Hàng không Việt khủng hoảng nhân lực kỹ thuật cao
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường phát triển nhộn nhịp bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó là nhân lực hàng không như phi công, thợ máy cũng khan hiếm báo hiệu về một cuộc khủng hoảng thiếu đang tới gần.
Thiếu Nhân Lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không đã và đang gây ra hệ lụy
Nhà nhà đều thiếu
Dư luận vẫn còn nhớ cách đây vài ba năm, các hãng hàng không nội địa liên tục tố nhau “giành giật” phi công, thợ máy. Sự việc căng thẳng đến mức Cục Hàng không Việt Nam phải vào cuộc và sau đó Bộ GTVT cũng sửa đổi Thông tư, quy định với phi công, thợ sửa chữa tàu bay trình độ cao muốn nghỉ việc phải báo trước thời hạn là 180 ngày. Mặc dù sau đó vấp phải sự phản đối của nhân lực trong ngành hàng không, nhưng Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quan điểm.
Gần đây, tình trạng thiếu nhân lực ngành hàng không lại nổi lên khi Vietnam Airlines đã thẳng thắn chia sẻ về việc “tân binh” Bamboo Airways dùng chính sách tiền lương để lôi kéo phi công khiến hãng này lao đao. Chia sẻ về việc này, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đã nói thẳng, hãng đã bị “kéo mất” 30% nhân lực của một đội bay, trong khi đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kỹ sư bài bản mất rất nhiều thời gian và tiền của. Do đó Vietnam Airlines không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy.
Đây cũng là nguyên cớ để lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị các bộ, ban, ngành có những quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động và các bộ luật chuyên ngành, căn cứ vào những ngành nghề cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Đơn cử như quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác... Bên cạnh đó, cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.
Mới đây nhất, hãng hàng không Vietjet Air cũng gây ồn ào với việc, hàng loạt chuyến bay trong các ngày 14 đến 15-6 bị chậm, hủy hàng loạt. Báo cáo Bộ GTVT về tình trạng này, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định dẫn đến tình trạng thiếu phi công theo lịch khai thác gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến của Vietjet Air vừa qua. Trong Chương trình đánh giá tối thiểu an toàn hàng năm về việc giám sát giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) đối với Công ty CP hàng không Vietjet, Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay theo quy định tại phần 15 Bộ quy chế An toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Kết quả cụ thể, nhiều trường hợp phi công của Vietjet Air không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.
Nguyên nhân ban đầu, theo Vietjet Air, do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, hãng đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ của phi công. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Cục Hàng không đã chỉ đạo Vietjet Air thực hiện ngay các giải pháp phân lịch bay cho phi công theo đúng quy định. Tuy nhiên, khi tuân thủ nghiêm túc chỉ thị của Cục và thực hiện dừng bay đối với tất cả các trường hợp phi công đã thực hiện bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định thì lại dẫn đến tình trạng thiếu phi công để thực hiện các chuyến bay theo lịch khai thác. Do vậy dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến trên một số chuyến bay của Vietjet Air.
Có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh
Trong khi đó, Thông báo số 214/TB - VCPP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 17-6-2019 về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực.
Theo đó, việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không. Thủ tướng nhấn mạnh, các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines (JPA), Vasco (Chi nhánh Vietnam Airlines), Vietjet Air và Bamboo Airways. Số lượng hãng bay nội địa tuy chỉ bằng 1/3 Thái Lan, nhưng sự cạnh tranh hết sức gay gắt khi thị trường chứng kiến cuộc đua của 2 ông lớn có quy mô đội bay và thị phần gần như tương đương nhau. Tính đến đầu quý I-2019, nhóm hãng hàng không Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, JPA, Vasco) đang chiếm 52% thị phần nội địa; Bamboo Airways khoảng 3%, phần còn lại là của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet với khoảng 45 - 46%. Đáng lưu ý, Bamboo Airways cũng mang tham vọng mở rộng thị phần khi vừa trình Cục Hàng không Việt Nam xin điều chỉnh giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng và mở rộng đội tàu bay lên tới 40 chiếc ngay trong năm 2019.
Được biết, với nguồn nhân lực hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đảm bảo quản lý được 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (gồm cả trực thăng và tàu bay hàng không chung). Số lượng tàu bay mà các hãng hàng không Việt Nam dự kiến nhận đến ngày 31-12-2019 sẽ lên tới 277 chiếc, tăng 61 máy bay so với thời điểm quý I-2019 và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam. Đây là vướng mắc không dễ giải quyết sớm, dù cơ quan quản lý Nhà nước có được nới định biên nhân sự, bởi việc tuyển dụng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không luôn là thách thức rất lớn ngay cả ở các quốc gia phát triển do khan hiếm nhân lực và chi phí thuê rất cao.
Số lượng tàu bay mà các hãng hàng không Việt Nam dự kiến nhận đến ngày 31-12-2019 sẽ lên tới 277 chiếc, tăng 61 máy bay so với thời điểm quý I-2019 và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam. Đây là vướng mắc không dễ giải quyết sớm, dù cơ quan quản lý Nhà nước có được nới định biên nhân sự, bởi việc tuyển dụng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không luôn là thách thức rất lớn ngay cả ở các quốc gia phát triển do khan hiếm nhân lực và chi phí thuê rất cao. |
Hải Dương (ANTD)