Tranh cãi về tai nạn xe cứu hỏa và xe khách vẫn đang rất nóng
Có người trách, người chê, cũng có người phân tích rất tỉ mỉ, khoa học để thể hiện ý kiến về vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách xảy ra trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào hôm 18/3/2018.
4 ngày sau vụ tai nạn thương tâm giữa xe cứu hỏa và xe khách trên Cao Tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, những tranh cãi về việc ai đúng, ai sai vẫn đang diễn ra rất sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các nhóm liên quan đến ô tô.
Camera ghi lại tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18/3 vừa qua
Luồng ý kiến bênh vực xe khách
Luồng ý kiến này chiếm đa số khi nhiều cư dân mạng lên tiếng bênh vực xe khách. Những người bảo vệ xe khách cho rằng lái xe cứu hỏa "quá non" khi xử lý tình huống và xe khách gần như không còn lựa chọn nào khác là đâm vào xe cứu hỏa vì đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao (theo CAGT là 87 km/h) dưới điều kiện trời mưa phùn, đường trơn. Nếu xe khách đánh lái trong trường hợp đó, rất có khả năng sẽ bị lật và hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Một số ý kiến ủng hộ xe khách trên mạng xã hội. Nguồn: Otofun
Luồng ý kiến bênh vực xe cứu hỏa
Bên cạnh số đông, cũng có một lượng kha khá cư dân mạng ủng hộ xe cứu hỏa với lý do xe được ưu tiên, lại đang trên đường chấp hành nhiệm vụ nên được quyền đi ngược chiều và các xe khác khi thấy còi hú của xe cứu hỏa từ xa nên giảm tốc độ để nhường đường. Họ cho rằng xe khách không làm chủ được tốc độ khi đến đoạn đường tránh. Thêm nữa, chính thái độ thờ ơ của một số bộ phận tài xế, không chịu nhương đường khi thấy xe cứu hỏa chấp hành nhiệm vụ đã khiến xe cứu hỏa buộc phải lựa chọn phương án duy nhất khả thi lúc đó là đi ngược chiều để đến kịp hiện trường xảy ra tai nạn gần đó.
Một số ý kiến ủng hộ xe cứu hỏa trên mạng xã hội. Nguồn: Otofun
Chiều 21/3 vừa qua, Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông – C67- Bộ Công an, đã cho biết về quan điểm vụ xe khách đâm xe cứu hỏa xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chiều 18/3. Ông cho rằng lái xe khách thiếu quan sát, không thể biện minh là xe cứu hỏa xuất hiện đột ngột, vì tài xế phải có trách nhiệm quan sát để đảm bảo an toàn khi tham giao giao thông. Còn về phần lái xe cứu hỏa, đại tá Trần Sơn cho rằng xe này đã nhập làn cao tốc chưa cẩn thận, thiếu chú ý quan sát, không đi vào làn đường khẩn cấp ngay mà lại cho xe cắt chéo mặt đường, đi vào làn đường số 1 (làn xe lưu thông với tốc độ 100 km/h).
Ngoài ra, thượng tá Đỗ Anh Quyến, trưởng phòng cảnh sát PCCC số 12, cũng cho biết do góc đường cao tốc đang sửa chữa nên xe cứu hộ đã không đi vào làn khẩn cấp.
Ai cũng có cái lý của mình và cuộc tranh cãi này vẫn chưa đến hồi kết. Chưa bao giờ ranh giới giữa đúng sai lại mong manh đến thế. Nhưng dù đúng dù sai thì hậu quả để lại vẫn là quá thảm khốc. Thiết nghĩ luật giao thông đường bộ Việt nam sau vụ tai nạn thương tâm này nên đưa ra được điều luật cụ thể hơn về quyền của các xe ưu tiên và các tài xế khi tham gia giao thông cần ý thức rõ hơn về nghĩa vụ nhường đường khi có xe ưu tiên để tránh những tai nạn không đáng có.
>>> Làn đường dừng khẩn cấp trong cao tốc: Bạn đi đúng cách hay chưa?