Xe hybrid sắp biến mất tại Việt Nam

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Tốc độ tăng trưởng của dòng xe điện, xe hybrid hiện tại khá thấp so với giai  đoạn đầu xuất hiện tại Việt Nam. Nguy cơ dòng xe hybrid, xe điện tuyệt chủng ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân của sự việc này một phần đến từ chính sách thuế của chính phủ.

Xe hybrid sắp biến mất tại Việt Nam

sắp biến mất tại Việt Nam

Xe không khí thải ZEV (Zero Emission Vehicle) là dòng xe không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang được nhiều nước hướng đến. Ưu điểm của dòng xe này chính là giảm ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất. Để dòng sản phẩm này phổ biến rộng rãi, các quốc gia tiên tiến đều phải trải qua vùng chuyển tiếp là các dòng xe lai như xe hybrid. Cùng với đó, các hãng xe như Toyota, Nissan hay những thương hiệu xe sang đều sử dụng xe hybrid làm bước đà cho quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và ra mắt sản phẩm ZEV thực thụ.

Tại thị trường Việt Nam, dòng xe hybrid đã xuất hiện từ năm 2010 với những ghi nhận tích cực về sự tăng trưởng. Năm 2010, lượng xe hybrid nhập về đạt 289 chiếc và đến năm 2011 đã đạt con số 347 chiếc. Tuy vậy, mức độ tăng trưởng của xe hybrid không còn giữ vững trong những năm gần đây. Trong khi, ô tô truyền thống (động cơ xăng, dầu) liên tục tăng trưởng thì dòng xe hybrid lại giảm mạnh. Năm 2015, số lượng nhập chỉ còn 131 chiếc, năm 2016 là 84. Và trong 3 tháng đầu năm 2017, xe hybrid nhập khẩu được ghi nhận ở con số 5.

Từng là điểm sáng bởi sự khác biệt, xe hybrid hiện tại đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Theo đó, các nhà nhập khẩu chính hãng không còn mặn mà với xe hybrid, bởi giá thành cao so với ô tô truyền thống.

Giá thành của xe hybrid tại Việt Nam cao chủ yếu đến từ các khoản thuế. Ở các quốc gia tiên tiến, dòng xe lai như hybrid luôn được hưởng ưu đãi thuế do ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu và mức phát thải thấp hơn so với ô tô truyền thống. Ngược lại tại Việt Nam, Bộ Tài chính xác định chỉ xe sử dụng năng lượng điện, kết hợp với xăng và có hệ thống nạp điện ở ngoài (cơ cấu plug-in hybrid) mới nhận được ưu đãi thuế. Theo đó, xe xanh hay xe plug-in hybrid có mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thấp hơn 20% so với xe thông thường. Còn dòng xe hybrid với hệ thống chuyển đổi năng lượng biến thiên (từ xăng sang điện) không được thừa nhận là xe xanh.

Chia sẻ về cách tính thuế như trên, một chuyên gia lâu năm trong ngành ô tô nói: “Hybrid lấy điện từ ngoài hay chuyển đổi từ xăng thì cuối cùng vẫn là giảm lượng khí thải carbonic, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Cần lấy tiêu chí này làm căn cứ chứ không phải ở việc xác định tỷ lệ xăng-điện là bao nhiêu như luật thuế TTĐB hiện nay quy định”.

Xe hybrid sắp biến mất tại Việt Nam

Mục tiêu phủ rộng xe xanh ở những nước khác trong khu vực luôn cần sự hỗ trợ và ý chí lớn từ chính phủ. Trong đó, chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và cam kết Quốc tế giảm phát thải nhà kính tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu COP21. Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), chính phủ Thái Lan đã tìm hiểu thực tế về mức carbonic hiện tại bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải. Cùng với đó, chính phủ Thái Lan đã tiếp tục giảm thuế TTĐB với xe hybrid và xe điện. Ô tô có mức phát thải carbonic dưới 100g/km chịu thuế TTĐB là 5%, dưới 150g/km là 10% và dưới 200g/km là 12,5%. Mục đích giảm thuế chính là nhằm phát triển sản xuất xe hybrid và xe điện tại Thái Lan.

Theo cách hiểu của Bộ Tài Chính, xe plug-in hybrid là dòng xe đòi hỏi có sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng như trạm sạc pin với diện tích rộng. Tuy nhiên, địa điểm để triển khai trạm sạc pin ở các thành phố lớn khá nan giải do diện tích đất hạn chế và có giá thành cao. Đồng thời, mỗi trạm sạc pin cần được đầu tư về công nghệ hiện đại để giảm thời sạc pin và có nơi nghỉ ngơi cho chủ xe. Ngoài ra, phải kể đến làn đường riêng dành cho xe chạy điện như cách mà chính phủ Anh đã làm.

Ngược lại, ở vùng chuyển tiếp như xe hybrid, những yêu cầu đòi hỏi như trên không quá khắt khe để tồn tại và phát triển, ngoài ý chí và nỗ lực từ chính phủ, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng.

SourceTinXe