Vấn đề nan giải khi xe hơi điện về Việt Nam

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Xe hơi điện đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và khả năng thay thế xe chạy xăng, dầu trong tương lai là rất cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lên kế hoạch mở rộng thị trường cho xe hơi điện, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam hiện nay chưa thể đáp ứng và hệ thống trạm điện chưa có.

Vấn đề nan giải khi xe hơi điện về Việt Nam

Thúc đẩy đầu tư xe hơi điện

Siêu xe điện Tesla Model X với giá 12 tỷ vừa được nhập về Việt Nam có thể di chuyển quãng đường 295 dặm, tức hơn 400 km và cần khoảng 8 tiếng để sạc đầy pin.

Để xe hơi điện hoạt động trên những đoạn đường dài đòi hỏi phải có hệ thống các điểm sạc pin với mật độ xuất hiện tương đường các trạm xăng. Các trạm điện phải có không gian rộng, cho phép xe dừng sạc pin và có các dịch vụ giải trí cho các chủ xe ngồi chờ. Đặc biệt, các điểm sạc pin không được phép mất điện.

Xét về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, còn quá khó khăn cho việc xe hơi điện hoạt động bình thường. Những chiếc xe hơi điện hiện có tại Việt Nam cũng chỉ chạy trong phạm vi hẹp, với khoảng cách khoảng hơn 100 km trở lại.

Song, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam. Ngày 15/03, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao đổi cùng ông Alfred J.DiMora, Giám đốc điều hành Dimora Enteroprises về việc chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô điện, bước đầu cung cấp taxi chạy điện cho Tập đoàn Mai Linh.

Vấn đề nan giải khi xe hơi điện về Việt Nam

Trong khi đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thanh Hóa 2017 đã chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, tổng đầu tư dự án sẽ khoảng 500 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ được xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn với mục tiêu ban đầu khoảng 10.000 xe/năm, sau đó sẽ tăng lên 50.000/năm, chủ yếu là dòng xe hơi điện 5-7 chỗ.

Mitsubishi Motor (Nhật Bản) đã bày tỏ ý định đầu tư làm xe hơi điện tại Việt Nam tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông Osamu Masuko, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn cho rằng xe hơi điện phù hợp với thị trường Việt Nam nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, công ty IMG Innovations thuộc Tập đoàn IMG (Mỹ) cũng có ý định triển khai dự án phát triển xe hơi điện Tesla ở Việt Nam.

Hạ tầng không đáp ứng được tham vọng

Tháng 4/2016, tập đoàn Mai Linh đã ký hợp đồng mua 100 chiếc xe hơi điện của hãng Renault (Pháp) để kinh doanh taxi. Được biết, những mẫu xe này có công suất 95 mã lực và đạt vận tốc tối đa 135 km/h, chạy được 200 km trong một lần sau. Mai Linh dự kiến sẽ thay thế khoảng 10.000 – 20.000 xe hơi điện trong 5 năm tới.

Vấn đề nan giải khi xe hơi điện về Việt Nam

Tuy vậy, các tài xế taxi đều không đồng tình với kế hoạch này do hiệu quả kinh doanh thấp cùng những vấn đề liên quan đến hạ tầng, trạm sạc điện, thời gian sạc pin lâu,… Do đó, đến nay vẫn chưa có chiếc xe hơi điện nào được sử dung để kinh doanh taxi.

Các doanh nghiệp tư nhân đều cho rằng để phát triển thị trường xe điện, nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng. Theo đó, chi phí xây dựng một trạm sạc pin còn lớn hơn một trạm xăng, dầu. Diện tích của trạm sạc pin phải rộng cũng như phải có các công nghệ hiện đại nhằm giảm thời gian sạc.

Khoản đầu tư cho hạ tầng và trạm sạc pin khá tốn kém. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư, tương tư như kinh doanh xăng, dầu hiện nay.

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng Chính phủ cần có chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để họ đầu tư hạ tầng và phát triển xe hơi điện tại Việt Nam, một xu hướng tất yếu của tương lai.

SourceTinXe