Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Lâu nay, xe buýt, xe tải vẫn luôn bị gán ghép với cụm từ “hung thần xa lộ”. Thực chất, đằng sau những “hung thần xa lộ” này lại là tiếng còi xe. Không chỉ gây ồn ào, nó còn gián tiếp gây ra những vụ tai nạn thương tâm, khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ.

là một trang bị không thể thiếu trên mỗi chiếc xe hơi. Nó có công dụng giúp báo hiệu cho các phương tiện khác và cảnh báo cho chủ xe về tình huống trước mắt trong khi họ đang mất tập trung. Thế nhưng, việc sử dụng công cụ này như thế nào cho văn minh lại là một vấn đề khá phức tạp tại Việt Nam, nhất là các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội.

Nỗi ám ảnh mang tên còi xe

Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

Có rất nhiều kiểu tài xế sử dụng còi xe vô tội vạ, bóp còi ở bất cứ đâu, không kể thời gian. Có người lái xe cách phương tiện phía trước cả chục mét đã bóp còi inh ỏi hay có người đến sát cạnh người phía trước và bóp còi.

Âm thanh còi xe hỗn loạn nhất là ở thời điểm những giây cuối trước khi đèn đỏ chuyển xanh. Khi đèn đỏ còn đang đếm đến tận 5-7 giây, nhiều phương tiện phía sau đã bắt đầu bấm còi để nhóm xe trước mặt phải chuyển bánh. Hay những trường hợp gặp đèn vàng, chủ xe muốn vượt nhưng lại có phương tiện khác cẩn thận dừng ngay trước đầu xe. Thế là, họ lại bóp còi inh ỏi.

Trường hợp khó hiểu nhất là giữa dòng xe đông nghịt vào giờ cao điểm, những tiếng còi xe vẫn cứ phát ra. Di chuyển trong khung giờ này phải chấp nhận tình cảnh kẹt xe và nhích từng chút một để vượt qua. Ấy vậy mà vẫn có những tài xế hay chủ xe máy thỉnh thoảng lại bóp còi. Không rõ các tay lái tìm cách vượt lên như thế nào khi mà trước mặt không có một khoảng trống để vượt lên. Hay đơn giản, họ chỉ muốn bóp còi để bày tỏ sự sốt ruột?

Thử nghĩ xem, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, trên đường về nhà lại bị những tiếng còi xe inh ỏi “tra tấn”, bạn có cảm thấy phát điên hay không? Không chỉ gây khó chịu, bực bội cho người đi đường,  vấn đề sử dụng còi xe thiếu văn hóa còn gián tiếp gây ra những tai nạn thương tâm. Đặc biệt, âm thanh ghê rợn của tiếng còi xe tải, xe container từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Những tay lái cứng vẫn còn khá ổn, nhưng những người già hay phụ nữ lại dễ dàng bị mất tay lái và có thể té xe sau khi loạt tiếng còi này vang lên.

Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

Báo chí từng đưa tin về trường hợp của bà P.T.T (44 tuổi, ngụ xã An Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị tử vong chỉ vì giật mình bởi tiếng còi xe. Cụ thể vào năm 2015, bà T điều khiển xe gắn máy từ quốc lộ 51 rẽ sang quốc lộ 1 thì bị tiếng còi quá lớn phía sau làm giật mình, khiến bà té ngã. Cùng lúc đó, chiếc xe ben phía sau lao tới, cán qua người làm bà tử vong. Hay câu chuyện về 2 bé gái học lớp 4 ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đi học về bằng xe đạp thì hoảng hốt sau khi nghe tiếng còi ô tô quá lớn phía sau. Hai bé vội tại vào lề đường nhưng chẳng may bị lạc tay lái và ngã xuống ngay đầu xe.

Hay cảnh người mẹ trẻ ôm đứa con gái chỉ mới 2 tuổi khóc thét ngay lề đường ở quận Thủ Đức, TpHCM. Trước đó, người mẹ này đã bị giật mình bởi tiếng còi xin vượt của xe bồn và khiến chị lúng túng bóp chặt tay phanh. Cú phanh gấp đã làm hai mẹ con ngã xuống đường, người mẹ văng vào lề đường còn đứa bé thì bị văng vào bánh xe bồn và tử vong tại chỗ.

Du khách ngán ngẩm với còi xe

Không chỉ người dân hoảng sợ vì tiếng còi xe, âm thanh này còn khiến cho nhiều du khách người ngoài đến Việt Nam ngán ngẩm. Theo Sophie, một du khách từng đến Việt Nam vào năm 2013, hệ thống biển báo giao thông không phát huy hết tác dụng và mỗi tiếng còi lại mang một thông điệp riêng như “Tránh đường cho tôi!”, “Cẩn thận, đồ ngốc!”, “Sao anh đi chậm thế? Vừa lái xe vừa nhắn tin à?”

Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

Điều này dường như khá mới mẻ với Sophie khi người dân Việt Nam bóp còi để thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khi tham gia giao thông. Trong khi, văn hóa phương Tây thì còi xe chỉ được dùng để bày tỏ sự tức giân mù quáng, hung hăng hay nóng vội.

Sau khi kết thúc chuyến du lịch tại Việt Nam, Sophie cho rằng tiếng còi xe inh ỏi ở đường phố Việt Nam có thể khiến du khách phải đeo máy trợ thính khi rời khỏi đất nước này.

Chẳng nói đâu xa, ngay người dân ở nước làng giếng như Lào dường như cũng bị ám ảnh bởi tiếng ồn của còi xe Việt Nam. Thói quen ưng thì bóp còi đã lan rộng đến mức hễ nghe tiếng còi xe inh ỏi là hướng dẫn viên người Lào đã khẳng định chắc nịch “Người bóp còi là dân Việt Nam!”.

Nỗ lực loại bỏ tiếng ồn từ còi xe

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tiếng còi xe. Theo đó, Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định, nghiêm cấm một số hành vi như bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, bấm còi hơi, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Ngoài xử phạt hành chính, tài xế còn có thể bị xử lý hình sự. Theo đó, khi cơ quan điều tra xác định nguyên nhân bấm còi hơi làm lạc tay lái để xảy ra tai nạn đến mức nghiêm trong như chết người hoặc thương tích nặng, từ 31% trở lên thì sẽ bị ghép vào tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” tại điều 99 hay tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏa người khác do vi phạm quy tắc hành chính” tại điều 109 Bộ Luật Hình sự.

Còi xe – Kẻ nấp sau những hung thần xa lộ

Mới đây, lãnh đạo thành phố Huế đã phát đi cuộc vận động không còi xe. Theo đó, khi đặt chân đến Huế, du khách có thể nhìn thấy những tấm biểu trưng “Huế không tiếng còi xe” được dán trên những chiếc ô tô. Đây là một trong những nỗ lực mà lãnh đạo cũng như người dân thành phố Huế đang thực hiện nhằm hạn chế tiếng ồn và tiến tới xây dựng thành phố không tiếng còi xe . Ông Phan Thiện Đinh, một người dân ở Huế chia sẻ rằng: “Sáu tháng qua tôi đã thử lái xe với thói quen không bóp còi và thấy mình thực sự tiến bộ hơn nhiều về văn minh giao thông lẫn tâm tính. Lái chậm hơn, cẩn thận hơn, biết nhường nhịn hơn, đi đúng đường hơn, mỗi lần lỡ đà theo thói quen cũ làm cắt đường của ai đó lại thấy mình có lỗi.”

Từ chia sẻ của ông Đinh cũng như những kết quả hiện tại mà thành phố Huế nhận được, hành vi bóp còi xe thiếu văn hóa của một số tài xế Việt có thể hoàn toàn được khắc phục nếu như có một chính sách phù hợp và quyết liệt. Cùng với đó, người dân cũng phải hợp tác với chính phủ để vấn đề còi xe không còn là nỗi ám ảnh ở Việt Nam và du khách quốc tế.

SourceTinXe