Địa phương lo ngại sẽ thất thu ngân sách vì ô tô nhập khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2017, nguồn thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc đã có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nhiều dòng ô tô tự sản xuất, lắp ráp trong nước chuyển dần sang ô tô nhập khẩu.
Vào sáng 11/7, tại Hội nghị sơ kết thực hiện 6 tháng đầu năm, và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Thuế, ông Hoàng Văn Nội - Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Phúc - trao đổi với phóng viên cho hay, nửa đầu năm 2017, thu nội địa tỉnh Vĩnh Phúc mới đạt 38% kế hoạch của năm. Nguồn thu này chủ yếu đến từ Toyota và Honda thì nay hai hãng này lại chuyển lắp ráp ô tô khỏi Việt Nam.
Từ những con số thống kê được cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay tỉnh Vĩnh Phúc mới thu được hơn 11.600 tỷ đồng tiền thu Ngân Sách Nhà Nước. Hiện chỉ đạt được có 38% so với kế hoạch của cả năm và giảm 15 so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 9.700 tỷ đồng là số tiền thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng con số này so với cùng kỳ năm 2016 vẫn kém tới 19%.
Trước đây, Cty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu của tỉnh nên ngân sách thu về cũng lớn hơn. Nay số thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc có phần sụt giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu khi giờ đây hai hãng xe chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dần sang nền kinh tế hội nhập, nên nguồn ngân sách của tỉnh cũng chịu tác động lớn do các hãng sản xuất và lắp ráp ô tô tại Vĩnh Phúc chuyển từ sản xuất lắp ráp tại Việt Nam sang nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Mặt khác, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khác ở trong tỉnh thì còn yếu.
Cục trưởng Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng đưa ra các tính toán: Trong 6 tháng đầu năm 2017, riêng hãng xe Toyota Fortuner đã chuyển sang nhập khẩu 7.700 xe thay vì sản xuất như trước đây, còn Honda Civic cũng chuyển từ sản xuất sang dạng ô tô nhập khẩu 1.200 xe. Đặt ra một giả thiết, nếu như trước đây thì ngân sách mà tỉnh thu về sẽ là 300 triệu đồng trên mỗi chiếc xe được sản xuất và lắp ráp trong nước. Rõ ràng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nội nói.
Để đảm bảo cho ngân sách tỉnh và bù những khoản hụt thu trên, Cục trưởng cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc cũng nếu hướng đề xuất tăng thu từ đất đai (tiền cho thuê đất và tiền sử dụng đất).
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn không hoàn toàn đồng tình với ý kiến mà ông Nội đưa ra. Theo Thứ trưởng, thay vì tăng nguồn thu từ đất đai và tài nguyên như tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị thì ngành thuế cần tăng cường nguồn thu từ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Tuấn nhấn mạnh, nguồn thu từ tài nguyên, đất đai là của cải để dành cho con cháu.
Ông Tuấn cũng đưa thêm dẫn chứng về tình hình thuế tại Đồng Nai khi rủi ro ở tỉnh này hiện quá lớn, trên 25.000 tỷ đồng chi phí doanh nghiệp đóng tại địa bàn liên quan tới phí bản quyền, nhãn hiệu, lãi vay...Thậm chí những khoản chi phí này còn có dấu hiệu rủi ro liên quan tới chuyển giá, trốn thuế. Không chỉ riêng ở Đồng Nai mà nhiều tỉnh khác cũng gặp vướng mắc gấp nhiều lần trong vấn đề này như: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương...
Thứ trưởng cũng đồng thời nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là “thanh kiểm tra chống chuyển giá, trốn thuế ngành thuế”, qua đó tăng cường nguồn thu lớn và có thêm nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước.