Nguyên nhân chi phí sản xuất xe hơi ở Việt Nam cao hơn Thái Lan

| Thị trường
Xếp hạng 3.9 - 9 đánh giá

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 mới đây, nhóm công tác công nghiệp Ô tô - Xe máy đã chỉ ra nguyên nhân khiến chi phí sản xuất xe hơi ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 10-20%.

Theo đó, các nhà sản xuất trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, thuế nhập khẩu và logistics. Đây là những nguyên nhân chính khiến chi phí ở Việt Nam cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Trong đó, Việt Nam vẫn nhập nhiều xe nhất từ ASEAN nên khi chi phí sản xuất xe trong nước tăng 10-20% vào năm 2018 dự báo số lượng xe nhập từ thị trường này còn tăng lên đáng kể.

Nguyên nhân chi phí sản xuất xe hơi ở Việt Nam cao hơn Thái Lan
Nguyên nhân chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn Thái Lan

Ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc của Công ty TNHH General Motors Việt Nam, trưởng nhóm Trưởng nhóm Công tác công nghiệp Ô tô - Xe máy cho biết, những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước gặp phải bao gồm: Quy mô kinh tế ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rất nhỏ, không có sự tham gia đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ô tô trên thế giới. Vì vậy, doanh nghiệp đang phải đương đầu với những bất lợi của sản xuất nhỏ và không đủ quy mô kinh tế trong nhập khẩu linh kiện để sản xuất, lắp ráp xe ô tô.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước gặp vướng mắc lớn nhất trong việc thiếu cơ sở dữ liệu, hồ sơ nhà cung cấp linh kiện ô tô trong nước.

Theo ông Sumito Ishii, hầu hết các linh kiện ô tô đều đòi hỏi phải được sự cho phép về bản quyền, chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng li xăng từ nhà cung cấp linh kiện chính hãng cho các nhà cung cấp nội địa hóa ở Việt Nam, trừ các linh kiện mà các doanh nghiệp trong nước có thể tự thiết kế và phát triển. Nếu có được các cơ sở dữ liệu này thì mới có thể dễ dàng tham chiếu và liên hệ với các nhà cung cấp.

Tại hội nghị, nhóm công tác Công nghiệp ô tô xe máy đã đề nghị doanh nghiệp FDI đưa ra những hướng dẫn cho các nhà cung cấp về quy trình tuyển chọn nhà cung cấp của họ, cung cấp danh sách các linh kiện ô tô cần nội địa hóa với các chi tiết cụ thể hơn. Như vậy có thể giúp các nhà cung cấp trong nước có thể có được chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật.

Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI giữ được mối liên kết sẽ có lợi cho cả 2 và nền kinh tế quốc gia. Đối với ngành công nghiệp ô tô, ưu tiên số 1 là phải đảm bảo có một thị trường ô tô tăng trưởng ổn định. Đồng thời, từng bước tăng cường năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các nhà cung cấp trong nước có sự hỗ trợ và liên kết của các doanh nghiệp FDI.

Trước những khó khăn trên, việc mở rộng sản xuất xe trong nước được xem là giải pháp đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhóm Công tác công nghiệp ô tô xe máy đề nghị các nhà lắp ráp ô tô và các nhà cung cấp linh kiện cùng tham gia. Tiếp đó, hàng tháng phải có các cuộc họp thảo luận, các dự thảo chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cho ngành ô tô để báo cáo tiến độ trình lên Thủ tướng.

Bước tiếp theo, các nhà xây dựng chính sách phải ngồi cùng doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp giúp hạn chế chi phí sản xuất xe hơi trong nước, giảm áp lực cạnh tranh cho các hãng sản xuất xe nội địa trong năm 2018. Bên cạnh đó, phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu nhà cung cấp. Đặc biệt, áp dụng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông Sumito Ishii khẳng định, những động thái của Chính phủ giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh sau tháng 1 năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc trong khu vực ASEAN giảm xuống còn 0%.

“Tôi tin tưởng rằng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, cạnh tranh lành mạnh hơn và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp”, ông Sumito Ishii cho biết.

Nguồn: dantri.com.vn

SourceTinXe