Giá bán ô tô năm 2018 tăng hay giảm?
Thuế nhập khẩu từ ASEAN về là 0% trong khi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), lệ phí trước bạ có thể ngược lại đã khiến người Việt hoang mang về giá bán ô tô năm 2018.
Doanh số ngành ô tô giai đoạn nửa đầu năm 2017 giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Các hãng cho biết nguyên nhân xuất phát từ tâm lý chờ đợi của khách hàng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của ngành. Khi năm 2018 càng đến gần, người dùng Việt càng băn khoăn hơn về giá bán ô tô giảm hay tăng sau những thay đổi về thuế và chính sách.
1.Thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%
Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) quy định, những xe có tỷ lệ nội đia hóa nội khối từ 40% trở lên sẽ có mức thuế nhập khẩu là 0%. Như vậy, đến năm 2018, Việt Nam có thể nhập ô tô từ các nước ASEAN với thuế 0%, giảm 30% so với mức thuế năm 2017. Đồng nghĩa với việc giá xe sẽ giảm đáng kể. Nếu tính theo công thức thuế chồng thuế, giá xe giảm khoảng 23% so với năm 2017.
Để được giảm giá, xe hơi phải đáp ứng 2 tiêu chí: sản xuất bởi một nước ASEAN và tỷ lệ nội địa hóa nội khối là 40%. Trường hợp xe nhập từ ASEAN nhưng có tỷ lệ nội địa thấp hơn 40% hoặc xe nhập từ một nước ngoài ASEAN sẽ không được hưởng mức thuế này.
Theo đó, thị trường Việt Nam hiện có rất ít các mẫu xe đáp ứng tiêu chí này. Song số lượng dự kiến sẽ tăng lên vào năm sau khi các hãng lần lượt đưa nhiều sản phẩm mới về nước.
2. Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới
Bộ Công Thương đã đề xuất miễn thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước của mỗi mẫu xe. Đề xuất này đã đẩy thị trường ô tô đến 2 thái cực: giá xe lắp ráp trong nước giảm, giá xe nhập khẩu tăng. Như vậy, hàm lượng nội địa càng cao, thuế nộp càng ít và giá xe càng giảm. Khi đó, khoảng cách giữa giá xe lắp ráp và nhập khẩu sẽ càng xa.
Tại triển lãm Vietnam Motor Show 2017, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đọc Ford Việt Nam cho biết, đề xuất này khó thực hiện do vi phạm cam kết của Việt Nam với WTO và các Hiệp định thương mại tự do. Việc đánh thuế TTĐB khác nhau giữa 2 loại xe này sẽ vi phạm quy tắc “Không phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu và trong nước”.
Ông Dũng cùng VAMA đều cho rằng Chính phủ nên giảm thuế linh kiện và hỗ trợ các nhà đầu tư sản xuất trong giai đoạn hội nhập nhằm tạo sân chơi bình đẳng.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ vẫn áp dụng công cụ thuế TTĐB nhưng có điều chỉnh theo một hình thức khác để không vi phạm và theo chiều hướng hỗ trợ xe lắp ráp nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô sang khu vực.
3. Lệ phí trước bạ mới
Nghị định 140/2016 về phí trước bạ áp dụng từ 1/1/2017 quy định, từ năm 2018, các địa phương có thể tăng mức phí trước bạ từ 10 – 12% lên mức 15%. Mặc dù, việc tăng phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá xe nhưng làm tăng chi phí tổng mà khách hàng phải trả để có thể sở hữu xe. Xe nhập khẩu và lắp ráp đều chịu tác động như nhau.
Xe bán tải nằm trong diện được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu (5%), TTĐB (15-25%) và trước bạ (2%) cũng sẽ có khả năng tăng giá theo đề xuất xe bán tải sẽ tính thuế và phí như xe con của Bộ Công thương. Theo đó, xe bán tải sẽ bị nâng thuế nhập khẩu 30%, TTĐB 40-110% tùy động cơ và trước bạ 10%. Như vậy, giá xe bán tải có thể tăng gấp đôi so với hiện tại.
Tuy nhiên để sở hữu một chiếc xe hơi, ngoài phải trả thuế nhập khẩu, TTĐB, VAT, phí trước bạ, người dùng Việt còn có thể trả thêm nhiều chi phí khác từ đại lý như cấp biển số, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm,… Hoặc cũng có thể là loại chi phí mới hiện chưa có ở Việt Nam như phí chứng minh chỗ đỗ.
Từ bảng tổng hợp trên, giá xe tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào biên độ ảnh hưởng của từng loại thuế và phí.
Ví dụ xe lắp ráp có giá 500 triệu. Khi thuế TTĐB mới được thông qua, mức giảm thuế là 50 triệu, mức tăng trước bạ và các loại chi phí khác là 30 triệu thì giá xe sẽ giảm 20 triệu. Ngược lại, trước bạ và các loại chi phí khác tăng 60 triệu thì giá xe tăng 10 triệu.
Trước những thông tin thay đổi giá tăng hay giảm, các hãng liên doanh tại Việt Nam đều cho rằng mọi việc vẫn chưa chính thức và kết luận chính xác. Song, có thể thấy định hướng nhập khẩu rõ rang từ các hãng.
Cuối năm 2016, Honda Civic và Toyota Fortuner đều thay từ lắp ráp bằng nhập khẩu. Và tại Vietnam Motor Show 2017, các hãng đều đưa hàng loạt mẫu xe nhập khẩu ở các phân khúc về nước để chuẩn bị cho năm 2018 như Toyota Wigo, Avanza, Alphard; Honda Jazz, Suzuki Fit, Chevrolet Traiblazer...
Giám đốc của một hãng liên doanh lớn đã chia sẻ “Trước những biến động của chính sách, việc của các hãng trong 2018 có thể chỉ là tập trung ổn định giá như năm nay hơn là tính toán xem tăng hay giảm”.
Những thông tin chưa có xác nhận đã tạo ra tâm lý hoang mang cho khách hàng Việt Nam. Người dùng Việt vẫn chờ đợi vào mức giá ô tô phù hợp khi bước sang năm 2018.