Doanh nghiệp trông giữ xe khó thanh lý phương tiện bị "bỏ rơi"
Bạn đọc hỏi: Công ty chúng tôi được cấp đăng ký kinh doanh dịch vụ trông giữ phương tiện mô tô, xe máy. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều chủ phương tiện sau khi gửi xe đã không quay lại lấy phương tiện và chúng tôi cũng không liên lạc được. Xin hỏi, chúng tôi có thể bán thanh lý những phương tiện “vô chủ” đó không? Và các bước phải tiến hành ra sao để tránh trường hợp sau đó, chủ phương tiện quay lại, xuất trình vé lấy xe? Nguyễn Văn Lập (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:
Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)
Về trường hợp bạn nêu chúng tôi thấy rằng mặc dù hai bên khi thực hiện giao dịch gửi giữ tài sản tuy không lập văn bản thỏa thuận hay hợp đồng, song giao dịch giữa các bên là hợp pháp. Bởi theo Điều 544 Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng gửi giữ tài sản thì: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Tương tự, Điều 558 - Bộ luật Dân sự cũng quy định về quyền của bên giữ tài sản. Theo đó, bên giữ tài sản có các quyền: Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận; Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công. Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn. Và bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
Mặc dù pháp luật quy định như nêu trên, song ở trường hợp công ty bạn đang gặp phải lại có những dấu hiệu không bình thường, trong đó có việc không biết, không thể liên lạc được với người gửi tài sản và không biết rõ nguồn gốc tài sản nên không thể bán thanh lý số phương tiện bị “bỏ rơi” đó được. Tuy nhiên, nhằm tránh phát sinh những tranh chấp và những rủi ro không đáng có, công ty bạn cần lập nhật ký theo dõi cụ thể. Để khi chủ phương tiện đến nhận lại tài sản họ phải có trách nhiệm thanh toán tiền công tương ứng với thời gian trông giữ phương tiện cho công ty bạn. Ngoài ra, công ty bạn cũng cần có văn bản trình báo sự việc với cơ quan công an và phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét xem trong số phương tiện đó có xe nào là tang vật ở vụ án không. Mặt khác, khi có nhật ký cụ thể và có đơn trình báo cơ quan công an thì đó cũng là căn cứ pháp lý để giải quyết hậu quả tranh chấp sau này.
ANTĐ