Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Trong tháng 11 vừa qua, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 36.913 xe, đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam và báo cáo kết quả kinh doanh của Hyundai Thành Công, người dân Việt Nam đã mua tổng cộng 36.913 xe ô tô trong tháng 11 vừa qua, tăng 4,2% so với doanh số ô tô toàn thị trường trong tháng 10.

Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ doanh số tăng lên đáng kể của dòng xe sedan. Trong đó, doanh số các mẫu sedan bán chạy như Toyota Vios tăng từ 2.477 lên 2.580 xe, doanh số Hyundai Accent tăng từ 1.686 lên 1.848 xe, doanh số Mazda 3 tăng từ 1.257 lên 1.646 xe và một số mẫu xe khác.

Về mặt thị phần, Toyota dù có tổng doanh số giảm so với tháng trước là 7.430 xe, nhưng vẫn đứng đầu thị trường về thị phần với 20,13%. Trong đó, Toyota Viosvẫn là "con gà đẻ trứng vàng" cho thương hiệu xe Nhật Bản với doanh số là 2.580 xe.

Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

Toyota Vios vẫn là mẫu xe thành công nhất của Toyota Việt Nam

Một mẫu xe khác của Toyota cũng có doanh số rất cao là Fortuner, được phân phối theo diện xe nhập khẩu, với doanh số là 1.293 xe. Innova dù doanh số có giảm so với tháng trước nhưng vẫn có sức mua khá ổn định với 981 xe. Điều bất ngờ là mẫu Wigo có doanh số rất cao trong tháng trước (1.529 xe) đã giảm một nửa về mức 857 xe.

Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

Mẫu SUV nhập khẩu nguyên chiếc Fortuner vẫn rất được người Việt ưa chuộng

Hyundai Thành Công là thương hiệu lớn thứ hai trên thị trường với tổng doanh số tháng 11 ở mức 6.373 xe, chiếm 17,26% thị phần ô tô tháng 11. Tương tự như Toyota, mẫu xe chủ lực của Hyundai Thành Công là mẫu sedan cỡ B - Hyundai Accent với doanh số 1.848 xe. Các mẫu xe khác như Kona hay Tucson cũng có doanh số cao và tăng lên so với tháng trước đó, giúp Hyundai chiếm lĩnh được thị trường.

Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

Mẫu sedan hạng B Accent của Hyundai đang vươn lên khá mạnh mẽ trong những tháng gần đây

Đứng thứ 3 về thị phần tháng 11 không phải là Honda như tháng trước mà là Mazda Việt Nam với tổng doanh số 3.706 xe, chiếm 10% thị phần. Sự tăng trưởng về doanh số của mẫu sedan Mazda3 (Từ 1.257 xe lên 1.646 xe) và CUV Mazda CX-5(Từ 995 xe lên 1.291 xe) đã giúp Mazda Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh phần tốt hơn trong tháng 11.

Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

Mazda3 và Mazda CX-5 tăng trưởng doanh số khá mạnh, giúp Mazda Việt Nam vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần ô tô Việt trong tháng 11

Theo sát thương hiệu Mazda Việt Nam là Ford Việt Nam với 9,39% thị phần, tương đương 3.466 xe bán ra trong tháng 11. Sự trở lại ngoạn mục của Ford Việt Nam trong tháng 11 là nhờ vượt qua rào cản của nghị định 116, thông quan hàng loạt các mẫu xe nhập khẩu rất được người Việt ưa chuộng như Ford Ranger, Ford Everest và Explorer. Theo đó, doanh số tháng 11 của Ford Rager đạt mức 1.744 xe, đứng thứ 3 trong danh sách xe bán chạy nhất tháng 11 này; hai mẫu xe Everest và Explorer sau nhiều tháng "hẩm hiu" không có xe để giao cho khách cũng trở lại với doanh số lần lượt là 480 xe và 133 xe.

Thị trường ô tô Việt sôi động trong những tháng cuối năm, sedan hạng B tăng trưởng mạnh

Mẫu bán tải Ford Ranger tiếp tục có một tháng rất thành công với doanh số lên đến 1.744 xe

Honda và Kia cũng là hai thương hiệu có doanh số tốt trong tháng 11 vừa qua, lần lượt bán được 2.940 xe và 2.660 xe, tương ứng 7,9% và 7,2% thị phần. Hai mẫu CR-V và City của Honda cùng Morning và Cerato vẫn giữ vững được "phong độ" với doanh số đạt trên dưới 1.000 xe.

Tính từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành ô tô Việt Nam đạt mức 301.233 xe, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2017.

SourceTinXe