Cơ quan quốc tế bắt đầu điều tra vụ bê bối Kobe Steel
Vụ bê bối chất lượng thép Kobe Steel tiếp tục có diễn biến mới khi cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào cuộc kiểm chứng độ an toàn của các sản phẩm của tập đoàn này. Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã tiến hành điều tra tập đoàn thép lớn thứ 3 ở Nhật.
Cơ quan quốc tế bắt đầu điều tra vụ bê bối Kobe Steel
Cụ thể, chi nhánh của Kobe Steel tại Mỹ đang thu thập các tài liệu, hồ sơ để trình lên Bộ Tư pháp Mỹ. Tất cả các hồ sơ này đều liên quan đến vấn đề làm giả dữ liệu cung cấp cho hàng loạt công ty tại Mỹ.
Dieselgate vẫn chưa lắng xuống, Bê Bối Kobe Steel đã nổ ra khi có đến 6 hãng xe lớn của Nhật Bản là Toyota, Mitsubishi Motors, Mazda, Nissan, Honda đều đang sử dụng vật liệu bị làm giả dữ liệu của tập đoàn thép này.
Ngay sau đó, chính phủ Mỹ đã buộc phải tiến hành kiểm tra chất lượng đối với các tập đoàn đang sử dụng cùng vật liệu từ Kobe Steel bao gồm Boeing, GM, Ford Motors và một số công ty khác ở Mỹ. Mục đích chính của cuộc điều tra này là nhằm xác định những hậu quả từ việc sử dụng vật liệu không đúng quy trình sản xuất cũng như không đạt chất lượng kỹ thuật phù hợp.
Đại diện Kobe Steel khẳng định hãng và các công ty con sẽ tích cực hợp tác điều tra với cơ quan chức năng. Đồng thời, hiện tại, Kobe Steel vẫn chưa xác định chính xác những tác động của vụ bê bối đến hiệu quả kinh doanh của tập đoàn.
Vào ngày 18/10, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cũng đã ra khuyến cáo về việc dừng hoạt động thu mua các vật liệu từ Kobe Steel sau khi hãng này thừa nhận làm giả dữ liệu chất lượng của hàng loạt sản phẩm được cung cấp cho hàng trăm công ty toàn cầu.
Bên cạnh đó, EASA cũng đề nghị các công ty sử dụng sản phẩm của Kobe Steel cần kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn cung để chắc chắn rằng họ không sử dụng sản phẩm “bị nghi không được chấp thuận” của tập đoàn này. Ngoài ra, các công ty này cũng cần báo cáo với cơ quan chức năng và tìm các nhà cung ứng khác đến khi có kết luận điều tra chính thức của nhà chức trách.
Ông Hiroya Kawasaki, CEO của Kobe Steel đã phải thừa nhận mức độ uy tín của tập đoàn hiện đã chạm đáy sau khi số công ty ảnh hưởng lan rộng đến con số 500.
Vụ bê bối Kobe Steel làm rúng động ngành sản xuất Nhật Bản không chỉ gây ra sự lo ngại về chất lượng sản phẩm mà còn tác động đến lòng tin của khách hàng đối với uy tín của các công ty Nhật Bản trên toàn cầu. Con số thiệt hại tài chính sau vụ bê bối Kobe Steel có thể lên đến 133 tỷ USD. Song, mối quan tâm nhất của chính phủ Nhật Bản chính là việc đánh mất lòng tin cũng như uy tín trong người tiêu dùng đối với các sản phẩm của đất nước này. Nhật Bản được xem là quốc gia có nền công nghiệp đề cao tính đảm bảo chất lượng cao và an toàn cho người dùng.
Trước Kobe Steel, vào năm 2016, 2 hãng ô tô lớn của Nhật là Mitsubishi và Suzuki đều đồng loạt thừa nhận về hành vi gian lận trong bài kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu. Và cách đây không lâu, tập đoàn túi khí lớn thứ 2 thế nhất là Takata cũng đã tuyên bố phá sản vào tháng 06/2017 sau khi không thể tiếp tục cầm cự trong cuộc khủng hoảng túi khí lan rộng trên toàn cầu. Hậu quả của vụ bê bối túi khí Takata đã khiến cho ít nhất 17 người thiệt mạng với 12 người ở Mỹ.
Sau đó, Takata và Bộ Tư pháp Mỹ đã thông qua thỏa thuận bồi thường thiệt hại lên đến 875 triệu USD, bao gồm 125 triệu USD cho nạn nhân, 25 triệu USD cho chính phủ Mỹ và một số chi phí liên quan đến việc triệu hồi xe. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xử lý việc làm giả mạo báo cáo kiểm tra của 3 cựu CEO của Takata trong vụ việc này.