Đề án đấu giá biển số xe đẹp sắp được phê duyệt
Căn cứ theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ Công an đã trình lên cho Thủ tướng Đề án thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Thông tin về việc đấu giá biển số trên được Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, do Phó Thủ tướng thường trực chính Chủ, ông Trương Hòa Bình - Chủ tịch ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì sáng 5/7.
Biển số xe đẹp nhiều khả năng trong thời gian tới sẽ được công khai đấu giá trực tuyến
Theo Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT-Bộ Công an) thì đề án đã phân rõ biển số đẹp chia làm 5 nhóm: Nhóm thứ nhất là biển số gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba là gồm 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư là số sau lớn hơn số trước. Nhóm thứ năm là các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.
Thực chất việc đấu giá biển số xe đã được cục CSGT đề xuất từ năm 1993 và một số địa phương đã áp dụng hình thức này, đơn cử như: Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An... Tuy nhiên, sau đó việc đấu giá biển số đã vấp phải sự phản đối của dư luận xã hội và phần nào đó là thiếu cơ sở pháp lý nên đã bị dừng lại vô thời hạn.
Theo Đại tá Lê Xuân Đức thì công đoạn đấu giá biển số xe phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ; quản lý, sử dụng tài sản công và đấu giá tài sản cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an về công tác đăng ký và quản lý xe.
Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông
Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến, góp phần tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia. Người dân phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ khi tham gia đấu giá. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Dựa trên báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã có trên 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy. Tổng số tiền xử phạt nộp vào kho bạc nhà nước là trên 1.200 tỷ Đồng. Ngoài ra, thanh tra Bộ GTVT và các đơn vị, địa phương đã thực hiện gần 36.000 cuộc thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm với tổng số tiền lên đến hơn 91,7 tỷ Đồng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các trạm kiểm tra tải trong xe trên cả nước đã tiến hành kiểm tra 92.425 xe, xử lý 8.909 xe vi phạm, tước 2.566 giấy phép lái xe, xử phạt trên 97,3 tỷ đồng.
Về tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông (giảm 6,19% số vụ so với cùng kỳ năm trước), làm chết 4.103 người (giảm 0,75%), bị thương 7.027 người (giảm 11,44%).
Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt, gây bức xúc trong dư luận. Dù hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt do các nguyên nhân khách quan (người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định tại đường ngang), nhưng cũng có một số vụ do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân trong ngành đường sắt.