Rải đinh trên quốc lộ để chồng vá săm có thể phải ngồi tù

| Thị trường
Xếp hạng 3.6 - 9 đánh giá

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, cách đây ít ngày Công an tỉnh Bắc Ninh vừa điều tra, làm rõ hành vi rải đinh trên QL18 của Trần Thị Lan (SN 1961, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong).

Tại cơ quan công an, bà Trần Thị Lan khai nhận đã tiến hành rải đinh trên đường để người tham gia giao thông qua khu vực này bị thủng săm nhằm...tạo công ăn việc làm cho chồng bà và một số người khác ở địa phương. 

Bởi, ngay sau khi những chiếc xe dính đinh bị thủng săm, chồng bà Lan và một số “đồng nghiệp” lập tức xuất hiện nhận làm dịch vụ vá, thay săm với giá từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng/xe. Hiện CAT Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan.

Với hành vi tương tự, cách đây không lâu, Công an tỉnh Sơn La đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 bị can trong vụ rải đinh trên quốc lộ 37, đoạn qua xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Các đối tượng gồm Tòng Văn Diên (SN 1981), Lường Văn Duyệt (SN 1978), Quàng Văn Chính (SN 1978) và Lò Văn Hường (SN 1972, đều trú tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Tại cơ quan điều tra, 4 đối tượng khai nhận, do mâu thuẫn trong làm ăn kinh doanh vận tải hàng măng khô nên đã rải đinh để dằn mặt đối thủ. Tuy nhiên, khi xe tải của đối phương bị dính đinh phải thay lốp thì các đối tượng này "bắt chẹt" với giá cắt cổ khoảng 30 triệu đồng.

Nhận xét về hành vi rải đinh trên đường hòng trục lợi, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc rải đinh trên đường là vô cùng nguy hiểm, nhẹ thì gây hư hỏng phương tiện, nặng thì có thể gây tai nạn dẫn đến thương tích, chết người. Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người thực hiện hành vi này.

Về xử phạt hành chính, theo khoản 6 Điều 11 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng. 

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 261 BLHS 2015 sửa đổi về tội Cản trở giao thông đường bộ. 

Theo đó, người nào đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ…gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau  thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

 Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Huệ Linh (ANTĐ)

SourceXeHay