Công nghiệp ô tô Việt Nam: Bộ Công Thương thừa nhận thất bại

| Thị trường
Xếp hạng 4.4 - 9 đánh giá

Trong báo cáo mới nhất về công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô và sản phẩm cơ khí trọng điểm, Bộ Công Thương đã thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam đã chính thức thất bại.

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Bộ Công Thương thừa nhận thất bại

Bộ Công Thương đã thẳng thắn thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã không hoàn thành được mục tiêu đề ra theo cam kết của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.

Nội địa hóa chỉ được 10%

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lê nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt trung bình ở mức 7-10% vào năm 2010, trong khi mục tiêu đề ra là 60%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tính đến năm 2016, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Bộ Công Thương thừa nhận thất bại

Trong báo cáo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng có sự phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2015, lần đầu tiên sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tăng 51% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…Tuy nhiên ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra thực sự. Các dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Không những không xây dựng được ngành công nghiệp ô tô, giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia).

Nguyên nhân thất bại

Bộ Công Thương cho biết nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của ngành công nghiệp ô tô đó là do chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước chưa bằng xe nhập khẩu; chưa có sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất- lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Giải đáp về nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa không cao. Người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay: “Năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ  trợ; việc các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô không  lớn hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; giá bán xe tại Việt Nam chưa thật phù hợp với túi tiền của người và còn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.”

Đâu là lối thoát?

Thời điểm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) giảm còn 0% đang cận kề. Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần có những bước nhảy để tạo ra cú hích. Bộ Công Thương khẳng định, sẽ có tác động đến thị trường xe ô tô Việt Nam từ năm 2018.

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Bộ Công Thương thừa nhận thất bại

Trước thực tế này, đại diện Công ty ô tô Trường Hải cho rằng sẽ có 2 kịch bản. Thứ nhất, các công ty đang sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, đồng thời có các cơ sở sản xuất lớn hơn tại các nước ASEAN, sẽ cố gắng duy trì sản xuất, duy trì một vài dòng xe, còn lại sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu.

Kịch bản thứ 2 là sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới của các hãng lớn nhưng chưa có nhà máy tại ASEAN. Cùng với việc thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ muốn qua Việt Nam để hướng tới thị trường khu vực. Như vậy, nếu có chính sách đúng, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ năm 2018 cũng gây ra nhiều khó khăn và biến động nhưng ngành vẫn phải kiên trì mục tiêu phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, với dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỷ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua.

SourceTinXe