Khách hàng trung thành với xe SUV hơn ô tô du lịch
Tỷ lệ khách hàng trung thành của SUV trong năm 2017 tại thị trường Mỹ là 75% trong khi con số tương ứng của ô tô du lịch chỉ là 57%, thấp hơn cả xe bán tải.
Cách đây không lâu, trang Edmunds đã tung ra kết quả khảo sát về độ trung thành của khách hàng với các dòng xe và nhãn hiệu ô tô. Như đã đưa tin, Toyota, Subaru và Honda là 3 nhãn hiệu phổ thông có tỷ lệ Khách Hàng Trung Thành cao nhất năm 2018. Trong khi đó, trong phân khúc xe sang, 3 vị trí này thuộc về Lexus, Audi và Land Rover.
Theo Edmunds, sự trung thành của khách hàng đối với Xe Du Lịch và SUV đã thay đổi đáng kể trong một thập kỷ qua. Ngay trước giai đoạn suy thoái của nền kinh tế, SUV đã có một lượng khách hàng trung thành đáng kể. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái năm 2008 khiến giá xăng dầu leo thang, nhiều khách hàng đã quay lưng với những chiếc SUV vốn nổi tiếng là "uống xăng như nước". Điều này cũng khiến tỷ lệ khách hàng trung thành với xe du lịch tăng cao kỷ lục. Chương trình đổi xe Cash for Clunkers tại Mỹ càng đẩy nhanh xu hướng này khi khách hàng quyết định chia tay với SUV để chuyển sang xe du lịch tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Thậm chí, chính phủ Mỹ còn ban hành những quy định về lượng tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe (CAFE) trong nỗ lực ngăn những chiếc SUV cỡ lớn và "ngốn" nhiều xăng, dầu ra đường. Đứng trước áp lực từ phía chính phủ, các hãng ô tô đã phải đầu tư phát triển những chiếc xe thân thiện với môi trường hơn.
Khi nền kinh tế dần dần phục hồi, các hãng ô tô tiếp tục tung ra những mẫu Xe Bán Tải và SUV cỡ nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Chúng là sản phẩm hoàn hảo và rất đúng thời điểm khiến tỷ lệ khách hàng trung thành với xe du lịch sụt giảm. Edmunds dự đoán đến cuối năm nay, tỷ lệ khách hàng trung thành với xe du lịch còn giảm "thê thảm" hơn nữa, bằng với SUV trong thời kỳ áp dụng chương trình Cash for Clunkers.
Tỷ lệ khách hàng trung thành với các phân khúc xe, so sánh thời điểm năm 2008 và 2017
SUV là phân khúc có tỷ lệ khách hàng trung thành cao nhất
Trước đây, khách hàng mua xe bán tải tại Mỹ là những người trung thành với phân khúc mình lựa chọn nhất. Tuy nhiên, số lượng những chiếc SUV có mặt trên thị trường ngày càng nhiều khiến phân khúc này dẫn đầu về tỷ lệ khách hàng trung thành.
Trong năm 2017, có đến 75% những người mua SUV tại Mỹ không chuyển sang phân khúc khác khi mua ô tô mới. Thay vào đó, họ vẫn tiếp tục "bám dính" lấy phân khúc SUV. Tỷ lệ của phân khúc xe bán tải là 74% trong khi con số tương ứng của phân khúc xe du lịch là 57%. Trên thực tế, sự mở rộng của phân khúc SUV với mọi kích cỡ đã đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng đồng thời lôi kéo người mua từ bỏ ô tô du lịch và xe bán tải.
Tỷ lệ khách hàng trung thành của xe bán tải vẫn giữ ở mức cao nhưng đã bị hạ thấp trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân một phần là do số lượng mẫu xe bán tải trên thị trường không nhiều bằng SUV, dẫn đến ít lựa chọn hơn cho khách hàng.
Phân khúc xe du lịch rơi vào khủng hoảng
Trong năm 2017, xe du lịch chỉ chiếm 36% trong tổng lượng ô tô mới bán ra tại thị trường Mỹ. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay đối với phân khúc xe du lịch và giảm đáng kể so với 5 năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc trong 3 năm qua, đã có hàng triệu khách hàng đổi ô tô du lịch sang xe bán tải hoặc SUV. Bán chậm và lợi nhuận biên thấp đã khiến nhiều hãng ô tô lớn đánh giá lại phân khúc xe du lịch hoặc thậm chí từ bỏ hoàn toàn như Ford và Mitsubishi.
Dù con số trên là tín hiệu cho sự khủng hoảng của phân khúc xe du lịch nhưng không có nghĩa là phân khúc ô tô này sẽ biến mất hoàn toàn. Sự chuyển biến trong thị hiếu mua xe của người tiêu dùng buộc các hãng ô tô thay đổi chiến lược tung xe du lịch ra thị trường và cải thiện thiết kế sản phẩm để đánh vào cảm xúc của khách hàng hơn là định vị chúng như những cỗ máy thực dụng, tiết kiệm chi phí.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dường như áp dụng chiến lược này tốt nhất khi có đến 50% xe du lịch bán ra tại Mỹ năm 2017 đều đến từ những nhãn hiệu của xứ sở mặt trời mọc. Các công ty như Toyota và Honda đã gây dựng thành công bằng cách sản xuất những chiếc ô tô du lịch đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, họ cũng lôi kéo khách hàng trở lại với mình bằng cách bổ sung thêm cảm xúc vào sản phẩm.
Tỷ lệ khách hàng trung thành với xe Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ
Ví dụ điển hình nhất cho những mẫu xe du lịch Nhật Bản có nhiều khách hàng trung thành là Toyota Camry và Honda Accord thế hệ mới. Từ lâu nay, cả hai mẫu xe này đều được coi là mang tiêu chuẩn vàng của dòng ô tô du lịch đồng thời giúp Toyota và Honda giữ chân nhiều khách hàng hơn.
Toyota Camry 2018 (trái) và Honda Accord 2018
Trong năm 2017, có đến 83% những người từng mua xe Nhật Bản tiếp tục chọn chúng khi mua ô tô mới. Con số tương ứng của những chiếc xe Mỹ chỉ là 53%.
Theo Edmunds, những kết quả kể trên được đúc kết từ nghiên cứu bao gồm dữ liệu mua bán xe hơn 13,9 triệu xe từ năm 2007 - 2017. Edmunds cho rằng sự trung thành của khách hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các hãng ô tô trong việc duy trì doanh số bán hàng và thị phần đồng thời vẽ ra viễn cảnh tương lai.