Chiến dịch kêu gọi người già ngừng lái xe ô tô làm "nóng" dư luận ở Nhật Bản
Một cuộc tranh luận đang diễn ra khá gay gắt ở Nhật Bản về việc người già có nên điều khiển xe ô tô hay không. Vụ việc càng trở nên “nóng” hơn sau khi xảy ra một vài vụ người già điều khiển xe ô tô gây tai nạn nghiêm trọng.
Ước tính có khoảng 17 triệu người Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên có bằng Lái Xe ô tô
Người già hãy ngừng lái xe nếu không đủ sức khỏe
Mặt cúi gằm và giọng nói vẫn còn run rẩy vì xúc động, chồng của Mana Matsunaga, đồng thời là cha của cô bé Riko (3 tuổi) - hai mẹ con thiệt mạng vì tai nạn Giao Thông hồi tháng 4-2019 đã đề cập đến chuyện những người già điều khiển xe tham gia giao thông. Người đàn ông đề nghị không cung cấp danh tính cho biết, vợ và con anh thiệt mạng trong một vụ tai nạn do ông Kozo Iizuka (87 tuổi), ở quận Ikebukuro, Thủ đô Tokyo, Nhật Bản gây ra.
Camera giao thông đã ghi lại cảnh chiếc xe của ông Iizuka điều khiển vượt đèn đỏ, băng qua đường dành cho người đi bộ trước khi đâm vào 2 mẹ con Mana Matsunaga và hai xe khác, sau đó mới dừng lại.
9 người khác, trong đó có cả ông Iizuka bị thương. Cảnh sát nhận định rằng, lỗi của con người là nguyên nhân của thảm kịch này. “Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến con gái mình lớn lên và trở thành người có ích cho xã hội. Tôi và vợ sẽ đi cùng nhau cho đến hết cuộc đời. Tôi vô cùng tuyệt vọng. Tương lai của chúng tôi đã biến mất trong chớp mắt”, người đàn ông bất hạnh chia sẻ.
Cầm bức ảnh chân dung của vợ và con gái trên tay, người đàn ông kêu gọi người già hãy ngừng lái xe nếu thấy mình không đủ sức khỏe và sự minh mẫn. “Tôi muốn những người không tự tin vào khả năng lái xe của mình thì đừng ngồi sau tay lái. Nếu bạn lo lắng về khả năng lái xe của ai đó trong gia đình, hãy dành thời gian để cùng nhau thảo về vấn đề này”, người đàn ông kêu gọi.
Được biết, đây không phải là vụ người già lái xe gây tai nạn đầu tiên ở Nhật Bản trong thời gian gần đây. Vào ngày 4-5 vừa qua, một phụ nữ 74 tuổi đã bị bắt tại quận Fukuoka, miền Nam Nhật Bản sau khi gây tai nạn khiến 2 học sinh tiểu học bị thương.
17 triệu người từ 65 tuổi trở lên có bằng lái xe
“Những vụ tai nạn đã thúc đẩy cuộc tranh luận gay gắt trong xã hội và tôi hy vọng rằng, các chính trị gia trong Quốc hội Nhật Bản sẽ suy nghĩ nghiêm túc vấn đề này. Nhiều người cho rằng, đi trên những con đường ở Nhật Bản ngày càng gặp nhiều nguy cơ rủi ro vì số lượng người lái xe cao tuổi ngày càng tăng”, Giáo sư Makoto Watanabe của trường Đại học Hokkaido Bunkyo nói và khẳng định chính quyền cần phải hành động ngay cho dù đó là ở cấp quốc gia hay địa phương.
Thực ra, các cơ quan quản lý đường bộ Nhật Bản đã nhận thấy vấn đề này từ vài năm trước. Vấn đề về nhân khẩu học của Nhật Bản - tỷ lệ sinh giảm và số người cao tuổi tăng nhờ vào y học hiện đại sẽ có tác động đến ngành giao thông. Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực vào năm 2016 yêu cầu cứ sau 3 năm, người trên 75 tuổi phải kiểm tra và được cấp chứng chỉ năng lực lái mới được gia hạn giấy phép lái xe. Các bài kiểm tra được thiết kế để xác định khả năng điều khiển, trí nhớ và khả năng phán đoán của người lái xe. Ước tính, khoảng 17 triệu người Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên có bằng lái xe.
Một chiến dịch kêu gọi lái xe lớn tuổi tự nguyện dừng lái xe nếu cảm thấy không tự tin khi cầm lái đã diễn ra. “Chúng tôi cũng mong muốn bố dừng lái xe nhưng rất khó để đưa ra lời khuyên đó. Bố tôi luôn rất độc lập. Ông thích tự lái xe di chuyển”, Makoto Hosomura có bố là ông Kinzo, hiện đã 98 tuổi nói.
“Tổng số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Nhật Bản đã giảm liên tiếp trong vài năm trở lại đây. Trong năm 2018, có 3.532 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông, giảm 162 trường hợp so với năm trước. Tuy nhiên, số vụ tai nạn gây tử vong do người từ 75 tuổi trở lên đã tăng 42 trường hợp, lên con số 460 người. Cảnh sát cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu nhất khiến lái xe lớn tuổi gây tai nạn là đạp nhầm chân phanh thành chân ga”. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản |
Phạm Tường (ANTD)