Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một "người khổng lồ" mới trong làng ô tô?
"Người khổng lồ" mới trong làng ô tô thế giới này rất có thể được kết hợp từ 3 hãng xe Trung Quốc là FAW, Changan và Dongfeng.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang buộc phải tiến hành củng cố lại của những ngành công nghiệp trực thuộc nhà nước như sản xuất thép, thiết bị đường sắt và cả khai thác than. Mục đích chính là để ép những công ty làm ăn kém hiệu quả này giảm bớt chi phí, phát triển sản phẩm mới và mang tới luận nhuận tốt hơn. Giờ đây, họ đang nhắm sang ngành công nghiệp sản xuất ô tô.
Hồi đầu tháng 12, ba công ty ô tô quốc doanh của Trung Quốc đã thông báo kế hoạch chia sẻ công nghệ, khung gầm, nền tảng và mua bán với nhau. Tât cả vì một mục tiêu chung, đó là tạo ra một "người khổng lồ" mới trong ngành ô tô toàn cầu. Cụ thể hơn là vào ngày 1/12 vừa qua, ba công ty gồm China FAW Group, Dongfeng Motor và Chongqing Changan Automobile đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Thỏa thuận này đã mở đường cho hàng loạt hoạt động chung trên quy mô rộng.
Đầu tiên, ba công ty sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển để xây dựng công nghệ cho xe điện, hệ thống kết nối và vật liệu nhẹ. Tiếp theo đó, họ sẽ phát triển các cơ sở gầm bệ, phối hợp mua bán và chia sẻ sản phẩm.
Đại diện của ba hãng China FAW Group, Dongfeng Motor và Chongqing Changan Automobile tại cuộc họp chiến lược hợp tác hồi đầu tháng 12 ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Các công ty này cũng sẽ phối hợp giám sát chuyện sản xuất, phân phối và và hợp tác với những đối tác nước ngoài. Họ sẽ cùng nhau đưa ra một loạt những dịch vụ như cho khách hàng vay tiền mua ô tô và chia sẻ xe.
Nếu nhìn vào tất cả những điều trên, ta có thể dự đoán là FAW, Changan và Dongfeng đang đàm phán cho một cuộc sáp nhập lớp. Thực tế, đúng là cả ba công ty này đều đang cử những lãnh đạo hàng đầu tới cuộc họp thương thảo thỏa thuận. Tuy nhiên, không ai trong số họ sử dụng từ “sáp nhập” trong những bài diễn thuyết của mình cả, và ngay đến thông báo hợp tác chung của họ cũng không dùng tới từ này.
Tuy nhiên, có những lí do đầy thuyết phục để giới chuyên môn tin tưởng là chuyện sáp nhập là mục tiêu sau cùng. Thứ nhất, mối hợp tác sẽ bao phủ gần như toàn bộ các khía cạnh hoạt động của ba nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Thứ hai, chuyện sáp nhập có được ám chỉ - mặc dù không rõ ràng – trong thông báo chung của FAW, Dongfeng và Changan.
Trong tháng 10/2017, quốc hội Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp thuộc nhà nước đẩy nhanh nỗ lực tạo ra những “doanh nghiệp hàng đầu” trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo.
Cuộc họp ở Vũ Hán có thể coi là câu trả lời của ngành công nghiệp ô tô nước này. Thông báo chung có miêu tả mối hợp tác là một “khám phá mới” để thực hiện chính sách lâu dài, soạn thảo từ tháng 4 năm nay, của chính phủ nhằm củng cố sức mạnh của ngành ô tô Trung Quốc.Theo kế hoạch đó, chính phủ nước sở tại đã kêu gọi “một lượng lớn” các công ty nội địa gia nhập vào hàng ngũ top 10 nhà sản xuất ô tô trên thế giới.
A30 là một mẫu xe của Dongfeng đang gặp khó khăn trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài
Tất nhiên chuyện hợp nhất FAW, Dongfeng và Changan thành một cá thể duy nhất sẽ không hề dễ dàng. Mỗi công ty đang có nhiều sản phẩm “dẫm chân lên nhau” và hàng trăm nghìn nhân công. Tuy nhiên, cả ba công ty này đều hiểu được tính cấp bách của hành động sáp nhập vì họ không có sản phẩm mang tính cạnh tranh tốt, gặp khó khăn khi mở rộng thị trường ở nước ngoài, và có bước tiến quân chậm chạp vào phân khúc ô tô điện đang tăng trưởng rất nhanh ở Trung Quốc.
Dù sao, câu chuyện sáp nhập này rất đáng để theo dõi và xem diễn biến tương lai của nó ra sao. Hiện nay, FAW, Dongfeng và Changan, mỗi công ty đều có những liên doanh với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. FAW có quan hệ với Toyota, Volkswagen và Mazda ; Dongfeng là đồng minh của PSA Group, Honda, Nissan, Renault và Kia; còn Changan đang làm ăn với Ford, PSA Group, Mazda và Suzuki.
Những liên doanh với nước ngoài này đã đem lại doanh thu ổn định nên FAW, Changan và Dongfeng cảm thấy không gấp gáp trong chuyện thay đổi cách thức vận hành của mình. Tuy nhiên, những ngày tháng đó đã hết, Toyota, Volkswagen hay các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác sẽ dè chừng và theo dõi thật kỹ mối liên minh đang trỗi dậy từ Trung Quốc.
>>> Lo sợ "gián điệp", Trung Quốc hạn chế xe tự lái nước ngoài