Trông giữ xe gầm cầu: Giải pháp tức thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Nhu cầu trông giữ xe của người dân trên địa bàn Hà Nội ngày một lớn, đặc biệt tại các khu vực xung quanh bệnh viện, điểm vui chơi công cộng… Tuy vậy, thực tế lại chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Việc kiến nghị được tiếp tục trông giữ xe dưới một số gầm cầu trong bối cảnh hiện nay của Hà Nội được cho là phù hợp.

Mới đáp ứng 10% nhu cầu

Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay, diện tích đất dành cho tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. 

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Còn, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.

Có thể thấy, nhu cầu trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội ngày một lớn, trong khi đó hạ tầng không đáp ứng được. Chính điều này đã làm phát sinh tình trạng bát nháo trông giữ xe bấy lâu nay vẫn chưa thể quản lý. 

Nhiều điểm trông giữ xe trái phép mọc lên nhưng không bị xử lý, giá trông giữ xe không theo quy định của thành phố mà đắt gấp 2, gấp 3 lần.

Để giải quyết một phần tình trạng này, UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số nội dung của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ này nhằm cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023 để phục vụ nhu cầu giao dịch của các cơ quan, đơn vị và nhân dân, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của thành phố.

Phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 4 vị trí gầm cầu đang tổ chức trông giữ phương tiện đã được thành phố chấp thuận trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT gồm: gầm cầu Vĩnh Tuy; gầm cầu Chương Dương (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ và mở rộng không gian đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội các tối cuối tuần từ thứ Sáu đến Chủ nhật trên địa bàn quận Hoàn Kiếm); gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai); gầm cầu vượt Mai Dịch.

Tuy nhiên, theo Hà Nội đánh giá, thực tế nhu cầu trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố là rất lớn trong khi bến, bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch đang trong quá trình đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh, các điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ phương tiện của nhân dân, các cơ quan, đơn vị, phục vụ các hoạt động văn hóa và các hoạt động khác của Hà Nội.

Về cơ sở kiến nghị Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 53, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận, Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông tĩnh nói riêng. Trong khi lượng phương tiện gia tăng chóng mặt, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển. Thực tế đó đòi hỏi thành phố phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Các vị trí gầm cầu mà Hà Nội kiến nghị đã được nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng tất cả các yếu tố như: tổ chức giao thông, an toàn cháy nổ, an ninh trật tự... Khi đáp ứng đủ các điều kiện này Sở mới đề xuất thành phố cấp phép. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục yêu cầu đơn vị các khai thác đưa cộng nghệ cao vào ứng dụng nhằm quản lý tốt hơn nữa, minh bạch hơn nữa các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu. Mặt khác, các điểm này cũng chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023”.

Hạn chế bãi xe “lậu”

Ghi nhận của phóng viên tại điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Ngã Tư Vọng cho thấy, phần được phép trông giữ xe gồm 4 khoang, trong đó, 1 khoang dành riêng cho các xe cấp cứu (thường xuyên có khoảng 11 xe đỗ), 3 khoang còn lại là trông giữ ô tô và xe máy mà chiếm đến 90% là của người dân ra vào Bệnh viện Bạch Mai.

Anh Trần Quang Tùng, Tổ trường đội 23, Xí nghiệp Khai thác điểm đỗ xe số 2 cho biết, diện tích gầm cầu Ngã Tư Sở cũng chỉ xếp được khoảng 70 ô tô và 250 xe máy. Trong khi đó, nhu cầu gửi xe của người dân để ra vào bệnh viện Bạch Mai là rất lớn. Mỗi ca làm việc vào ban ngày đều được bố trí 5 công nhân để vừa đảm bảo trông giữ tài sản an toàn cho người dân, vừa đảm bảo trật tự giao thông cho xe ra vào. Kể từ khi điểm trông giữ xe này được thành phố cấp phép tạm (cuối 2015) đến nay, đơn vị thực hiện trông giữ phương tiện chưa để xảy ra vụ việc mất an toàn giao thông nào.

Liên quan đến đề xuất trên của TP Hà Nội, chuyên gia giao thông đô thị Phan Trường Thành bày tỏ, đề xuất của Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, trước mắt phải giải quyết nhu cầu cần thiết của người dân để tránh tình trạng đỗ xe tràn làn ngoài đường, vỉa hè gây mất trật tự ATGT và cũng hạn chế tình trạng các bãi xe tự phát.

“Nếu giải tỏa hết các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu nói trên thì chắc chắn các điểm này cũng trở thành điểm kinh doanh quán nước, hàng rong, thậm chí là bãi xe “lậu” không kiểm soát được, càng nhếch nhác hơn. Mà hiện nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng vẫn cho phép trông giữ xe dưới các gầm cầu có đủ điều kiện”- chuyên gia Phan Trường Thành nêu quan điểm.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay