Những chi tiết giả trên ô tô hiện đại và cuộc chiến giữa phe kỹ sư - nhà thiết kế
Để tăng vẻ đẹp thẩm mỹ, các nhà thiết kế bấy lâu nay đã không ngần ngại trang bị những chi tiết giả như ống xả hay hốc gió cho xe hơi dời mới.
Trong một công ty sản xuất cũng như bán xe ô tô, đa phần nhân viên có thể chia thành ba nhóm lớn, bao gồm kỹ sư, thiết kế và marketing. Về mặt lý thuyết, cả ba nhóm này đều làm việc chăm chỉ vì quyền lợi chung của công ty và cố gắng cho ra đời một mẫu xe mới. Do đó, tinh thần và tư duy làm việc nhóm là rất quan trọng hoặc ít nhất là họ muốn chúng ta - những khách hàng “thượng đế” - tin tưởng như thế.
Thực tế, công việc của một kỹ sư, một nhà thiết kế và cả gã chuyên chịu trách nhiệm đóng tem cho chi tiết kim loại lắp trên xe trong dây chuyền sản xuất có tồn tại một sự khác biệt lớn. Do vậy, chuyện không đồng nhất giữa bộ phận thiết kế và kỹ thuật vẫn diễn ra ở một nhà máy sản xuất ô tô. Qua đó, người ta bắt đầu nhận ra một xu hướng ngày một gia tăng của những chi tiết "thiết kế giả" ở các mẫu xe hiện đại. Có thể kể ra một vài ví dụ như phần đầu ống xả không nối với ống xả thật, hốc gió không hề có một mục đích kỹ thuật nào cả hay bộ khuếch tán không được thiết kế trong hầm gió.
Có thể kể đến một số mẫu xe như Audi SQ5 2017 hay những chiếc Mercedes-Benz máy dầu đều được giấu kín ống xả thật. Đằng sau xe chỉ xuất hiện những chi tiết giả ống xả hình chữ nhật. Ngay cả mẫu Kia Morning S 2018 mới ra mắt Việt Nam cũng như vậy. Khi nhìn thoáng qua, nhiều người tưởng mẫu xe này được trang bị 2 ống xả ở giữa cản sau. Tuy nhiên, hóa ra, ống xả thật của Kia Morning S 2018 được giấu kín ở phía bên phải.
Không ít mẫu xe hiện đại được trang bị chi tiết giả ống xả như thế này.
Kia Morning S 2018 tại Việt Nam với ống xả kép "giả cầy".
Điều tương tự cũng xảy ra với những bộ body kit thể thao, bao gồm bộ khuếch tán khí động học hay hốc gió giả cỡ lớn ở cản trước. Những chi tiết này thậm chí có thể làm giảm đáng kể hiệu quả khí động học của xe.
Rõ ràng, việc một nhà thiết kế xe hoàn toàn được tự do thể hiện theo ý mình đã trở thành một thứ “xa xỉ” ít thấy ở thời đại này và thậm chí đã kéo dài vài thập kỷ rồi. Vẽ nên một chiếc xe mới ở thời buổi này phải tính toán tới đủ thứ như quy định thử nghiệm va chạm, quy định người đi bộ, tính khí động học để tiết kiệm xăng, không gian nội thất, tầm nhìn… Người ta không thể thích gì là làm nấy trên một chiếc xe ngày nay, kể cả đối với những loại siêu xe như Lamborghini.
Nói là thế nhưng một số chuyên gia và người trong ngành cho rằng vẫn có đất để sáng tạo nên những tuyệt tác nghệ thuật cho lĩnh vực xe cộ máy móc, kể cả khi điều đó đang bị kìm kẹp bởi đủ thứ bên trên. Tôn trọng các quy định và hợp tác chặt chẽ với cánh kỹ sư thay vì chống đối lại họ chắc chắn sẽ dẫn đến việc cho ra đời những mẫu xe vừa đẹp lại vừa an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và hiệu quả hơn về mọi phương diện. Tuy nhiên, nếu viễn cảnh tốt đẹp này thường xuyên diễn ra thì ta đã chẳng có gì để phàn nàn cả. Thậm chí, cuộc chiến “ngầm” giữa phe kỹ sư và phe thiết kế hiện nay còn đang ngày một leo thang.
Một ví dụ ta có thể kể đến là mẫu xe concept của Chevrolet Volt 2007 có sự khác biệt rất rất lớn so với những gì sản phẩm thực được tung ra thị trường. Mẫu xe plug-in hybrid đầu tiên của General Motors đã được thiết kế bởi một đội ngũ không hề nắm được chút gì về máy móc và khí động học. Nếu như bỏ chút thời gian hỏi ý kiến của các đồng nghiệp ở mảng kỹ thuật, họ đã có thể đưa ra bản vẽ hiệu quả hơn. Trường hợp của Chevrolet Volt 2007 chắc chắn không phải là đầu tiên và cũng không phải là cuối cùng cho vấn đề gây đau đầu này.
Chevrolet Volt 2007 phiên bản concept...
... khác biệt đáng kể so với phiên bản thương mại.
Mẫu Audi TT 1995 của J Mays và Freeman Thomas là một trong những mẫu thiết kế xe có ảnh hưởng lớn nhất, tương tự Volkswagen Beetle và Porsche 911. Thế nhưng, có thể bạn không biết rằng phần đuôi xe đầy quyền rũ của Audi TT đời đầu không chỉ khiến xe kém ổn định ở tốc độ cao mà còn vô cùng nguy hiểm khi lái.
Hai nhà thiết kế đã mất hàng tháng trời để tranh cãi với các kỹ sư khí động học nhưng rồi cũng phải nhận thua cuộc, dẫn đến hậu quả là mẫu Audi TT đời đầu bị triệu hồi để nâng cấp hệ thống treo sau, bổ sung hệ thống kiểm soát ổn định tiêu chuẩn cũng như cánh gió đuôi khí động học có thiết kế kỳ quặc chỉ một vài tháng sau khi ra mắt. Có thể nói rằng, chuyện “mất tiếng nói chung” giữa kỹ sư và thiết kế sẽ cho ra kết quả là những mẫu xe vừa xấu lại vừa không hiệu quả.
Hầu hết mọi lúc, các nhà thiết kế ô tô không thực sự quan tâm rằng cái gì là khả quan và cái gì không. Họ chỉ quan tâm làm sao cho xe thật đẹp, thật độc đáo với những chi tiết hầm hố, bắt mắt người mua hàng mà thôi. Vì lẽ đó, người tiêu dùng có thể được tận mắt nhìn thấy phụ kiện có thiết kế hết sức “dị” nhưng lại không có nhiều công dụng thực tế hoặc đôi khi là chỉ để "làm màu" cho đẹp và làm giảm hiệu quả khí động học của xe.