Đầy rẫy khó khăn, dân buôn ô tô nhập tính bỏ nghề

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Do điều kiện kinh doanh đối với ô tô nhập khẩu đã thông thoáng hơn nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp này khiến họ chán nản và muốn rút lui.

Doanh nghiệp ô tô nhỏ và vừa kêu khó

Vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì soạn thảo Bản Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Dù xuất hiện nhiều chính sách thông thoáng và cởi mở, các doanh nghiệp ô tô không chính hãng vẫn nhận định rất khó để kinh doanh ô tô nhập khẩu trong thời gian tới.

“Sau khi đọc kỹ những quy định về điều kiện kinh doanh với ô tô nhập khẩu trong dự thảo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó áp dụng, bởi có nhiều sự thay đổi”, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, cho biết.

Đầy rẫy khó khăn, dân buôn ô tô nhập tính bỏ nghề

Các doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ kêu gặp khó với các quy định mới về điều kiện kinh doanh ô tô.

Theo ông Tuấn, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0% vào năm 2018. Tuy nhiên, thuế suất nhập khẩu đối với các xe từ các nước như Trung Đông, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc… vẫn ở mức cao (48 - 68%) dẫn đến tình trạng khó cạnh tranh với xe ASEAN giá rẻ.

Trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường nhập khẩu ô tô từ thị trường châu Âu hoặc Mỹ. Tuy nhiên, loại xe này phần lớn đều có dung tích xi lanh trên 3.0L. Nghịch lý thay, hiện nay, thuế tiêu thụ dành cho loại xe này đang tăng tới 90-150%, khiến giá xe đội cao, khó tiêu thụ nên rất dẫn đến cái khó khi nhập những dòng xe này. Thực tế cho thấy, gần đây, không ít doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ Mỹ và châu Âu gặp nhiều khó khăn, do xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên chịu thuế cao, phải bán lỗ vốn và ngừng kinh doanh.

Đặc biệt, với dòng xe nhập khẩu từ Trung Đông, không chỉ phải chịu thuế suất cao mà còn bị ảnh hưởng bởi quy định ngặt nghèo về đăng kiểm. Vì thế, các dòng xe dành cho thị trường Trung Đông đến nay hầu hết là xe mới, chưa có mặt tại Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, những mẫu xe có kiểu loại chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận sẽ phải trải qua các khâu như: kiểm tra mẫu xe, thẩm định thiết kế, thử nghiệm kiểu loại rồi mới cho phép nhập khẩu. Đây là lý do khiến doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đẩy giá bán lên cao, chưa kể thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài.

Đầy rẫy khó khăn, dân buôn ô tô nhập tính bỏ nghề

Nhập một chiếc pick-up như Hilux hay Ranger từ Thái Lan về Việt Nam giá vẫn cao.

Bế tắc khi tìm sản phẩm phù hợp

Xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN về cũng gặp muôn trùng khó khăn. Do không thể ký hợp đồng mua xe từ chính hãng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải mua qua trung gian, khiến rất khó xin được chứng nhận xuất xứ Form D (đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối trên 40%) để hưởng ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, khi doanh nghiệp bị các hãng xe tại Indonesia, Thái Lan,… không cấp giấy chứng nhận qua khâu trung gian, xe nhập về vẫn phải chịu thuế suất theo quy định. Vì thế, giá xe sẽ đội lên, khó cạnh tranh với xe nhập chính hãng có Form D, hưởng thuế 0%. Hơn thế nữa, để mua ô tô tay lái thuận tại các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan,... phải đặt hàng riêng, thành ra giá xe lúc này sẽ bị đội lên cao do số lượng ít, lại qua khâu trung gian.

Gần đây, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cố gắng đưa xe pick-up của Thái Lan về thị trường Việt Nam nhưng không thành công. Nguyên nhân được cho là do nhập một chiếc pick-up (chẳng hạn như Hilux hay Ranger) về sẽ có giá cao hơn xe cùng loại do Ford và Toyota Việt Nam bán ra, dao động từ 2.000-4.000 USD, khó có thể cạnh tranh nổi.

Không những thế, theo dự thảo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu cần có xưởng bảo hành bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn và showroom trưng bày xe. Để đáp ứng quy định này, doanh nghiệp cần chi từ 20-50 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng được chi phí quá lớn này. Khi đầu tư số vốn lớn, yêu cầu cấp thiết là phải bán được xe. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bình quân chỉ bán được khoảng 400 xe/năm, rất ít doanh nghiệp bán được 1.000 xe/năm, do vậy bỏ ra chi phí lớn, rủi ro rất cao.

Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hợp tác, cùng đầu tư, song điều này khá khó, nếu không có sự đồng thuận. “Vấn đề nan giải nhất là doanh nghiệp nhập xe không chính hãng, đến nay, vẫn chưa tìm được sản phẩm phù hợp với thị trường Việt, giá cả hợp lý, cạnh tranh được với xe nhập khẩu chính hãng từ ASEAN. Vì vậy, mọi chuyện càng trở nên mơ hồ,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên nhập khẩu ô tô không chính hãng, nếu chưa tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn trên, có thể họ sẽ  phải rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh ô tô, chuyển hướng sang các sản phẩm khác.

SourceTinXe