Xe sử dụng động cơ truyền thống sẽ "chết" ở Trung Quốc?

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang có những biểu hiện mạnh mẽ để tiến đến ngừng hẳn việc kinh doanh và sản xuất xe sử dụng động cơ truyền thống.

Xe sử dụng động cơ truyền thống sẽ

Theo đó, Trung Quốc đang chuẩn bị công bố kế hoạch chấm dứt kinh doanh các dòng sử dụng động cơ  truyền thống như xăng, dầu diesel. Một quan chức chính phủ Trung Quốc vừa tiết lộ về việc Bộ Công nghiệp nước này đang đề xuất một lịch trình cho kế hoạch ngừng sản xuất và bán các loại xe động cơ truyền thống và đẩy nhanh phát triển xe điện.

Thông tin này không đi kèm với ngày tiến hành dự kiến. Song, những động thái mạnh mẽ từ chính phủ đối với các nhà sản xuất ô tô để phát triển sản xuất xe điện cho thấy tương lai của xe có động cơ truyền thống tại Trung Quốc khá mờ mịt.

Những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khi đây là thị trường xe ô tô lớn nhất thế giới.

Trong một diễn đàn ngành công nghiệp ô tô vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, ông Xin Guobin cho biết, Bộ đã và đang nghiên cứu xây dựng lịch trình ngừng sản xuất và kinh doanh các loại xe động cơ truyền thống. Phát biểu của ông Xin Guobin đã được đăng tải chính thức trên Tân Hoa Xã và tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 07/2017, Pháp và Anh đã tuyên bố sẽ ngừng bán xe chạy bằng xăng và diesel vào năm 2040 nhằm giảm ô nhiễm và lượng khí thải carbon.

Cùng với các chính sách ngừng sản xuất xe có động cơ truyền thống, nhà chức trách Trung Quốc cũng sẽ thực hiện việc hạn chế nhập khẩu dầu. Trung Quốc kỳ vọng sẽ đưa ngành công nghiệp xe điện của mình dẫn đầu thế giới.

Thống kê mới nhất cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xe điện lớn nhất năm 2016. Theo đó, doanh số xe điện, xe chạy bằng xăng và điện đã tăng 50% trong năm 2015 lên 336.000 xe, đạt khoảng 40% nhu cầu toàn cầu. Trong khi doanh thu của Mỹ chỉ đạt 159.620 xe.

Xe sử dụng động cơ truyền thống sẽ

Mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết của chính sách xe điện, nhưng những báo cáo trích dẫn lời ông Xin Guobin đều nói rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch nâng các loại xe năng lượng lên một tầm chiến lược mới.

Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu phát triển xe điện cũng như ưu đãi cho người mu axe. Thế nhưng, việc chính quyền thủ đô đang triển khai hệ thống cấp hạn ngạch sẽ làm cho các nhà sản xuất ô tô phải gánh một mức tài chính cao.

Hạn ngạch đề xuất, các xe điện và xe hybrid sẽ chiếm 8% sản lượng của các nhà sản xuất xe hơi trong năm 2018, 10% năm 2019 và 12% vào năm 2020. Theo đó, những hãng không đạt được mục tiêu trên có thể mua room từ các đối thủ cạnh tranh có sản lượng xe điện vượt quá chỉ tiêu.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn yêu cầu các công ty sản xuất điện thuộc nhà nước phải tăng tốc độ lắp đặt các trạm sạc để trang bị cơ sở vật chất cũng như tăng hấp dẫn cho thị trường xe điện.

Hiện tại, BYD Auto của Trung Quốc đang là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới theo số lượng xe bán ra. Sản phẩm của hãng xuất hiện tại Mỹ, Châu Âu, Mỹ La-tinh cũng như thị trường nội địa Trung Quốc.

Với những thay đổi trong chính sách phát triển của ngành ô tô, Volvo Cars thuộc Tập đoàn Geely Holding Trung Quốc cũng đã triển khai kế hoạch sản xuất xe điện và sẽ xuất hiện trên thị trường trên toàn cầu vào năm 2019.

General Motors Co., Volkswagen AG và Nissan Motor Co. và một số hãng khác cũng đã thông báo chuẩn bị sản xuất xe điện hoặc liên doanh với các đối tác Trung Quốc để phát triển và sản xuất xe điện tại Trung Quốc.

SourceTinXe