lực lượng đi bảo vệ, vì chúng ta quy định rất nhiều điều kiện chặt chẽ trong vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ và sử dụng vũ khí.
Ông dẫn dụ với các nước như Đức, Thuỵ Sỹ, Mỹ… người ta đề nghị dừng xe và để tay lên trên, nếu không thậm chí anh có thể bị trấn áp ngay. Nhưng ở ta, nếu cảnh sát giao thông có trấn áp một tí, lúc đó lại là cảnh sát đánh dân, lại trở thành câu chuyện rất lớn.
“Nếu không truyền thông cái này chúng ta đang tự tước mất vũ khí bảo vệ pháp luật của mình”, ông Hùng nói.
Trước đề xuất trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc này rất khó, bởi hiện nay trong chính sách pháp luật về hành chính cũng như hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về người xử phạt, còn về dân sự thì trách nhiệm này thuộc về người khởi kiện. Theo bà Nga, nếu sửa quy định này trong Luật, chắc phải báo cáo ra Quốc hội.