Qui định nhập khẩu ô tô - Kẻ nói xuôi, người nói ngược

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Chỉ còn vài ngày nữa đến thời điểm các DN nhập khẩu ô tô phải thực hiện các quy định mới theo NĐ 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) và hiện có những ý kiến cho rằng, hoạt động NK ô tô đang bị ngừng trệ do gặp khó. Tuy nhiên có một điểm lạ là khá nhiều DN NK ô tô khi được phóng viên hỏi đến đều từ chối không công khai trả lời về vấn đề này. Không những thế, thông qua văn bản gửi lên Chính phủ ý kiến của các DN cũng khá trái chiều.

Qui định nhập khẩu ô tô - Kẻ nói xuôi, người nói ngược

Khó và tốn kém

Văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề cập đến một số điểm được cho là “khó” cho các DN NK ô tô nguyên chiếc

Theo VAMA, quy định DN NK ô tô phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hiện đang làm khó nhiều DN. Bởi Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô NK không tồn tại ở nhiều quốc gia; nhiều DN không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ô tô NK vào Việt Nam bởi xe XK đáp ứng yêu cầu của khách hàng và tiêu chuẩn cụ thể của từng quốc gia NK.

Cũng tương tự như vậy, đại diện VAMA cho rằng: Quy định DN phải cung cấp cho cơ quan tài liệu về điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất là không phù hợp.

Một nội dung nữa cũng được VAMA “kêu” khó đó là yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, VAMA cho rằng quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà "chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí" của DN bởi việc thử nghiệm mỗi mẫu xe có thể kéo dài đến 2 tháng và chi phí lên tới hơn 10.000 USD.

Nội dung kiến nghị này, mới đây, thêm một lần nữa lại được đưa ra tại Báo cáo diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2017 thông qua Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Việt Nam và được VAMA lần nữa nhấn mạnh trong văn bản đóng góp ý kiến xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành NĐ 116 gửi bộ Giao thông vận tải.

Không khó và cần thiết

Nhưng một tiếng nói khác, mạnh mẽ và có trọng lượng không kém, đến từ Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) lại cho rằng các quy định tại NĐ 116 phù hợp và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Gửi văn bản lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, đại diện cho Thaco, ông Nguyễn Hùng Minh khẳng định Thaco hoàn toàn đồng thuận với các quy định được nêu trong NĐ 116. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Thaco cho biết: Thaco là DN vừa sản xuất trong nước, vừa NK nguyên chiếc, sản phẩm nguyên chiếc của Thaco cũng đến từ nhà sản xuất Nhật Bản, và hiện Thaco không gặp khó khăn gì trong việc chấp hành các quy định tại NĐ 116.

Cụ thể hơn, đại diện DN này cho rằng: Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK là cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm, là cơ sở quan trọng để hạn chế ô tô kém chất lượng NK vào Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng.

Quy định này cũng tạo bình đẳng với sản xuất trong nước, vì hiện mỗi kiểu loại xe lắp ráp trong nước phải thực hiện các bước: Thiết kế, thử nghiệm mẫu, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng linh kiện, thử nghiệm khí thải, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng xuất xưởng và cấp giấy chứng nhận kiểu loại.

Về quy định kiểm tra khí thải một mẫu cho từng lô NK, đại diện Thaco cho rằng: Hiện nay, mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng, nhưng mỗi chiếc xe xuất xưởng trong nước vẫn phải kiểm tra sự phù hợp các linh kiện so với sản phẩm mẫu. Nếu không đảm bảo, chiếc xe đó không được cấp phiếu xuất xưởng. Trong khi đó xe NK, một mặt không cần phải thử nghiệm, chứng nhận về linh kiện nghiêm ngặt, mặt khác nếu chỉ kiểm định khí thải một chiếc (thay vì theo từng lô như quy định tại NĐ 116) thì khó có thể kiểm soát được chất lượng linh kiện trên xe lô tiếp theo với lô đầu tiên. Do đó DN này cho rằng, quy định kiểm tra theo từng lô xe NK là cần thiết.

Như đã nói, xung quanh việc thực hiện NĐ 116 đang có những ý kiến trái chiều. Văn bản của VAMA, được cho là đại diện cho các thành viên trong Hiệp hội, tuy nhiên thực tế, văn bản này chưa có sự đồng thuận cao trong các thành viên. Đơn cử là Thaco, với tư cách thành viên, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch VAMA, tuy nhiên trao đổi với phóng viên, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, Thaco không hề được VAMA hỏi đến cũng như được nêu ý kiến đóng góp trước khi VAMA gửi văn bản cho Chính phủ, trong khi Thaco là DN sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam với 7 thương hiệu, trong đó có 3 thương hiệu đến từ Nhật Bản, 3 thương hiệu đến từ châu Âu. Hơn thế nữa Thaco sản xuất và NK đầy đủ các phân khúc, chủng loại ô tô tại Việt Nam, từ xe bus, xe tải đến xe du lịch, từ xe phân khúc thấp đến phân khúc hạng sang, Thaco cũng là DN vừa sản xuất, vừa NK nguyên chiếc sản phẩm. Chính vì vậy, có thể nói ý kiến đóng góp của Thaco có sự bao quát và toàn diện.

Một số DN NK ô tô hạng sang khác, không phải thành viên của VAMA khi được hỏi đến cũng cho rằng NĐ 116 là cần thiết và phù hợp. Về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô NK, các DN NK xe hạng sang đều trả lời là có thể đáp ứng được. Một DN (không đồng ý nêu tên) cho biết: Chỉ có các DN NK ô tô trong khu vực ASEAN (để hưởng thuế NK 0%) mới đang gặp khó khăn về loại giấy tờ này, các DN NK từ các nước khác, về cơ bản đều có thể “lo” được. Điều các DN này lo lắng là thời gian 1 tháng không kịp để DN chuẩn bị đáp ứng hồ sơ, giấy tờ.

Qui định nhập khẩu ô tô - Kẻ nói xuôi, người nói ngược

Thực tế ra sao?

Để tìm hiểu thực tế, phóng viên báo Hải quan đã cố gắng tìm cách liên lạc và đề nghị được làm việc với đại diện với một số DN là thành viên của VAMA để lắng nghe ý kiến trực tiếp từ các DN. Tuy nhiên điểm đáng ngạc nhiên là các hãng đều từ chối công khai có ý kiến.

Thực tế cho thấy, các ý kiến trái chiều có thể được cho là xuất phát từ quyền lợi thực tế của mỗi DN, tuy nhiên một chính sách của nhà nước, sẽ xuất phát từ nhiều góc độ, nhằm đảm bảo hài hòa nhiều lợi ích.

NĐ 116 được Chính phủ ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường, hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Nghị định này cũng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời cũng nhằm khuyến khích các DN đầu tư dài hạn.

Tìm hiểu cụ thể hơn chúng tôi được biết, một số DN do có sự chuẩn bị từ trước, nên việc đáp ứng các quy định tại NĐ 116 không gặp khó khăn gì lớn, hiện các DN đều chờ Thông tư hướng dẫn để thực hiện. Nhiều DN cũng đang hoàn tất hồ sơ để nộp lên Bộ Công Thương làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô theo quy định mới tại NĐ 116.

Đơn cử như Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV), TMV đã nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh NK ô tô cho các loại ô tô như: Ô tô con thương hiệu Lexus, ô tô khách, ô tô tải. Công ty này khẳng định thỏa mãn và thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ ban hành. Xin được nói thêm TMV là liên doanh sản xuất ô tô lớn nhất hiện nay, đây cũng là thành viên của VAMA, Tổng Giám đốc TMV hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch VAMA.

Tuy nhiên theo chúng tôi được biết, hiện 1 số mẫu xe du lịch nguyên chiếc của  DN này NK từ Thái Lan, do chưa kịp chuẩn bị các giấy tờ theo quy định nên nhiều khả năng không kịp NK theo đúng cam kết với khách hàng. Việc không mang xe về kịp thời điểm tháng 1/2018 cũng sẽ xảy ra đối với một vài mẫu xe NK nguyên chiếc từ các nước trong khu vực của các hãng như Honda, Ford, GM, Nissan…

Lùi thời gian?

Trao đổi thêm ngoài lề, đại diện một số hãng đều mong muốn Chính phủ cho lùi lại thời gian thực hiện để DN kịp chuẩn bị. Mới đây, VAMA cũng vừa có văn bản (kiến nghị lần thứ 4) gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị hoãn thực hiện quy định về việc NK ô tô theo NĐ 116.  Ngoài những kiến nghị liên quan đến giấy tờ, văn bản này VAMA mong muốn Chính phủ tạm hoãn việc thi hành các quy định đối với việc NK xe ô tô tại Nghị định 116 trong ít nhất 6 tháng (so với hiệu lực thực hiện là 1/1/2018).

Theo VAMA, quá trình từ khi đặt hàng, sản xuất, vận chuyển xe ô tô từ nước xuất khẩu đến Việt Nam sẽ mất một thời gian dài. Ngoài ra, DN NK xe ô tô cũng cần thêm thời gian để xin giấy phép NK xe ô tô theo yêu cầu của NĐ116.

Kiến nghị này của VAMA khiến dư luận không khỏi nhớ tới việc thực hiện Thông tư 20/2011/TT/BCT quy định về điều kiện NK ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Đáp ứng yêu cầu của DN, Thông tư này đã có tới 3-4 lần lùi, gia hạn cho các lô hàng đã ký hợp đồng, nhưng chưa kịp NK vào thời điểm Thông tư có hiệu lực. Việc lùi này lằng nhằng kéo dài tới vài năm kéo theo nhiều hệ lụy cũng như khó khăn cho công tác quản lý.

Trở lại với NĐ 116, NĐ này có một thời gian khá dài để lấy ý kiến đóng góp của các DN, theo trình tự NĐ lẽ ra sẽ được ký và ban hành từ 7/2017, tuy nhiên đến 17/10/2017 NĐ mới ký ban hành (có hiệu lực ngay). Riêng các quy định về NK được thực hiện từ 1/1/2018.

Ý kiến nhiều DN cho rằng hơn 1 tháng không đủ thời gian cho các DN chuẩn bị, hơn nữa hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ vẫn chưa được ban hành. Song thực tế, đã có những DN chủ động chuẩn bị nên đến thời điểm thực hiện hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Vấn đề đặt ra là giờ nếu Chính phủ cho lùi, thì liệu có xảy ra như tình trạng “mãi giải quyết không xong” như thực hiện TT 20 hay không, thời gian lùi nên là bao lâu và áp dụng cụ thể với những lô hàng nào?

Nguyễn Hà

SourceTinXe