Xe sang Hồng Kỳ - Niềm tự hào một thời của Trung Quốc
Hồng Kỳ từng là một niềm tự hào của các lãnh đạo Trung Quốc. Thế nhưng giờ đây, mẫu xe này đã có phần bị lấn áp bởi những đối thủ sang chảnh như BMW, Audi,…
Trong khi Cadillac One là những chiếc xe vinh dự được phục vụ cho các đời tổng thống Mỹ, thì Xe Sang Hồng Kỳ là niềm tự hào của những nhà lãnh đạo Trung Hoa.
Tuy vậy, chính việc doanh số sụt giảm cũng như các mẫu xe mới xuất hiện ngày càng nhiều đã đẩy Hồng Kỳ trở thành biểu tượng một thời. Xe Hồng Kỳ hiện tại chỉ được sử dụng trong các lễ duyệt binh của Trung Quốc.
Tờ Nhân dân nhật báo cho biết, trong 4 năm từ 2013 – 2016, chính phủ Trung Quốc đã chi đến 1,6 tỷ USD để đầu tư vào Hồng Kỳ. Bất chấp những cứu vãn của quan chức, Hồng Kỳ vẫn bị thụt lùi so với những đối thủ trong và ngoài nước.
Mẫu sedan cao cấp nhất của Hồng Kỳ là H7 chỉ đạt doanh số là 5.000 chiếc trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 mới đạt 1.000 chiếc. Đây là con số quá khiêm tốn của một dòng xe lâu đời nhất Trung Quốc như Hồng Kỳ.
Trong khi đó, BMW chỉ cần 3 ngày để bán hết 5.000 chiếc ở thị trường Trung Quốc và Audi xuất sắc hơn khi chỉ cần 2 ngày để đạt doanh số bán tương tự.
Quay lại với Hồng Kỳ, dù mỗi người dân Trung Quốc đều có thể hiểu rõ ý nghĩa của từng biểu tượng liên quan đến hãng xe, nhưng không phải ai cũng mặn mà với thương hiệu xe sang này. Ngược lại, Chính phủ và quân đội Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Hồng Kỳ.
Hồng Kỳ khởi đầu với chiếc xe có tên là Đông Phong, được chế tạo từ nguyên mẫu của chiếc Chrysler. Sau 3 tháng khi Xưởng chế tạo ô tô số 1 (FAW) được hoàn thành, tháng 8/1953, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông đã lái thử và dành những lời ngợi khen cho chiếc xe. Ông nói: “Cảm giác thật tuyệt vời trên chiếc xe nội địa đầu tiên của chúng ta.”
Tiếp sau Đông Phong, CA770 là thế hệ thứ hai của Hồng Kỳ đã được ra đời vào năm 1965. Thời điểm này đánh dấu cho cái tên Hồng Kỳ được ra đời khi lá cờ đỏ xuất hiện trên nắp capo, thay thế cho con rồng vàng của thời xe Đông Phong.
Thống kê trong 15 năm (1966 – 1981), CA770 chỉ sản xuất có 847 chiếc xe và tất cả đều được bán cho chính phủ Trung Quốc.
Trong lịch sử của Hồng Kỳ, hãng đã từng có ít nhất 3 lần bị đình chỉ sản xuất. Đáng chú ý là giai đoạn 1981 – 1983, lãnh đạo Trung Quốc là ông Đặng Tiểu Bình muốn sử dụng một dòng xe khác để duyệt binh quốc khánh năm 1984. Đến cuối cùng, ông này cũng phải chọn đi trên chiếc Hồng Kỳ CA770.
Năm 1969, Hồng Kỳ CA772 ra đời. Nó là phiên bản xe có kính chống đạn được sử dụng rộng rãi và thành công nhất của Hồng Kỳ. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân cũng từng sử dụng mẫu xe này trong cuộc duyệt binh quốc khánh Trung Quốc vào năm 1999.
Nếu như gấu trúc là một linh vật, một biểu tượng quốc gia thì Hồng Kỳ chính là món quà quý, thể hiện sức mạnh và lòng tự tôn dân tộc của người Trung Quốc đối với khách quý ngoại quốc. Chính vì vậy, Hồng Kỳ thường xuyên được sử dụng để đón tiếp và phục vụ quan khách quốc tế khi có công việc ngoại giao tại Trung Quốc. Cựu Tổng thống Pháp, Jacques Chirac từng được đưa đón bằng chiếc Hồng Kỳ CA772 khi đến thăm Trung Quốc.
Đến thế kỷ 21, Hồng Kỳ tung ra mẫu xe có hơi hướng dòng L với khởi đầu là mẫu L9. Và hiện tại, L5 là một trong những dòng xe sang Trung Quốc đắt nhất.
Theo đó, L5 có cảm hứng thiết kế từ CA770 thuộc thế kỷ trước. Chiều dài của L5 lớn hơn cả một chiếc Mercedes-Benz S600 với kích thước là 5,5m. Mẫu xe này cũng được chọn để phục vụ khách VIP trong sự kiện APEC năm 2014 tại Trung Quốc.
Không chỉ vậy, L5 còn từng chịu trách nhiệm chuyên chở cựu tổng thống Pháp Francois Hollande khi đến thăm Trung Quốc.
Phiên bản dân sự của L5 xuất hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu của tầng lớp giàu có mới ở Trung Quốc, những người nổi tiếng, yêu nước hay là những người muốn thể hiện đẳng cấp và quyền lực.
Trong khi đó, Hồng Kỳ H5 lại là một mẫu sedan thể hiện sự phá cách để tồn tại và cạnh tranh của thương hiệu. Tuy vậy, H5 bị xem là tương đồng với mẫu Mazda 6 của Nhật Bản.