Tước bằng lái xe của tài xế vi phạm nồng độ cồn đến 2 năm

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Bộ GTVT đang dự thảo sửa đổi Nghị định 46/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông, trong đó, hành vi vi phạm về nồng độ cồn được đề xuất tăng nặng mức phạt tiền và tước bằng lái xe đến 2 năm. 

Uống rượu lái xe gây tai nạn, từ người tốt thành người xấu

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về ATGT- Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này được triển khai xuyên suốt trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, việc xử phạt của lực lượng CSGT chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. “Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý GPLX… là không muốn, không dám vi phạm”- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Tước bằng lái xe của tài xế vi phạm nồng độ cồn đến 2 năm

Nữ tài xế lái ô tô gây tai nạn làm 2 người tử vong ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM vi phạm nồng độ cồn

Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng hay chế tài xử phạt, cần sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện. Cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi này.

Chia sẻ về tình trạng tài xế sau khi uống rượu bia lái xe rồi gây tai nạn, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia nói về trường hợp cụ thể vụ tai nạn trong hầm Kim Liên vừa qua: “Tôi biết thông tin cơ bản về người lái xe gây ra tai nạn ở hầm Kim Liên, về nhân thân của anh ta. Tôi nói anh ấy là người tốt, trước khi uống rượu. Sau khi anh ta uống rượu, lái xe gây tai nạn chết người, thì một người tốt đã thành kẻ giết người. Tôi muốn dùng từ “giết người” trong trường hợp này”.

Theo ông Hùng, Việt Nam đã xây dựng quy định và thực hiện quy định về phòng chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn với người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ từ rất lâu, từ khi bắt đầu có các quy định liên quan đến bảo đảm ATGT.

Từng nhận nhiều “gạch đá”

“Năm 2015, khi xây dựng dự thảo Nghị định 171/NĐ-CP sửa đổi, chúng tôi kiến nghị bổ sung chế tài nếu tái phạm vi phạm nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện. Khi đó, chúng tôi nhận được rất nhiều “gạch đá” phản đối.

Lúc đó cũng có một số ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe và cũng nhận không ít “gạch đá”. Nhưng hiện tại, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất được hoan nghênh ủng hộ”- ông Hùng chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Bệnh viện Việt Đức thông tin, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng TNGT thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày.

Đáng nói, những bệnh nhân TNGT tới BV Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

“Tôi từng tham gia nhiều chương trình cung cấp thông tin về hậu quả của tình trạng uống rượu gây TNGT và nghiên cứu ứng phó sau TNGT. Kết quả thống kê có những con số giật mình. Ví dụ như, có tới 10% phụ nữ bị TNGT ở mức chấn thương nặng, không có cơ hội được cứu sống, có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu rất cao.

Đáng nói, chưa kể tới đối tượng gây TNGT, nhiều nạn nhân TNGT cũng không hợp tác với nhân viên y tế để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Ngay việc làm thủ tục kiểm tra nồng độ cồn từ các đối tượng liên quan tới TNGT cũng rất bất cập. Có những ca nhập viện sau 2 ngày chúng tôi mới nhận được yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn, lúc này gần như không còn dấu tích. Do đó, cần phải sửa đổi quy định liên quan tới thời điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với các đối tượng tham gia giao thông”- PGS. TS Nguyễn Đức Chính chia sẻ.

Thông tin thêm về tình trạng này, ông Lê Văn Thanh - Vụ ATGT, Bộ GTVT cho hay,  trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46/CP, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra TNGT sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt.

“Chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi. Tuy nhiên, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe. Hiện, nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX trong 4 - 6 tháng. Chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu và tước GPLX 24 tháng”- ông Thanh cho biết.

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay