5 tháng đầu năm, doanh số ô tô lắp ráp trong nước giảm 7%
Theo số liệu mới cập nhật từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sang tháng 5, tình hình tiêu thụ của thị trường ô tô đã khởi sắc hơn khi đạt mức tăng trưởng 6% so với tháng 4.
VAMA cho biết, trong tháng 5, doanh số ô tô bán ra trên toàn thị trường đạt 23.232 xe, tăng 6% so với tháng 4 nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, lượng tiêu thụ ô tô trong tháng 5 tăng mạnh so với tháng trước ở dòng xe du lịch (đạt doanh số 12.900 xe, tăng 20%). Phân khúc này bị đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nhiều do một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến đầu năm tới để mua xe giá thấp hơn do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường khu vực ASEAN được giảm về 0% từ mức 30% hiện tại.
Trong khi đó, doanh số xe thương mại và xe chuyên dụng lại sụt giảm lần lượt là 6% (với 9.000 xe) và 22% (với hơn 1.300 xe).
Tháng trước, lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước đạt 16.656 xe, tăng 1% so với tháng 4. Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.576 xe, tăng 20%.
Tính gộp trong 5 tháng đầu năm, thị trường cả nước tiêu thụ hơn 109.900 ô tô các mẫu, giảm nhẹ (1%) so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, có tổng cộng 79.423 xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ, giảm 7%. Doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 30.480 xe, tăng tới 16%.
Thị phần ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đang dần tăng khi thuế nhập khẩu trong khu vực giảm
Diễn biến này phản ánh rõ theo chiến lược kinh doanh của các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô khi gia tăng dòng xe nhập khẩu, cắt giảm các mẫu xe lắp ráp trong nước vì không thể cạnh tranh được với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là xe ở thị trường khu vực ASEAN với thuế ưu đãi trong nội khối khá cao.
Từ diễn biến của thị trường cũng như định hướng của các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô nội địa, các chuyên gia phân tích nhận định nếu không có chính sách hoặc biện pháp can thiệp kịp thời thì khoảng cách về lượng tiêu thụ giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ không còn xa như hiện tại, nhất là khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về 0% kể từ năm 2018.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ dòng xe du lịch trong năm 2017 sẽ giảm 7-10%. Nhiều khả năng xe du lịch lắp ráp trong nước sẽ sụt giảm nhiều hơn so với mức giảm chung nói trên. Thay vào đó, thị phần xe hơi nhập khẩu nguyên chiếc sẽ tăng dần.
Xét về thị phần tháng 5, Trường Hải vẫn là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất với 37,8%, tiếp theo là Toyota Việt Nam ở vị trị thứ 2 với 23,6%. Vị trí thứ 3 thuộc về Ford Việt Nam với 11,2% thị phần. Số thị phần nhỏ còn lại do các thương hiệu khác chia nhau nắm giữ.
Top 10 mẫu ô tô bán chạy trong tháng 5 vẫn là những cái tên quen thuộc như Toyota Vios, Ford Ranger hay Kia Morning. Sau nhiều tháng vắng bóng, Honda CR-V cũng trở lại top 10. Đáng chú ý hơn là Toyota Vios trở lại vị trí dẫn đầu toàn thị trường ô tô Việt Nam sau một tháng bị mẫu bán tải Ford Ranger soán ngôi. Trong tháng 5, doanh số của Vios đạt hơn 1.750 xe bán ra, cao hơn gần 700 xe so với tháng trước đó.
Sau một tháng bất ngờ lọt vào danh sách 10 xe bán chạy nhất, đến tháng 5, xe bán tải Chevrolet Colorado đã phải nhường lại vị trí này cho Honda CR-V. Mặc dù vậy, doanh số gần 330 xe bán ra trong tháng vẫn chưa thể giúp mẫu xe của Honda đuổi kịp đối thủ Mazda CX-5 trong cuộc cạnh tranh ở phân khúc crossover đầy khốc liệt.
Theo một số liệu thống kê khác đến từ báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 5/2017 ước đạt 7.000 chiếc, với tổng giá trị 170 triệu USD, tăng khoảng 2.000 chiếc về lượng và 17 triệu USD về giá trị so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ước đạt 42.000 chiếc và 850 triệu USD, tăng 3,2% về lượng nhưng lại giảm tới 12,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.